Nguyễn Thị Minh Khai: Ngọn lửa cách mạng bất diệt

“Nếu tôi có sống, tôi cũng chỉ tiếp tục con đường cách mạng mà thôi.” Đó không chỉ là tuyên ngôn cuối cùng, mà còn là di sản tinh thần bất tử của Nguyễn Thị Minh Khai – người nữ chiến sĩ kiên trung, biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước và khí phách người phụ nữ Việt Nam trong phong trào cách mạng đầu thế kỷ XX.

Từ mái nhà nhỏ xử Nghệ đến con đường cách mạng

Sinh ra trong một gia đình trí thức yên nước cha là công chức hoả xa và mẹ buôn bán nhỏ. Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh ngày 30/9/1910 (một số tài liệu ghi là ngày 01/11/1910) tại xã Vĩnh Yên, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Bà được gia đình cho học quốc ngữ từ nhỏ. Năm 16 tuổi, bà được thầy giáo Trần Phú (người sau này là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương), giác ngộ và bắt đầu dấn thân vào con đường cách mạng. Năm 17 tuổi, bà tham gia Đảng Tân Việt, tích cực tham gia các phong trào đấu tranh tại quê hương. Đầu năm 1929, được sự đồng ý của tổ chức, bà bí mật thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng. Sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, bà được kết nạp vào Đảng và được phân công phụ trách công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ, huấn luyện đảng viên ở khu vực Trường Thi, Bến Thủy và tổ chức Hội Phụ nữ Giải phóng.

Hình ảnh Nguyễn Thị Minh Khai thời kỳ hoạt động ở Liên Xô cũ
Hình ảnh Nguyễn Thị Minh Khai thời kỳ hoạt động ở Liên Xô cũ

Cuối năm 1930, Nguyễn Thị Minh Khai được cử sang Hương Cảng công tác ở Văn phòng Đông phuơng Bộ của Quốc tế cộng sản. Được Bác Hồ trực tiếp giáo dục về lý luận chính trị, kinh nghiệm hoạt động cách mạng. Từ năm 1931-1934, bà bị mật thám Anh ở Hương Cảng bắt giam rồi chuyển giao cho chính quyền Quảng Châu cầm tù. Dù bị tra tấn tàn bạo nhưng Nguyễn Thị Minh Khai trước sau vẫn kiên trung với cách mạng. Sau đó, nhờ sự vận động của Quốc tế cộng sản bà được trả tự do. Ra tù, Nguyễn Thị Minh Khai được cử đến Thượng Hải, công tác ở Ban lãnh đạo Đảng ở nước ngoài và được đi học tại Đại học Phương Đông.

Hình ảnh Lê Nguyễn Hồng Minh (con gái của Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai) chụp cùng má nuôi Đặng Thị Du , năm 1954 tại Hà Nội
Hình ảnh Lê Nguyễn Hồng Minh (con gái của Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai) chụp cùng má nuôi Đặng Thị Du , năm 1954 tại Hà Nội

Cuối năm 1934, Nguyễn Thị Minh Khai là đại biểu chính thức dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 7 tại Mát-xcơ-va. Ngày 16/8/1935, lần đầu tiên trên diễn đàn của một đại hội quốc tế, một người phụ nữ Việt Nam 24 tuổi đã dõng dạc đọc bài tham luận về vai trò của phụ nữ Đông Dương trong cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc và bảo vệ hoà bình. Những tháng năm này Nguyễn Thị Minh Khai đã yêu và kết hôn với Lê Hồng Phong - một chiến sỹ cách mạng (năm 1935 là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương).

Bộ quần áo bà ba và chiếc khăn rằn Nguyễn Thị Minh Khai đã từng mặc thời hoạt động ở Nam Kỳ
Bộ quần áo bà ba và chiếc khăn rằn Nguyễn Thị Minh Khai đã từng mặc thời hoạt động ở Nam Kỳ

Sau khi tốt nghiệp đại học, Nguyễn Thị Minh Khai nhận nhiệm vụ về hoạt động tại Thượng Hải và được tổ chức phân công về công tác tại Sài Gòn (1937). Về nước, bà được bầu vào Xứ ủy Nam Kỳ, phụ trách Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.

