Khai thác tiềm năng địa phương
Nam Đàn là huyện đang nỗ lực xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn huyện hiện có hơn 100 ha diện tích sen, trong đó xã Kim Liên chiếm khoảng 30 ha. Sen được trồng tại các xóm như Làng Sen 1, Làng Sen 2, Liên Hồng, Hoàng Trù, Liên Mậu 1 và 2… Những ruộng sen này không chỉ tạo cảnh quan tươi đẹp mà còn mang lại các sản phẩm du lịch độc đáo từ củ, hoa, lá sen và trà sen.
Những đầm sen ở Nam Đàn vừa phục vụ du lịch, vừa sản xuất các sản phẩm OCOP
Ở Nam Đàn, những đầm sen vừa phục vụ du lịch, vừa sản xuất các sản phẩm OCOP. Anh Phạm Kim Tiến, Giám đốc HTX Sen quê Bác, là người tiên phong trong việc nhân rộng các giống sen tại đây, bao gồm sen hồng, sen ngàn cánh, sen Quan Âm… HTX sản xuất nhiều sản phẩm đặc biệt như bột củ sen, rượu sen, và các loại trà sen, trong đó trà sen được ướp với gạo sen theo phương pháp truyền thống, mang lại hương vị thanh mát, đậm đà.
Khi đến Nam Đàn, du khách không chỉ được ngắm hoa sen, chụp ảnh lưu niệm mà còn có cơ hội trải nghiệm quy trình trồng và chế biến các sản phẩm từ sen, từ đó nâng cao nhận thức về nông nghiệp sạch và bảo tồn giá trị văn hóa nơi đây.
Những vườn hồng ở Nam Anh, Nam Đàn thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chụp ảnh
Nam Đàn còn nổi tiếng với các vườn hồng cổ ở xã Nam Anh. Những cây hồng hàng trăm năm tuổi ra quả vào mùa thu, với sắc đỏ rực rỡ, thu hút đông đảo du khách đến check-in và tham quan. Du khách có thể kết hợp tham quan các điểm di tích lịch sử như quê Bác, chùa Đại Tuệ. Nếu chính quyền và người dân tiếp tục đào tạo nông dân làm du lịch và tăng cường quảng bá vườn hồng, hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế bền vững.
Làm mô hình nông nghiệp kết hợp phát triển du lịch
Xã Nghi Liên, thành phố Vinh, nổi bật với làng nghề hoa cây cảnh Trung Liên, nơi sản xuất các loại hoa và cây cảnh quanh năm. Nông dân tại đây trồng hoa Tết vào mùa xuân, bí, mướp hương, dưa lưới cao cấp vào mùa hè, và chăm sóc cây cảnh suốt bốn mùa, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Làng hoa ở Nghi Ân vừa mang lại thu nhập cho người dân và cũng là điểm đến lý tưởng cho du khách
Tại xã Nghi Ân, các vườn hoa cúc, đào, đồng tiền,… rực rỡ vào dịp Tết cũng là một điểm đến lý tưởng, giúp du khách có thể thưởng thức vẻ đẹp hoa tươi và tận hưởng không gian bình yên ngay gần trung tâm thành phố Vinh. Các sản phẩm như dưa lưới, rau sạch, ngô nếp, và cây cảnh được bán cho du khách khi họ đến tham quan.
Ngoài ra, nhiều mô hình nông nghiệp khác đang phát triển mạnh mẽ như trồng nho, dưa leo, bí, rau thủy canh, cà rốt ở các huyện Đô Lương, Yên Thành, Tân Kỳ, Con Cuông, và TX Hoàng Mai. Các mô hình du lịch hoa hướng dương ở Nam Đàn, hoa gạo Tam Đỉnh (Anh Sơn) cũng thu hút không ít du khách.
Huyện Yên Thành, Diễn Châu với các hồ Vệ Vừng, hồ Xuân Dương là những điểm du lịch sinh thái xanh quý giá, nơi người dân áp dụng canh tác hữu cơ, bảo vệ đất đai và duy trì môi trường tự nhiên. Các dịch vụ ăn uống và hướng dẫn tham quan tại đây giúp nâng cao trải nghiệm du khách và mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với canh tác nông nghiệp truyền thống.
Phát triển du lịch nông thôn
Những năm gần đây, tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ một số mô hình du lịch phát triển để kích cầu du lịch nông thôn. Vào năm 2023, tỉnh đã triển khai hỗ trợ 12 mô hình du lịch tại các huyện như Nam Đàn, Yên Thành, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Châu, và Quế Phong, mỗi mô hình được hỗ trợ 500 triệu đồng. Nhờ đó, các hộ dân và hợp tác xã đã đầu tư thực hiện mô hình du lịch nông thôn hiệu quả, góp phần tạo sinh kế mới cho cộng đồng.
Năm 2024, mô hình du lịch nông thôn tiếp tục được nhân rộng. Ngoài ra, tỉnh Nghệ An cũng đã tổ chức những lớp tập huấn về du lịch nông nghiệp, nông thôn, giúp nâng cao năng lực cho người dân trong việc phát triển du lịch tại địa phương. Các ngành chức năng cũng đã khảo sát và tìm ra giải pháp khai thác hiệu quả mô hình du lịch nông thôn, nhằm thu hút khách du lịch và phát triển kinh tế.
Mô hình farmstay, kết hợp nghỉ dưỡng và trải nghiệm các hoạt động nông nghiệp, đang trở thành xu hướng tại các xã Nam Giang, Nam Anh (Nam Đàn) và các huyện Kỳ Sơn, Quế Phong. Các mô hình này giúp người dân miền núi khai thác tiềm năng du lịch, đồng thời cải thiện thu nhập từ việc trồng rau, nuôi gà, dệt vải, tạo ra một cuộc sống bền vững.
Diễm Phước