Nguồn cung bất động sản tồn kho tăng sau thời gian giãn cách kéo dài vì dịch bệnh Covid-19

Sau thời gian giãn cách, hàng tồn kho bất động sản (BĐS) quý III/2021 tăng mạnh, cho thấy khả năng hấp thụ của thị trường BĐS quý này giảm so với quý trước do một số địa phương lớn phải thực hiện giãn cách kéo dài do dịch bệnh Covid-19 diễn biến căng thẳng tại nhiều tỉnh thành trọng điểm như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, Bộ Xây dựng công bố báo cáo thị trường BĐS quý III/2021. Về tồn kho BĐS, Bộ Xây dựng cho biết, qua tổng hợp, phân tích số liệu về nguồn cung BĐS và lượng giao dịch BĐS theo các báo cáo công bố thông tin thị trường BĐS của các địa phương, cho thấy số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa giao dịch ước tính vào khoảng 15.067 căn.

Như vậy, khả năng hấp thụ của thị trường BĐS trong quý III/2021 giảm so với quý trước do một số địa phương lớn phải thực hiện giãn cách kéo dài do dịch bệnh Covid-19 diễn biến căng thẳng tại nhiều tỉnh thành trọng điểm như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương…

Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3 vừa qua, trong đó công ty ghi nhận hơn 1.300 tỉ đồng doanh thu thuần. Tuy nhiên, do giá vốn tăng cao đã khiến cho lợi nhuận chỉ đạt 783 tỉ đồng. Bên cạnh đó, các khoản chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng. Điều này dẫn đến lợi nhuận thuần của công ty bị sụt giảm và lợi nhuận sau thuế của công ty là 160 tỉ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Đáng chú ý, trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 cho thấy, hàng tồn kho tại thời điểm cuối quý 3 của Đất Xanh ghi nhận con số khủng lên đến hơn 11.140 tỉ đồng, tăng 9%. Về khoản tồn kho thành phẩm, trong kỳ công ty cũng ghi nhận thêm 102 tỉ đồng từ dự án Gem Sky World và 109 tỉ đồng từ dự án Khu dân cư Yên Thanh bên cạnh các dự án An Viên, Sunview, Luxgarden hay Khu dân cư nút giao thông Phó Đức Chính và Ngô Quyền có tồn kho giữ nguyên so với giá trị đầu năm.

Tương tự, Công ty cổ phần Bất động sản Thế Kỷ (Cenland) cũng cho thấy hàng tồn kho tăng mạnh từ 32 tỉ đồng lên 1.053 tỉ đồng, chủ yếu là hàng hóa bất động sản gồm các căn hộ, đất nền công ty mua từ chủ đầu tư để kinh doanh bán lại. Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất, do tồn kho tăng mạnh nên dòng tiền kinh doanh trong 9 tháng đầu năm của Cenland âm 1.019 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ âm 10 tỉ đồng. Về nguồn vốn, nợ phải trả của Cenland tăng 78% so với hồi đầu năm, ở mức 3.144 tỉ đồng. Trong đó, nợ vay tài chính chiếm 71% tổng dư nợ.

Thực tế cũng cho thấy, mặc dù các sàn giao dịch đã chủ động, linh hoạt, thay đổi phương án kinh doanh về thích ứng, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong bán hàng nhưng với tình hình dịch bệnh trong quý III thì các sàn giao dịch BĐS gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là đối với các sàn giao dịch có quy mô vừa và nhỏ, có nguồn lực tài chính thấp, sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng.

Tú Lê