Người Việt ưa chuộng cà phê, trà sữa bình dân

Xu hướng tiêu dùng đang dần dịch chuyển mạnh mẽ từ các sản phẩm đắt tiền sang các sản phẩm bình dân, giá rẻ, phản ánh sự thay đổi trong ưu tiên chi tiêu của người Việt. Trong khi phân khúc cao cấp gặp khó, cà phê và trà sữa bình dân lại "lên ngôi", trở thành lựa chọn hàng đầu, đồng thời biến các quán cà phê thành không gian đa năng cho làm việc, gặp gỡ và giải trí.

Theo báo cáo thị trường năm 2024 được thực hiện bởi iPOS, Euromonitor và VIRAC, ngành đồ uống Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu đáng kể, đạt 118.262 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước. Với hơn 100.000 doanh nghiệp nhà hàng và quán cà phê, trà sữa sử dụng nền tảng quản lý của iPOS, ngành này đã "bỏ túi" trung bình hơn 323 tỷ đồng mỗi ngày, đánh dấu mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2018.

Người Việt ưa chuộng cà phê, trà sữa bình dân - Ảnh 1

Một trong những điểm nổi bật của báo cáo là sự thay đổi rõ rệt trong thói quen tiêu dùng của người Việt. Thay vì lựa chọn các loại đồ uống cao cấp, đắt tiền, người tiêu dùng hiện nay đang có xu hướng chuyển sang các sản phẩm bình dân, giá rẻ. Khảo sát của iPOS trên gần 4.500 người tiêu dùng tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy, số lượng người sẵn sàng chi trả từ 35.000 đến 50.000 đồng cho một ly đồ uống đã giảm mạnh từ 47,7% (năm 2023) xuống còn 31,5% (năm 2024). Ngược lại, phân khúc đồ uống từ 21.000 đến 35.000 đồng lại ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, từ 29,6% lên 40%. Đặc biệt, phân khúc dưới 20.000 đồng cũng thu hút thêm nhiều khách hàng, tăng từ 4,3% lên 12,3%.

Phân khúc đồ uống cao cấp (từ 70.000 đồng trở lên) đang đối mặt với sự sụt giảm đáng kể, từ 7,3% xuống còn 5,1%. Điều này buộc nhiều thương hiệu đồ uống cao cấp phải tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, sự dịch chuyển sang phân khúc bình dân vẫn là xu hướng chủ đạo, phản ánh sự thay đổi trong ưu tiên chi tiêu của người tiêu dùng.

Phân khúc đồ uống từ 21.000 đến 35.000 đồng không chỉ chiếm tỷ trọng cao về số lượng người tiêu dùng, mà còn có tần suất sử dụng thường xuyên. 37,7% người được khảo sát cho biết họ uống đồ uống trong phân khúc này hàng ngày, và 40,6% số người uống thường xuyên. Điều này cho thấy, các sản phẩm đồ uống bình dân như cà phê truyền thống, trà sữa phổ thông và các quán mua mang về đang trở thành lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng.

Người Việt ưa chuộng cà phê, trà sữa bình dân - Ảnh 2

Theo iPOS, sự tăng trưởng doanh thu của ngành đồ uống không chỉ đến từ nhu cầu thưởng thức đồ uống, mà còn nhờ vào sự phục hồi lối sống bận rộn của người tiêu dùng sau đại dịch. Các quán cà phê, trà sữa ngày nay không chỉ là nơi để thưởng thức đồ uống, mà còn trở thành địa điểm gặp gỡ bạn bè, tiếp khách, thậm chí là tổ chức các buổi họp kinh doanh.

Đặc biệt, với sự gia tăng của xu hướng làm việc từ xa (remote) trong giới trẻ thuộc thế hệ GenZ, các quán cà phê, trà sữa đã trở thành không gian làm việc lý tưởng. Thay vì đến công sở, nhiều người trẻ lựa chọn làm việc tại các quán cà phê với đầy đủ tiện nghi như đồ uống, máy lạnh và tốc độ internet nhanh. Nhận thấy nhu cầu này, nhiều quán cà phê đã điều chỉnh mô hình kinh doanh, mở cửa 24/24h, thiết kế không gian yên tĩnh, và bố trí phòng riêng cho các nhóm cần hội họp.

Sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng đồ uống của người Việt phản ánh rõ nét bối cảnh kinh tế và xã hội hiện tại. Trong khi các sản phẩm cao cấp đang gặp khó, đồ uống bình dân lại "lên ngôi", trở thành lựa chọn hàng đầu của đại đa số người tiêu dùng. Điều này không chỉ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong phân khúc bình dân, mà còn đặt ra thách thức cho các thương hiệu cao cấp trong việc thích ứng với xu hướng mới.