Những hình ảnh, kỷ vật của bà được lưu giữ tại Khu lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai
Những hình ảnh, kỷ vật của bà được lưu giữ tại Khu lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai

Tháng 9/1939, khi chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra. Xứ ủy Nam Kỳ nhận định tình hình và chủ trương khởi nghĩa. Tuy nhiên chủ trương này bị mật thám Pháp phát hiện được, Chúng ra sức khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng, hầu hết các cán bộ chủ chốt của Đảng tại Nam Kỳ đều sa vào tay giặc. Ngày 30/7/1940, sau khi dự họp Xứ ủy bàn về chủ trương khởi nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai bị mật thám Pháp bắt đưa về Khám Lớn Sài Gòn và tra tấn hết sức dã man. Trong tù, bà tiếp tục vận động chị em phụ nữ đấu tranh và với cương vị là Bí thư Thành uỷ Sài Gòn - Chợ Lớn đồng thời là Uỷ viên Xứ uỷ Nam Kỳ nên bà vẫn tìm mọi cách để liên lạc với bên ngoài, tiếp tục lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.

Vì chưa tìm thấy phần mộ của bà nên căn nhà 3 gian tại TP. Vinh nay là Khu lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai là nơi thờ tự duy nhất để người dân cả nước đến tri ân
Vì chưa tìm thấy phần mộ của bà nên căn nhà 3 gian tại TP. Vinh nay là Khu lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai là nơi thờ tự duy nhất để người dân cả nước đến tri ân

Ngày 23/11/1940 cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ bùng nổ. Chính quyền địch ở nhiều nơi hoang mang, tan rã, chính quyền cách mạng được thành lập đã tiến hành tịch thu ruộng đất của địa chủ và phản động chia cho dân cày nghèo, trừng trị bọn phản cách mạng... cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện trong nhiều cuộc biểu tình và ở những nơi đã thành lập chính quyền cách mạng. Tuy nhiên do kế hoạch bị lộ, thực dân Pháp kịp thời huy động lực lượng đối phó, điên cuồng khủng bố cực kỳ tàn khốc, hàng ngàn chiến sĩ cách mạng đã bị địch bắt, bị xử tử, lưu đày. Không khuất phục được người chiến sỹ cộng sản trẻ tuổi và để trả thù, toà án thực dân Pháp đã kết án tử hình Nguyễn Thị Minh Khai. Sáng 28/8/1941, Nguyễn Thị Minh Khai cùng một số đồng chí bị giặc đem xử bắn ở Ngã Ba Giồng, Hóc Môn.

Bà và một số đồng chí khác bị giặc Pháp xử bắn tại Ngã Ba Giồng, Hóc Môn, nên hàng năm có rất nhiều đoàn từ miền Nam ghé về Khu lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai
Bà và một số đồng chí khác bị giặc Pháp xử bắn tại Ngã Ba Giồng, Hóc Môn, nên hàng năm có rất nhiều đoàn từ miền Nam ghé về Khu lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai

Nguyễn Thị Minh Khai đã ngã xuống khi mới chỉ 31 tuổi. Song cuộc đời phấn đấu không biết mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ và tấm gương hy sinh anh dũng của bà và các chiến sỹ cách mạng vẫn mãi mãi sáng ngời. Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng cao quý của Nguyễn Thị Minh Khai được khắc ghi cho muôn đời con cháu mai sau học tập và sống mãi cùng dân tộc Việt Nam.

