Bánh oản, hay còn gọi là oản đường là món bánh có truyền thống lâu đời và là lễ vật không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt trong các dịp lễ, Tết, cúng giỗ… Đối với anh Nguyễn Hữu Huy oản không chỉ là một món ăn mà còn là món quà của tuổi thơ, là bạn đồng hành của thời niên thiếu và trở thành niềm đam mê, nhiệt huyết của tuổi trưởng thành dựng xây.
Lên 7 tuổi, anh đã được ông nội và bố tận tay chỉ dạy bí quyết làm bánh, từ cách chọn nguyên liệu đến nhào bột, đóng khuôn bánh. Anh chia sẻ: “Bánh oản ngon phải có hương thơm dịu nhẹ từ bột gạo nếp kết hợp các loại tinh dầu truyền thống, có độ mềm vừa phải, hương vị phải hài hòa, vị ngọt thanh, không quá ngọt cũng không quá nhạt, hương vị đậm đà nhưng không lấn át, để lại cảm giác ngọt dịu khi nếm”.
Nếu như trước đây, để làm ra những chiếc bánh oản thơm ngon cần tốn rất nhiều thời gian và công sức. Bằng sự đổi mới, sáng tạo anh Huy đã đầu tư các loại máy móc hiện đại như: máy đánh bột, máy đánh đường, các loại khuôn tạo hình. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, thời gian và công lao động.
Bên cạnh đổi mới trong hệ thống máy móc sản xuất, anh Nguyễn Hữu Huy còn tìm hiểu, nghiên cứu làm đa dạng các loại hương vị và nguyên liệu làm bánh. Bánh oản truyền thống thường chỉ có hương bưởi là chủ yếu, nay anh đã cải tiến đưa thêm hương cốm, hương vani và nhiều hương vị khác vào món bánh của mình giúp cho bánh oản trở nên hấp dẫn và đa dạng về hương vị.
Trong quá trình hội nhập quốc tế, sự đa dạng hóa của các mặt hàng nhập khẩu đã trở thành thách thức đối với các mặt hàng trong nước, anh Huy chia sẻ “Nếu không có sự đổi mới, những chiếc oản truyền thống sẽ dần đi vào quên lãng và không còn sức hút trong nhịp sống hiện đại”. Vì vậy, anh đã không ngừng đổi mới và sáng tạo, những chiếc oản của anh không chỉ mang “hơi thở” truyền thống mà còn mang một diện mạo mới, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng hiện đại. Trước đây, bánh oản có hình dạng phổ biến là hình chóp nón, có đỉnh nhọn và phần đáy rộng, chỉ có màu trắng của bột gạo nếp và được gói trong giấy màu. Hiện nay, cơ sở sản xuất của anh Huy đã “khoác lớp áo mới” cho bánh oản với đa dạng các hình khác nhau như: oản quả đào, quả xoài, quả na, quả táo, hoa sen, thỏi vàng… Được tạo màu bằng những nguyên liệu tự nhiên: lá nếp, gấc, củ dền, nghệ, hoa đậu biếc…Ấn tượng nhất là những chiếc oản hình chóp nón có họa tiết hoa văn, long, phụng, sóng nước, mây trời với chiều cao gần 1m. không chỉ an toàn cho sức khỏe, mà còn giữ được hương vị thơm ngon, mang vẻ đẹp nghệ thuật và thân thiện với môi trường.
Đến nay, xưởng sản xuất oản của anh Nguyễn Hữu Huy có diện tích hơn 400m2, các tháng được coi là “vụ mùa” của bánh oản giao động từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch. Anh cho biết: “Những tháng cao điểm, xưởng sản xuất của anh có 15 - 20 công nhân phải thay ca làm việc suốt ngày đêm để kịp giao hàng cho khách”. Trung bình mỗi ngày xưởng sản xuất của anh cho ra sản lượng khoảng 1500 bánh oản các loại.
Việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới và sáng tạo trong kỹ thuật làm bánh oản của anh Nguyễn Hữu Huy là một hướng đi đúng đắn, không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho cơ sở sản xuất mà còn góp phần tăng thêm thu nhập cho người lao động địa phương.
NGUYỄN THÊU