Nghệ An: Chè xanh được giá lại mất mùa

Thời tiết cực đoan với mưa rét kéo dài và sương muối đã khiến mùa chè tại Nghệ An mất mùa. Dù giá chè hiện tại đã tăng gần gấp đôi so với năm ngoái, nhưng ở các vùng trồng chè, nguồn cung vẫn rất khan hiếm.

Mới đầu năm, thời tiết tại Nghệ An đã có nhiều thay đổi, khiến cho người dân trồng chè ở thủ phủ Cao Sơn rất lo lắng vì không có hàng để bán.

Gia đình bà Trần Thị Vinh, một hộ trồng chè lâu năm ở xã Cao Sơn, cho biết: Vườn của bà trồng khoảng 8 sào chè Gay. Hằng năm, từ tháng 2 âm lịch, chè bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên trong năm, và đây cũng là lứa chè có năng suất cao nhất. Mỗi ngày bà cắt từ 20-30 bó chè để bán cho thương lái, quanh năm không khi nào hết chè. Tuy nhiên, năm nay, chè phát triển chậm hơn, khiến những lứa chè cắt trong năm đến nay vẫn chưa đâm chồi.

Giá chè xanh tăng cao nhưng chè Cao Sơn dường như chỉ còn một diện tích ít
Giá chè xanh tăng cao nhưng chè Cao Sơn dường như chỉ còn một diện tích ít

“Trong khi chè trong vườn tôi đã thu hoạch gần hết, nhưng những lứa chè mới lại chưa kịp đâm mầm. Dù giá chè năm nay cao hơn rất nhiều so với mọi năm, nhưng tình trạng này khiến chúng tôi không còn hàng để bán,” bà Vinh chia sẻ.

Nhiều gia đình giờ hầu như không còn chè để thu hoạch, trong khi chè vẫn là nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây.

Những đồi chè xanh giờ chỉ còn những gốc chè trơ gốc
Những đồi chè xanh giờ chỉ còn những gốc chè trơ gốc

Chị Hảo, một người trồng chè khác, cho biết: "Bình thường, tôi dành phần lớn thời gian ở vườn chè. Ngoài việc cắt chè và bó chè để bán cho thương lái, tôi còn làm cỏ, bón phân để giúp chè phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, năm nay, gia đình tôi đã bán hết chè từ trước đó, nên giờ giá chè cao nhưng không còn chè để bán."

Chị Hảo cũng tâm sự: "Làm nông nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, nên có lúc rất khổ. Nếu chè được mùa thì lại mất giá, còn năm nay, chè được giá nhưng lại mất mùa. Hơn nữa, năm nay theo dự báo thời tiết lại sẽ có nắng hạn, không biết chè có qua được mùa này không."

Không chỉ người trồng chè thất thu, mà các thương lái, lao động cắt và vận chuyển chè cũng bị ảnh hưởng. Nhiều tiểu thương từ Vinh, Đô Lương, Diễn Châu đã lên tận nơi thu gom chè, nhưng khi đến nơi lại không có chè để mua, khiến họ phải quay về tay không.

Một bó chè đã tăng giá gấp đôi so với năm ngoái
Một bó chè đã tăng giá gấp đôi so với năm ngoái

Chị Phan Thị Hải, Cán bộ địa chính, nông nghiệp xã Cao Sơn, huyện Anh Sơn cho biết: "Hầu hết người dân Cao Sơn đều trồng chè. Toàn xã có hơn 630 ha chè Gay, đây là nguồn thu nhập chính giúp người dân thoát nghèo. Tuy nhiên, năm nay, do thời tiết giá rét kéo dài và sương muối, cây chè không đâm chồi lại, khiến người dân gặp khó khăn trong việc thu hoạch. Đặc biệt, nếu sau khi chè đâm chồi mà lại gặp nắng hạn, mùa màng sẽ thất thu nghiêm trọng."

“Do mất mùa, giá chè đã tăng gần gấp đôi, từ 10-12 nghìn đồng/bó lên 15-20 nghìn đồng/bó, nhưng nguồn cung vẫn rất khan hiếm. Hiện tại, hầu như trên địa bàn xã đã bán hết chè, chỉ còn một số ít gia đình nào chè nhiều mới có hàng để thu hoạch,” chị Hải cho hay.

Chè Gay mất mùa, trong khi chè xanh ở các địa phương khác như Thanh Chương cũng tăng giá. Mặc dù không phải chè Gay chính gốc, nhưng chè xanh ở Thanh Chương hiện được thương lái tìm mua với giá cao gấp đôi so với các năm trước. Giá chè năm ngoái chỉ khoảng 10.000 đồng/bó, nhưng năm nay đã tăng lên 15-18 nghìn đồng/bó.

Do thị trường chè khan hiếm, chè hiện không cần phải mang ra chợ bán, mà thương lái đã vào tận các vườn để thu mua. Ngoài vựa chè Gay nổi tiếng ở Cao Sơn, chè xanh cắt cành hiện cũng được trồng nhiều ở các xã như Thống Nhất (Đô Lương), Thanh Đức, Thanh Hương, Hạnh Lâm (Thanh Chương), Nam Đàn, Hưng Nguyên.

Diễm Phước