Khu lưu niệm – Dấu chân trở về nguồn

Nhiều đoàn từ TP. Hồ Chí Minh, Hóc Môn, Bà Điểm – những nơi gắn liền với giai đoạn cuối đời của bà – trở về đây thắp hương, bày tỏ lòng tri ân
Nhiều đoàn từ TP. Hồ Chí Minh, Hóc Môn, Bà Điểm – những nơi gắn liền với giai đoạn cuối đời của bà – trở về đây thắp hương, bày tỏ lòng tri ân

Tại số 112, đường Mai Hắc Đế, phường Quang Trung (TP. Vinh), Khu lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai được xây dựng trên chính mảnh đất gắn liền với tuổi thơ và những ngày đầu hun đúc chí khí cách mạng của bà.

Căn nhà ba gian mái ngói, nền đất, khung gỗ lim mộc mạc nay trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia – một “địa chỉ đỏ” lưu giữ ký ức về người nữ anh hùng. Nơi đây không chỉ gìn giữ những hiện vật, tư liệu quý báu mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ về lòng yêu nước và khát vọng độc lập, tự do.

Bước vào khu lưu niệm, du khách như lạc vào dòng chảy của lịch sử. Ngôi nhà cũ vẫn giữ nguyên bàn thờ gia tiên, gian thờ Nguyễn Thị Minh Khai, cùng nhiều vật dụng quen thuộc: giường gỗ, bộ tủ chè, bức ảnh gia đình… Tất cả như kể lại một cuộc đời đã sống trọn cho lý tưởng cách mạng.

Phía sau là khu nhà trưng bày, nơi lưu giữ nhiều hình ảnh quý: ảnh bà cùng các đồng chí trong Quốc tế Cộng sản, bản án tử hình của thực dân Pháp, thư gửi gia đình trước ngày hy sinh… Mỗi hiện vật là một lát cắt lịch sử, khắc họa một nhân cách lớn – người phụ nữ từng học ở Liên Xô, giữ vị trí lãnh đạo cao nhất tại Sài Gòn – Chợ Lớn trước Cách mạng tháng Tám.

Địa chỉ tri ân trong lòng nhân dân

Khu lưu niệm không chỉ là điểm đến của học sinh, sinh viên, du khách trong và ngoài tỉnh, mà còn là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động ý nghĩa: dâng hương, kể chuyện truyền thống, sinh hoạt chuyên đề, thi đua học tập và làm theo gương Bác và các liệt sĩ cách mạng…

Khu lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động ý nghĩa như kết nạp đôi, đoàn,...
Khu lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động ý nghĩa như kết nạp đôi, đoàn,...
Chị Hà một du khách đến tham quan khu lưu niệm cho biết, vào đây chúng tôi được lắng nghe về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của bà, cũng như được tham quan, nhìn ngắm những hình ảnh, những kỷ vật hiểu thêm về một người phụ nữ kiên trung, không khuất phục trước kẻ thù.

Mỗi năm, vào ngày 30/8 – ngày hy sinh của Nguyễn Thị Minh Khai, nơi đây đón hàng trăm lượt người đến tưởng niệm. Đặc biệt, nhiều đoàn từ TP. Hồ Chí Minh, Hóc Môn, Bà Điểm – những nơi gắn liền với giai đoạn cuối đời của bà – trở về đây thắp hương, bày tỏ lòng tri ân.

Bức tượng của bà được khắc ngay trước cổng ra vào của Khu lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai
Bức tượng của bà được khắc ngay trước cổng ra vào của Khu lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai

Hiện nay, vì mộ phần của Nguyễn Thị Minh Khai chưa được xác định rõ ràng, nên Khu lưu niệm tại TP. Vinh chính là nơi duy nhất được chọn làm nơi thờ tự, trở thành điểm tựa tâm linh cho người dân cả nước, đặc biệt là đồng bào miền Nam tưởng nhớ và tri ân bà.

Nguyễn Thị Minh Khai – “Cô Năm Bắc Kỳ” – không chỉ là tên gọi thân thương, mà còn là biểu tượng bất tử của tinh thần cách mạng, của người phụ nữ Việt Nam gan dạ, kiên trung. Tên tuổi và sự nghiệp của bà mãi là ngọn đuốc soi sáng con đường đấu tranh vì độc lập, tự do và hạnh phúc cho dân tộc.

Diễm Phước