Người phụ nữ Tày thành công với nghề làm chè

Sau những năm tháng miệt mài cố gắng, người phụ nữ dân tộc Tày ở Huyện Yên Minh (Hà Giang) đã thành công đưa thương hiệu chè Ngam La vươn ra thị trường trong và ngoài nước, mang lại việc làm, thu nhập cho nhiều hộ nông dân.

Chị Nguyễn Thị Tươi, sinh năm 1983, là người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên tại xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Năm 2006 sau khi tốt nghiệp đại học Lâm Nghiệp Hà Nội ra trường, chị Tươi được tuyển vào biên chế nhà nước, làm việc tại bộ phận Địa chính Nông nghiệp – Xây dựng và Môi trường của xã Ngam La với mức lương khá ổn định.

Vừa đi làm cán bộ nhà nước chị vừa theo đuổi niềm đam mê về nông nghiệp. Nhận thấy vùng đất nơi chị làm việc là vùng đất có tiềm năng rất lớn để phát triển cây chè. Mặc dù từ trước đến nay chưa thực sự phát triển theo hướng hàng hóa, nhưng danh tiếng chè Ngam La được người “sành chè” trong và ngoài huyện biết đến. Đó là vùng chè được trồng trên những ngọn núi cao, thời tiết mát mẻ, quanh năm mây mù bao phủ cùng với chất đất đã tạo nên một hương vị đậm đà, thơm ngon, đắng chát tự nhiên không thua kém các sản phẩm chè có thương hiệu ở một số vùng trong tỉnh. Từ những lợi thế đó, cộng với niềm đam mê với cây chè nên chị Tươi đã quyết định “khởi nghiệp với nghề làm chè”.

Chị Nguyễn Thị Tươi đại diện HTX Hương vị núi tham gia Hội thi trà Shan tuyết Hà Giang 2023
Chị Nguyễn Thị Tươi đại diện HTX Hương vị núi tham gia Hội thi trà Shan tuyết Hà Giang 2023

Chị Tươi cho biết, thời điểm này, chè Ngam La đang gặp muôn vàn khó khăn. Tuy chè có hương vị thơm ngon rất đặc trưng, nhưng bà con chưa biết cách làm thương hiệu. Các sản phẩm chè còn nghèo nàn, không có sức cạnh tranh với các sản phẩm chè của nhiều vùng khác. Hơn nữa do chưa biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc, phát triển nên diện tích chè nơi đây cứ còi cọc thưa thớt dần. Sản lượng chè hàng năm của xã rất thấp, chỉ một số ít hộ có sản phẩm bán ra thị trường. Chất lượng chè còn hạn chế, mẫu mã xấu nên giá bán không cao, tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều người không muốn hái chè nữa, thậm chí đã chặt bỏ không biết bao nhiêu cây chè.

Trước thực tế trên, năm 2009 chị Tươi đã tìm hiểu, nghiên cứu và viết đề án phát triển cây chè Ngam La, rồi trực tiếp mang đề án, xin phép thành lập Hợp tác xã Hương Vị Núi và hỗ trợ đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ thương hiệu chè Ngam Lam. Đến tháng 5/2012, HTX Hương vị núi đã ra đời với mục đích làm thương hiệu và tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm chè Ngam La và để tăng giá trị của cây chè, tạo thu nhập cho bà con nhân dân. Điểm nổi bật, sản phẩm chè Ngam La lần đầu tiên được sản xuất, chế biến, đóng gói qua máy hút chân không, mẫu mã đẹp được đăng ký nhãn hiệu và công bố chất lượng sản phẩm mang tên “Chè Shan tuyết Ngam La”. Khi mới bắt tay vào làm, chị bảo muốn thành công và có được niềm tin của khách hàng thì đừng chỉ nghĩ đến lợi nhuận mà việc trước tiên cần làm là giới thiệu được sản phẩm cho nhiều khách hàng biết đến qua đó sẽ dần tạo dựng uy tín cũng như chất lượng sản phẩm trên thị trường. Do đó chị thường xuyên tìm kiếm nhiều thị trường trong nước thông qua khách du lịch và tích cực bán hàng online trên các trang mạng xã hôi như Facebook, Zalo, các sàn giao dịch điện tử như Shopee, Lazada… Dần dần khi khách hàng đã quen thuộc và yêu thích sản phẩm chè của chị nên đã tự tìm đến mua và giới thiệu cho những người thân quen khác. Cứ thế, lượng khách hàng đến với chị ngày một đông, chị bảo như thế là chị đã bước đầu thành công. Theo chị Tươi, để làm ra được những sản phẩm chè ngon đòi hỏi người chế biến phải thật sự tâm huyết đó là sự kết hợp giữa bàn tay khéo léo của những nghệ nhân và những người con của vùng đất chè Ngam La.

Chị em hội viên HTX thu hái chè Shan tuyết
Chị em hội viên HTX thu hái chè Shan tuyết

Hiện nay, xưởng chế biến chè theo hình thức bán thủ công hệ mi ni, trung bình một tháng HTX sản xuất được 200kg chè khô thành phẩm. HTX có 3 loại sản phẩm chè bán ra thị trường đều được đóng gói, hút chân không với giá bán bình quân từ 250.000 đến 500.000 đồng/kg. HTX giải quyết việc làm thường xuyên cho 08 lao động, bao tiêu sản phẩm cho 15 hộ gia đình có máy chế biến chè mini và thu mua chè tươi tạo thu nhập cho khoảng 150 hộ gia đình trồng chè xã Ngam La. Nhờ chất lượng và thương hiệu chè Ngam La nên sản phẩm chè của chị Tươi đã chiếm được cảm tình và sự ủng hộ của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Chị Tươi ( Đứng thứ hai từ phải sang trái) đại diện HTX Hương vị núi nhận giải nhì nội dung thi sản phẩm trà Shan tuyết tại Hội thi trà Shan tuyết Hà Giang 2023
Chị Tươi ( Đứng thứ hai từ phải sang trái) đại diện HTX Hương vị núi nhận giải nhì nội dung thi sản phẩm trà Shan tuyết tại Hội thi trà Shan tuyết Hà Giang 2023

Trong những năm qua, HTX Hương vị núi luôn chú trọng từ khâu chọn lọc nguyên liệu, đảm bảo xanh - sạch - an toàn - chất lượng; đến quy trình sản xuất, chế biến phải tuân thủ theo tiêu chuẩn để cho ra những sản phẩm giàu dinh dưỡng. Các sản phẩm được đóng gói bằng các loại túi thân thiện với môi trường, đảm bảo cho việc bảo quản sản phẩm tốt nhất, tránh ánh sáng, tránh ẩm mốc và mất mùi hương của trà. Ngoài ra, đặc trưng làm nên thương hiệu nổi tiếng của trà Hương vị núi đó chính là hương vị và màu sắc. Sắc xanh ánh vàng của nước trà cộng thêm với chút vị chan chát lan tỏa khắp đầu lưỡi rồi đọng lại một vị ngọt hậu rất lâu nơi cổ họng đã chinh phục được những người thưởng trà khó tính nhất.

Chị Tươi là một người phụ nữ đầy nghị lực, một tấm gương khởi nghiệp tràn đầy đam mê và tâm huyết. Đến nay, sản phẩm chè của HTX Hương Vị Núi đã tiếp cận với thị trường cả nước, có mặt tại nhiều hội chợ, triển lãm, được đông đảo khách hàng tin tưởng và đánh giá rất cao về chất lượng.