Nguyên nhân chính khiến giá vàng tăng nóng

Lý do được nhiều chuyên gia phân tích đưa ra cơ bản vẫn là giá thầu còn cao, khối lượng vàng đấu thầu lớn, tác động của việc chênh lệch tỷ giá hối đoái và ảnh hưởng của giá vàng thế giới cùng diễn biến của thị trường vàng trong nước.

Nguyên nhân chính khiến giá vàng tăng nóng.  
Nguyên nhân chính khiến giá vàng tăng nóng.  

Sau 4 lần tổ chức phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC của Ngân hàng Nhà nước, đã có 3 lần phải huỷ đấu thầu với lý do chỉ vài đơn vị tham gia và có 2 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng trúng thầu là 3.400 lượng vàng.

Theo chuyên gia Trang Giavang.net nhận định, giá vàng miếng được đưa ra ở mức khởi điểm trong các phiên đấu thầu thường ở mức cao hơn so với kỳ vọng của thị trường. Các doanh nghiệp vàng muốn mua vàng ở mức giá thấp hơn so với mức giá của Ngân hàng Nhà nước đưa ra vì không muốn chấp nhận rủi ro. Tuy nhiên, đáp ứng nguyện vọng ấy là không thể bởi Ngân hàng Nhà nước không để mức quá thấp so với giá thị trường, dẫn tới nguy cơ thất thoát tài sản của Nhà nước.

Tsutomu Kosuge, chủ tịch công ty nghiên cứu hàng hóa Marketedge cho biết: “Các nhà đầu tư và nhà đầu cơ đã dẫn đầu hầu hết các đợt tăng trước đây của giá vàng…, và đợt tăng giá lịch sử từ tháng 3 đến tháng 4 là một ví dụ bất thường về nhu cầu thực tế từ Trung Quốc đang đẩy thị trường lên cao hơn”.

Trên thị trường New York, hợp đồng tương lai vàng đang dao động trong khoảng từ 2.300 - 2.350 USD/ounce đối với các hợp đồng được giao dịch nhiều nhất. Con số này tăng hơn 10% so với giá đóng cửa 2.054,7 USD vào cuối tháng 2. Hợp đồng tương lai vàng cũng đã ghi nhận mức cao kỷ lục trong 8 phiên giao dịch liên tiếp vào đầu tháng 4, có thời điểm chạm mức 2.448,8 USD/ounce.

Theo Hội đồng vàng thế giới (WGC), các quỹ ETF vàng vật chất đã có dòng tiền chảy ròng hơn 113 tấn trong quý đầu năm nay. Nguyên nhân của điều này là do các quỹ ETF vàng thường thu hút dòng vốn từ các nhà đầu tư tổ chức phương Tây, nhưng lãi suất dài hạn ở Mỹ đã tăng lên, vì vậy các nhà đầu tư tổ chức đã rút tiền ra khỏi vàng bởi đây là khoản đầu tư không sinh lãi.

Tuy nhiên, giá vàng vẫn tăng, dẫn đến thị trường xôn xao về danh tính của những người mua bí ẩn đã thúc đẩy đà tăng mạnh mẽ của giá vàng.

Đà tăng của giá vàng đang khiến nhu cầu đối với kim loại quý này tại Trung Quốc tăng mạnh theo. Người dân, nhà đầu tư quỹ, nhà giao dịch hợp đồng tương lai và thậm chí cả Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cũng đẩy mạnh mua vàng.

Dữ liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, doanh số bán đồ trang sức bằng vàng đã tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc và Ấn Độ thường thay nhau giữ vị trí quốc gia tiêu thụ vàng nhiều nhất thế giới. Năm ngoái, vị trí này thuộc về Trung Quốc khi tiêu thụ vàng trang sức, vàng miếng của nước này đều tăng vọt.

Theo dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhu cầu vàng trang sức tại Trung Quốc năm 2023 tăng 10%, Ấn Độ giảm 6%. Trong khi đó, nhu cầu vàng miếng của Trung Quốc đã tăng tới 28%.

Nguyên nhân chính khiến giá vàng tăng nóng - Ảnh 1

Là nước nhập khẩu lớn, người mua vàng ở Trung Quốc thường phải trả giá cao hơn giá quốc tế. Mức chênh giá đó đã tăng lên 89 USD/ounce vào đầu tháng 4/2024, trong khi mức chênh lệch giá trung bình trong năm qua là 35 USD, cao gấp 5 lần so với mức trung bình lịch sử.

Vàng trở thành tâm điểm của thị trường toàn cầu khi thiết lập mức giá cao nhất mọi thời đại, trên 2.400 USD/ounce vào giữa tháng 4. Trung Quốc - nhà sản xuất và tiêu thụ kim loại quý lớn nhất thế giới, được nhận định là “trung tâm” của sức tăng phi thường đó.

WGC cho biết, nhu cầu vàng miếng và tiền xu của Trung Quốc đã tăng 68% so với cùng kỳ trong quý đầu năm. Theo một nhà quan sát thị trường, nhu cầu từ các nhà đầu tư cá nhân đã thúc đẩy hoạt động mua trên SGE và hoạt động mua của các đại lý nhằm dự trữ vàng và bán trên SGE cũng góp phần thúc đẩy giá vàng.

Theo các nhà phân tích thị trường, dòng tiền đang đổ vào vàng trong bối cảnh bất động sản sụt giảm và các biện pháp kiểm soát đối với tài sản tiền điện tử cũng như tài sản bằng đồng đô la.

Bên cạnh hoạt động mua vàng mạnh mẽ của các nhà đầu tư cá nhân, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bổ sung lượng vàng nắm giữ trong 18 tháng liên tiếp tính đến tháng 4. Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác cũng tăng cường nắm giữ vàng trong dự trữ ngoại hối.

Tiến Hoàng