Được mùa – mất giá do dịch Codid-19
Vụ chè 2021 được mùa nhưng do dịch Covid - 19 khiến giá chè xuống thấp, tiêu thụ chậm. Dù khó khăn do dịch bệnh mang lại, việc tiêu thụ chè chậm, giá vận chuyển tăng nhưng các chủ xưởng chè vẫn chủ động thu mua, bao tiêu sản phẩm chè tươi cho người trồng.
Hợp tác xã Nông nghiệp và chế biến chè Thanh Đức, xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương là đơn vị chuyên trồng, chế biến, kinh doanh chè xanh. Hiện nay diện tích trồng chè của hợp tác xã là 8,53ha, cho sản lượng hàng năm khoảng 10 tấn thành phẩm đóng gói. Sản phẩm của hợp tác xã hoàn toàn được thu hái bằng tay theo tiêu chuẩn 1 tôm 2 lá (hái chè búp non, không thu hái bằng cắt máy). Năm 2019, sản phẩm chè xanh Thanh Đức sản xuất theo quy trình VietGAP và được công nhận đạt tiêu chuẩn 4 sao. Đến nay, sản phẩm chè xanh của hợp tác xã cung cấp thường xuyên với số lượng lớn cho các siêu thị trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành trong cả nước. Đầu ra sản phẩm ổn định, hợp tác xã tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng.
Nhưng từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường tiêu thụ sản phẩm thu hẹp, có thời điểm đóng băng khiến công suất hoạt động và doanh thu của hợp tác xã giảm sút.
Ông Đặng Duy Lâm, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và chế biến chè Thanh Đức chia sẻ, doanh thu của hợp tác xã đang giảm 50% do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hiện sản phẩm chè xanh đang bị ứ đọng trong kho khoảng 4 tấn bởi không tiêu thụ được.
Trong khi hàng hóa không vận chuyển lưu thông được do các địa phương đang thực hiện giãn cách thì ngay trong tỉnh cũng bị hạn chế bởi các nhà hàng, khách sạn hoạt động cầm chừng, thậm chí phải đóng cửa; đồng thời, thị trường tự do cũng giảm đáng kể, vì vậy, các kế hoạch sản xuất phải tạm dừng một phần. Có thời điểm, hợp tác xã phải chuyển sang hái máy sản phẩm để cắt giảm nhân công lao động.
“Hiện chỉ mong dịch COVID-19 qua nhanh và các ban, ngành hỗ trợ về khâu tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. Về phía hợp tác xã cũng đang nghiên cứu để chuyển hướng, chú trọng sản xuất sản phẩm đa dạng hơn, hướng đến chế biến tinh trong thời gian tới”, ông Đặng Duy Lâm nói.
Trong khi đó, đại diện HTX chè xanh Thanh Mai (Thanh Chương) cho biết: “Giá vận chuyển chè bằng đường thủy sang các nước cao gấp 3 lần so với trước khi dịch bệnh xảy ra. Trước đây một container chè vận chuyển bằng tàu thủy với thời gian đi 56 ngày có giá 51 triệu đồng thì nay tăng lên 140 triệu đồng (cao gần gấp 3 lần so với trước). Giá vận chuyển tăng, các chi phí khác đội lên song giá chè lại ở mức thấp, việc tiêu thụ cũng chậm hơn”.
Tuy vậy, điều đáng ghi nhận là trong khó khăn chung, các HTX, các chủ xưởng chè vẫn thu mua chè tươi cho người trồng, cho người dân ứng tiền trước để mua vật tư, phân bón tái chăm sóc cây chè cho vụ thu hoạch sau.
Ông Phan Đình Đường, chủ xưởng chè ở Hạnh Lâm (Thanh Chương) cho biết: “Vụ chè xuân vừa rồi, xưởng vẫn bao tiêu hàng nghìn tấn chè cho bà con, đảm bảo bà con thu hoạch đến đâu sẽ thu mua hết đến đấy. Xuất khẩu bị chậm lại nên nguồn tiền cũng hạn hẹp, gia đình đã huy động vốn vay để chi trả cho bà con kịp thời, giúp bà con có vốn tái đầu tư chăm sóc cây chè”.
Từ đầu năm 2020 đến nay, do dịch Covid -19 diễn biến phức tạp nên các chuyên gia kỹ thuật của các đối tác không thể sang kiểm tra chất lượng chè, do vậy không xuất khẩu bởi thiếu thủ tục. Trước thực trạng đó, nhiều xưởng đã chủ động tìm cách xoay xở như gửi mẫu kiểm nghiệm, cam kết chất lượng chè, nếu không đảm bảo sẽ chịu mọi chi phí… Để gỡ khó trước mắt, nhiều xưởng chè chấp nhận bán “hòa vốn” hoặc lãi ít cho các công ty, doanh nghiệp lớn trong nước để thu hồi vốn, có tiền chi trả cho bà con.
Một số xưởng thì cùng liên kết lại và chia sẻ thị trường cùng nhau, cùng chung nhau xuất khẩu các container chè chất lượng, đồng thời, tìm kiếm đối tác mới, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Đồng hành cùng các doanh nghiệp, các hộ trồng chè đã chia sẻ khó khăn bằng cách: nhiều hộ bán nợ chè cho các xưởng không lãi suất; tập trung chăm sóc và thu hái chè búp đạt chất lượng tốt nhất; vào lúc cao điểm chế biến, sẵn sàng hỗ trợ các xưởng chè trong vận chuyển, đóng gói và một số công đoạn chế biến...
Về phía chính quyền địa phương từ xóm, xã đến huyện cũng tổ chức các cuộc gặp gỡ, trao đổi nhằm động viên người dân vượt qua khó khăn khi giá chè xuống thấp, ổn định tư tưởng, tập trung chăm sóc cây chè và chuẩn bị tốt nhất cho việc thu hoạch chè mùa sắp tới, đồng thời chủ động các giải pháp chống hạn cho cây chè. Bên cạnh đó, phối hợp các ban, ngành tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh tiếp cận nguồn vốn vay; kiến nghị giãn nợ, giảm lãi suất... để họ ổn định sản xuất, chế biến và bao tiêu chè búp tươi cho người dân.
Cần giải pháp căn cơ, đồng bộ
Đến nay, diện tích trồng chè trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 12.000ha, năng suất đạt 130 tấn/ha, sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt 156.000 tấn (tương đương 31.200 tấn búp khô). Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có một số nơi hình thành vùng trồng chè theo chuẩn VietGAP với quy mô nhỏ ở các huyện: Anh Sơn, Thanh Chương…
Nghệ An là tỉnh đặc thù ngành nông nghiệp với nhiều sản phẩm trọng điểm có tính chất mùa vụ, dễ gặp khó khăn tiêu thụ thời điểm vào mùa vụ thu hoạch khi phải đối mặt với khó khăn do dịch COVID-19 bùng phát. Trước tình hình đó, tỉnh đã chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp chủ động, sáng tạo, linh hoạt điều chỉnh sản xuất, phương thức kinh doanh để vừa thúc đẩy tiêu thụ nông sản, vừa bảo đảm phòng tránh dịch bệnh COVID-19 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Bên cạnh đó, tỉnh theo dõi, bám sát tình hình giá cả, lưu thông hàng hóa, kịp thời chỉ đạo triển khai các biện pháp, kế hoạch để vừa đẩy mạnh sản phẩm bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong nước, vừa thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu cả ở thị trường truyền thống và cả thị trường mới, nhiều tiềm năng; trong đó, đặc biệt quan tâm việc xuất khẩu, lưu thông hàng hóa nông sản.
Để giúp bà con tiêu thụ sản phẩm, tỉnh đã giúp các chủ thể có sản phẩm xây dựng các điểm bán hàng, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể VietGAP, GlobalGAP, sản xuất hữu cơ; truy xuất nguồn gốc QR, mã vạch…
Bên cạnh đó kết nối, giao thương các sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online… để người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh Nghệ An.
Khó khăn của ngành chè Nghệ An cũng là điển hình của khó khăn chung của mặt hàng nông sản cả nước. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, Tổ trưởng Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Bắc (gọi tắt là Tổ công tác 3430), hiện nay, rau quả, chăn nuôi, thủy sản là những ngành hàng đang gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Tổ công tác 3430 cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến việc tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp còn chậm so với thời vụ thu hoạch, kéo theo giá một số mặt hàng nông sản giảm. Giá thu mua các loại nông sản giảm trong khi giá vật tư sản xuất tăng (mức tăng từ 10-40%) so với đầu năm 2021 tùy địa phương và đang có xu hướng tiếp tục tăng.
Tại Lai Châu, mặt hàng chè khô tồn kho còn khoảng 2.400 tấn gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất sơ chế chè. Việc tiêu thụ các mặt hàng thủy sản chất lượng cao như cá tầm, cá hồi, cá nheo, cá lăng cũng hạn chế.
Tại Thái Nguyên, giá chè qua chế biến các loại giảm khoảng 10-15%. Việc cung ứng, tiêu thụ rau của một số hợp tác xã sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn. Hiện nay, một số loại nông sản đang trong vụ thu hoạch như: Na (6.500 tấn), nhãn (5.500 tấn)... cần có giải pháp thúc đẩy tiêu thụ cho người dân.
Một khó khăn nữa là chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình vận chuyển vật tư, sản phẩm ra vào khu vực sản xuất, chăn nuôi.
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.