Không chỉ là dược liệu, mà là lý tưởng sống
Nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, An Toàn là xã vùng cao của tỉnh Gia Lai từ ngày 1/7/2025 (trước thuộc huyện An Lão, tỉnh Bình Định). Đây là nơi đồng bào Ba Na sinh sống lâu đời, dựa vào rừng và nương rẫy để mưu sinh. Vẻ đẹp hoang sơ cùng hệ sinh thái phong phú nơi đây từng chỉ gợi đến sự biệt lập – nhưng với một nhóm sinh viên trẻ, đây lại là điểm khởi đầu cho một hành trình khởi nghiệp đầy hoài bão.
Mai Thị Mỹ Lâm (29 tuổi, quê Khánh Hòa) là một trong năm thành viên đầu tiên của Hợp tác xã Nông dược và Dịch vụ tổng hợp An Toàn. Tốt nghiệp chuyên ngành dược, Lâm và các bạn cùng lớp đã chọn cách không về phố tìm việc mà rẽ sang hướng khác: mang kiến thức học được về nơi rừng sâu, để làm điều gì đó có ý nghĩa hơn với cộng đồng.
“Khi lần đầu đến An Toàn, bọn mình bị choáng ngợp bởi thiên nhiên – và cả kho tàng cây thuốc quý hiếm nơi đây. Nhưng để lựa chọn ở lại làm kinh tế, làm dược liệu ở vùng đất gần như tách biệt này – đó là quyết định rất mạo hiểm”, Lâm chia sẻ.
Từ 5 người đến mạng lưới hơn 30 hộ đồng bào Ba Na
Không vốn, không kinh nghiệm địa phương, cũng chẳng có ai quen biết hay nâng đỡ, nhóm bạn trẻ ban đầu chỉ có thể bắt đầu bằng những điều nhỏ nhất: ăn cùng dân làng, ngủ trong nhà sàn, đi vận động từng hộ đồng bào để xin thuê đất trồng cây, học cách sống hòa cùng thiên nhiên.
Đã không ít lần họ phải tự hỏi mình đang làm gì giữa rừng sâu thăm thẳm, những đêm mưa chỉ có ánh đèn dầu và tiếng côn trùng. Nhưng rồi, họ vẫn ở lại.
Bắt tay cải tạo đất, trồng thử nghiệm các loại cây dược liệu quý như đương quy, thất diệp nhất chi hoa, thường xuân… nhóm áp dụng kỹ thuật hữu cơ, bào chế sản phẩm theo quy trình khoa học. Đến nay, họ đã xây dựng được vùng nguyên liệu khoảng 4ha và liên kết thêm 3ha từ 32 hộ đồng bào Ba Na.
Không dừng ở đó, HTX của Lâm còn triển khai chuỗi sản xuất khép kín: cung cấp giống, tập huấn kỹ thuật, đầu tư vật tư đầu vào và bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra. Một số cây thuốc quý từng đứng trước nguy cơ mai một, nay đã được nhân giống, bảo tồn và chế biến thành các sản phẩm chăm sóc sức khỏe.
Hiện tại, nhóm đã có 5 sản phẩm đạt chuẩn Bộ Y tế, phân phối tại hơn 1.000 nhà thuốc trên toàn quốc.
Mang hơi thở du lịch đến vùng đất “chưa có tên” trên bản đồ du lịch
Không chỉ dừng lại ở dược liệu, nhóm bạn trẻ còn bước đầu hình thành mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn sinh thái. Những ngôi nhà sàn truyền thống được cải tạo thành homestay, du khách được dẫn đi trekking xuyên rừng, trải nghiệm tắm lá thuốc và thưởng thức ẩm thực bản địa.
Chỉ tính riêng năm 2024, An Toàn đã đón hơn 1.000 lượt khách, một con số không lớn so với các điểm du lịch nổi tiếng, nhưng là bước ngoặt với vùng đất từng chỉ được biết đến như nơi “chỉ có gió ngàn và rừng già”.
“Sắp tới, khi địa phương có quy hoạch rõ ràng, tụi mình sẽ mở rộng vùng trồng dược liệu và đầu tư thêm hạ tầng du lịch để giữ chân du khách lâu hơn”, Mỹ Lâm cho biết.
Năm 2023, Hợp tác xã của Lâm được chọn làm mô hình điểm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế miền núi của Sở Công Thương Bình Định (cũ). Dự án “thương mại hai chiều” giúp đưa vật tư – công nghệ về vùng sâu, đồng thời kết nối đầu ra cho nông sản và dược liệu bản địa.
Câu chuyện của Mỹ Lâm và các bạn không chỉ là một dự án khởi nghiệp, mà là minh chứng cho một thế hệ trẻ dám lựa chọn con đường khó hơn, nhưng đầy ý nghĩa.
Họ không bỏ phố để sống ẩn dật, mà chọn về rừng để sống thật với đam mê, với lý tưởng, và với khát vọng làm điều gì đó thiết thực cho cộng đồng. Giữa đại ngàn An Toàn, họ đang gieo những mầm hy vọng đầu tiên, không chỉ cho cây dược liệu, mà cho cả những đổi thay bền vững của núi rừng và con người nơi đây.
Văn Minh