Trong trà đạo Việt, chữ đạo được hiểu là con đường, là phong cách uống trà của người Việt. Thưởng thức một chén trà mang phong cách Việt là thưởng thức cả một nét văn hóa Việt. Trong văn hóa ứng xử của người Việt, người nhỏ pha trà mời người lớn, gia chủ pha trà mời khi khách đến chơi. Pha một ấm trà nóng người ta có thể ngồi trà đàm, nhâm nhi suy ngẫm bàn luận về thế sự. Trà là thức uống thanh tao giúp cho người thưởng thức thư giãn tinh thần, thể hiện sự hiếu khách của gia chủ mỗi khi bạn đến chơi nhà.
Mỗi quốc gia với những phong tục và đặc thù riêng biệt sẽ hình thành nên cách pha chế và thưởng trà khác nhau. Với người Việt, nghệ thuật pha trà được gói trọn lại trong một câu: “Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh”.
Nhất thủy: Nước là yếu tố đầu tiên và quan trọng làm nên sự tinh túy của tách trà. Loại nước dùng để pha trà phải là nước tinh khiết. Với mỗi loại trà, độ sôi của nước lại không giống nhau. Với trà xanh, nước trà chỉ cần đun sôi sủi tăm còn với trà tẩm hương như trà sen, trà cúc, trà nhài... nước trà cần sôi già hơn. Nước chưa đủ độ sôi sẽ khiến trà không phai, còn nếu sôi quá lại khiến trà trở nên nồng đậm mà các cụ xưa còn hay gọi bằng cái tên dân giã là “cháy trà”.
Nhì trà: Để có được thứ nước trà thơm nồng đúng điệu chè xanh, chè nụ mới là nguyên liệu chuẩn để pha chế. Có như vậy chỉ cần đun với nước sôi trong khoảng 15 phút, chè đã đủ độ ngấm và toàn bộ tinh chất từ lá trà sẽ được chuyển sang thứ nước vàng óng ánh trông đẹp mắt và ngon miệng.
Tam bôi: Chén uống trà thường được lựa chọn hết sức tỉ mỉ. Đường kính của chén không nên quá rộng, thường chỉ nhỏ nhắn như hột mít hay mắt trâu, bởi thưởng trà không quan trọng về lượng mà lại quan trọng về chất và tinh thần. Sự đẹp mắt của chén trà mang đến hương vị thơm ngon cho từng tách trà.
Tứ bình: Trước khi pha trà, bình phải được tráng qua bằng nước sôi bằng cách tưới lên bình trà. Trà đựng trong bình phải được pha vừa đủ lượng để không nhạt quá cũng không đắng quá. Sau khi rót đủ nước pha trà ngập mặt, người pha sẽ đổ đi nước đầu tiên để rửa trà. Sau đó, người pha trà sẽ hoàn tất khâu cuối cùng, đổ nước gần đầy bình, đem đậy nắp, rót lên nắp bình một lượng nhỏ nước nóng để lưu giữ thứ mùi hương tinh khiết, thơm dịu của trà.
Ngũ quần anh: Nhà văn Nguyễn Tuân có câu: “Chỉ có người tao nhã, cùng một thanh khí, mới có thể cùng nhau ngồi bên một ấm trà. Những lúc ấy, chủ nhân phải tự tay mình chế nước, nhất nhất cái gì cũng làm lấy cả, không dám nhờ đến người khác, sợ làm thế thì mất hết cả thành kính”. Người thưởng trà, bạn trà vì thế mới quan trọng, khó kiếm, hiếm gặp.
Tất cả các công đoạn cầu kỳ ấy, từ chọn nước, chọn trà, pha trà, rót trà đều thấm đẫm màu sắc văn hóa truyền thống và tụ hội tinh hoa dân tộc Việt Nam vốn đã được gìn giữ và lưu truyền qua hàng ngàn năm. Trà đại diện cho sự tế nhị, nhạy cảm, thanh tao, tạo không gian để suy ngẫm và khiến đầu óc tỉnh táo. Uống trà để giữ tâm thanh tịnh, để lưu giữ một nét văn hóa thanh lịch và tỏa hương. Nghệ thuật thưởng trà chính vì thế đã trở thành một thú vui tao nhã của người Việt nói riêng và người Á Đông nói chung.
Trà Hương (t/h)