Nguy cơ gây hại sức khỏe từ các loại trà hoa khô không rõ nguồn gốc

Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT tỉnh Hà Giang thu giữ 160 kg thực phẩm là hoa Cúc khô, hoa Nhài khô không xuất trình được nguồn gốc hợp pháp.

Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hà Giang, thực hiện chỉ đạo của Cục QLTT tỉnh Hà Giang về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong những tháng cuối năm 2020, Đội QLTT số 1 tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, nắm bắt tình hình thị trường nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại.

Theo đó, ngay sau khi nhận được nguồn tin báo, Đội QLTT số 1 phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công An tỉnh Hà Giang tiến hành khám phương tiện biển kiểm soát 23T 2299 do ông Hoàng Văn Quyền (địa chỉ tổ 10, thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) điều khiển.

Lượng lớn hoa Cúc, hoa Nhài khô nhập lậu bị phát hiện. Ảnh: Cục QLTT Hà Giang 
Lượng lớn hoa Cúc, hoa Nhài khô nhập lậu bị phát hiện. Ảnh: Cục QLTT Hà Giang 

Tại thời điểm khám phát hiện 160 kg hàng hóa thực phẩm gồm: 140 kg Hoa Cúc khô, 20kg hoa Nhài khô. Khai nhận với lực lượng chức năng, ông Nguyễn Chí Công, địa chỉ tổ 04, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang cho biết, ông chính là người đại diện áp tải số hàng hóa và không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa trên. Do đó, Đội QLTT số 1 tạm giữ toàn bộ số hàng hoá trên để xác minh, làm rõ, xử lý đúng theo quy định của pháp luật.

Theo ghi nhận của lực lượng chức năng, thời gian gần đây, người tiêu dùng bỗng trở nên ưa chuộng với loại trà thảo mộc từ các loại hoa khô. Đặc biệt, trên mạng xã hội, các trang thương mại điện tử trà hoa khô được rao bán phổ biến hơn cả. Nhiều lời quảng cáo hấp dẫn từ công dụng của các loại trà hoa, trong đó chỉ số ít bán hàng nói về nguồn gốc và nếu có nói thì khẳng định là “hàng xách tay” với số lượng ít.

Nguy cơ gây hại sức khỏe từ các loại trà hoa khô không rõ nguồn gốc - Ảnh 1

Các công trình nghiên cứu, báo cáo y học đều thống nhất rằng trà thảo mộc từ các loại hoa khô như hoa Hồng, hoa Cúc, trà Sen...có nhiều lợi ích đối với con người. Trà thảo mộc có vai trò quan trọng trong tăng cường sức khỏe, chống viêm thông qua các chơ chế ức chế chất trung gian gây viêm, ức chế hoạt động của các chất tiền viêm, chống oxy hóa.

Tuy nhiên, theo PGS -TS Nguyễn Duy Thịnh (Chuyên gia công nghệ thực phẩm), việc các loại trà thảo mộc lưu hành tràn lan trên thị trường chứa đựng nguy cơ về an toàn thực phẩm. Bởi lẽ, bên cạnh nguồn gốc nhập nhèm thì điều đáng quan tâm hơn là chất lượng các loại trà hoa khô. Thật khó kiểm soát được quy trình sản xuất, tẩm ướp và chế biến hoa, nguồn gốc hoa cũng như bảo quản trà. Đã là “hàng xách tay” trôi nổi trên thị trường thì không được kiểm soát về an toàn, về các dư lượng hóa học đáp ứng tiêu chẩn của Bộ Y tế.

Trong khi đó, trà hoa khô lại là sản phẩm ngâm uống trực tiếp, nếu có vấn đề người tiêu dùng sẽ khó tránh được nguy cơ ngộ độc. Các dư chất hóa học nếu còn tồn tại trong hoa khô, sẽ tác động tiêu cực đến cơ thể. Trà hoa khô lại là sản phẩm sử dụng thường xuyên. Nếu các chất hóa học, thậm chí thuốc trừ sâu khi trồng, chế biến và bảo quản hoa khô đi vào cơ thể trong thời gian dài sẽ gây ra những bệnh lý, biến chứng khó lường. Thậm chí, đây chính là căn nguyên của các căn bệnh ung thư.

Đặc biệt, ngay cả khi một số loại trà hoa khô có xuất xứ từ Việt Nam cũng có những cơ sở không đảm bảo về yêu cầu kiểm nghiệm chất lượng. Để an toàn, người tiêu dùng nên lựa chọn các loại hoa hoa khô ở những nơi bán uy tín, đã được chứng nhận về an toàn thực phẩm của cơ quan y tế. Khi sử dụng trà nên tráng nước sôi ở nước đầu tiên và không sử dụng các loại hoa khô để lâu, có dấu hiệu nấm mốc. Đặc biệt không sử dụng các sản phẩm trôi nổi trên thị trường.

PV

Từ khóa: