Từ đầu vụ cau (tháng 8), giá cau tươi liên tục tăng do nhu cầu thị trường Trung Quốc tăng, kỷ lục lên đến 120.000 đồng/kg. Nhiều người trồng cau cho biết bán hơn một tấn cau, có thể mua được một lượng vàng.
Khi người nông dân vui mừng vì giá cau tăng cao đúng thời điểm thu hoạch rộ thì thương lái thông báo dừng thu mua khiến nhiều chủ vườn hoang mang. Ngày 27/10, giá cau tại nhiều địa phương rớt xuống chỉ còn 45.000-50.000 đồng/kg, thậm chí một số loại rớt còn 30.000-35.000 đồng/kg.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau củ quả Việt Nam, người Trung Quốc dùng cau không chỉ để làm kẹo ngậm mà còn để ăn trầu. Hiện có khoảng 50-60 triệu người Trung Quốc ăn trầu.
Thực tế, Trung Quốc ồ ạt mua cau của Việt Nam chủ yếu do sản lượng cau sản xuất ở quốc gia này bị sụt giảm mạnh do hàng loạt vườn cau ở đảo Hải Nam - vùng trồng chính ở quốc gia này bị bệnh vàng lá. Ngoài ra, bão Yagi làm nhiều vườn cau bị thiệt hại nặng, ước tính sản lượng cau ở đảo năm nay giảm tới 40%. Điều này khiến giá thu mua cau trên thị trường tăng cao kỷ lục.
"Tuy nhiên, ngay sau khi sản xuất cau nội địa phục hồi, họ không mua cau của chúng ta nữa, vì thế giá cau Việt xuất khẩu giảm mạnh. Sang năm, giá cau Việt xuất khẩu có tăng hay không thì chưa thể dự đoán được”, ông Nguyên phân tích.
Thực tế, cuối năm 2022, giá cau cũng tăng vọt lên 60.000 đồng/kg. Ngay sau đó, loại quả này giảm còn 3.000-4.000 đồng/kg khi Trung Quốc ngừng mua.
Cơ quan chức năng ngành nông nghiệp, các địa phương cũng đã đưa ra nhiều khuyến cáo với các loại cây trồng. Thế nhưng, nông dân mình mắc bệnh “hay quên” nên câu chuyện sau tăng giá là giảm mạnh, hay điệp khúc trồng rồi chặt vẫn cứ xảy ra.
Câu chuyện tương tự từng xảy ra với mặt hàng bắp cải: Bất ngờ xảy ra bão, Trung Quốc tăng mạnh sản lượng nhập khẩu bắp cải Việt Nam. Không có bão, nhu cầu nhập khẩu gần như bằng 0.
Ông Nguyên lưu ý, với những mặt hàng rau quả mà người Trung Quốc cũng sản xuất được thì hàng Việt rất khó cạnh tranh. Bên cạnh chi phí logistics thấp, hàng Trung Quốc còn có sự hậu thuẫn lớn là tinh thần ủng hộ hàng nội của người dân và Chính phủ Trung Quốc luôn ưu tiên bảo đảm lợi nhuận cho nông dân.
Ông dẫn chứng thêm mặt hàng thanh long: Từ năm 2022 về trước, xuất khẩu thanh long Việt Nam sang thị trường tỷ dân luôn đạt giá trị tỷ đô, nhưng từ năm 2022 đến nay sụt dần, giờ chỉ còn khoảng 500 triệu USD.
Bộ NN-PTNT đã nhiều lần khuyến cáo và định hướng, song quyết định trồng hay không lại nằm ở nông dân. Còn giá cả phải theo quy luật thị trường, thương lái không thu mua nữa, giá giảm thì cơ quan chức năng không can thiệp được.
Tại Trung Quốc, cau non được sử dụng để làm kẹo. Loại kẹo này rất phổ biến tại quốc gia tỷ dân, đặc biệt ở vùng lạnh nhờ có công dụng chống viêm họng và giữ ấm cơ thể.
Dù vậy, lãnh đạo Cục Trồng trọt cho rằng, muốn phát triển cây cau bền vững phải có định hướng, trồng ở những vùng có lợi thế. Đặc biệt, phải có ký kết mua bán một cách bài bản với phía đối tác Trung Quốc. Còn buôn bán tiểu ngạch sẽ nhiều rủi ro.