Nhà Khang Điền (KDH) báo lãi 345 tỷ đồng quý III/2022, vay ngân hàng gấp 1,8 lần so với đầu năm

Tại thời điểm cuối quý III/2022, tổng nợ phải trả của doanh ghiệp tăng 2,3 lần lên 9.786 tỷ đồng. Dư nợ vay ở mức 7.206 tỷ đồng (gấp 2,8 lần đầu năm), trong đó, nợ tài chính dài hạn ghi nhận 6.176 tỷ đồng (gấp 3,6 lần so với đầu năm).

Nhà Khang Điền (KDH) báo lãi 345 tỷ đồng quý III/2022, vay ngân hàng gấp 1,8 lần so với đầu năm  - Ảnh 1

CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (Mã CK: KDH) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 805 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ 2021 và lợi nhuận sau thuế đạt tăng 9% so với cùng kỳ, đạt 345 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) gần 352 tỷ đồng.

Trong cơ cấu doanh thu, đóng góp chính được đến từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản đạt 789 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 1.191 tỷ đồng. 

Trong kỳ, các chi phí đều tăng mạnh so với quý III/2021. Trong đó, chi phí tài chính tăng 83% lên hơn 49 tỷ đồng đến từ gia tăng khoản chiết khấu thanh toán và không ghi nhận chi phí lãi vay. Chi phí bán hàng 42 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp 51 tỷ đồng, tăng 451% và 36% so với cùng kỳ. Trong khi đó, doanh thu từ hoạt động tài chính chỉ đạt 414 triệu đồng, giảm gần 1 tỷ đồng so với đầu năm.

Lũy kế 9 tháng, Nhà Khang Điền có doanh thu thuần 1.678 tỷ đồng và lãi ròng hơn 983 tỷ đồng, giảm 47% về doanh thu như tăng 25% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ biên lợi nhuận gộp tăng và không còn lỗ từ hoạt động khác. Năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.400 tỷ đồng, như vậy sau 9 tháng, công ty đã hoàn thành lần lượt 42% và 69% chỉ tiêu đã đề ra.

Tính đến thời điểm ngày 30/9, tổng tài sản của Nhà Khang Điền ghi nhận đạt hơn 21.470 tỷ đồng, tăng hơn 49% so với đầu năm chủ yếu từ việc gia tăng của hàng tồn kho, cũng là nguyên nhân chính khiến dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm nặng.

Lượng tồn kho này, tiếp tục đến từ các dự án BĐS xây dựng dở dang: Lớn nhất, dự án Khang Phúc – Khu dân cư Tân Tạo chiếm gần 5.050 tỷ đồng, tăng 42% so với hồi đầu năm.

Tiếp đến là dự án Đoàn Nguyên – Khu nhà ở Đoàn Nguyên chiếm 3.208 tỷ đồng, ghi nhận sau thương vụ mua lại công ty con trong nửa đầu năm. Tiếp đó là dự án, Bình Trưng – Bình Trưng Đông với 1.025 tỷ đồng, tăng tới 99% so với hồi đầu năm chỉ hơn 514 tỷ đồng.

Ngoài ba dự án lớn ở trên, Khang Điền cũng ghi nhận thêm mức tăng tồn kho tại các dự án: Khang Phúc – Khu dân cư Bình Hưng 11A, Khang Phúc – Lovera Vista và Khang Phúc – An Dương Vương. Cùng với đó, Khang điền cũng đang ghi nhận 725 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại dự án Khu công nghiệp Lê Minh Xuân mở rộng, tăng 3,4% so với đầu năm.

Với việc liên tục gia tăng mạnh tồn kho đã khiến dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Nhà Khang Điền trong 9 tháng đầu năm âm đến 2.315 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 845 tỷ đồng.

Đáng chú  ý, từ năm 2018 tới nay, Nhà Khang Điền thường xuyên duy trì dòng tiền kinh doanh thâm hụt và phải huy động dòng vốn bên ngoài để tài trợ. Trong đó, dòng tiền kinh doanh năm 2018 ghi nhận âm 718,95 tỷ đồng, năm 2019 ghi nhận âm 163,53 tỷ đồng, và năm 2021, Công ty tiếp tục ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 2.009,74 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối quý III/2022, tổng nợ phải trả của doanh ghiệp tăng 2,3 lần lên 9.786 tỷ đồng. Dư nợ vay ở mức 7.206 tỷ đồng (gấp 2,8 lần đầu năm), trong đó, nợ tài chính dài hạn ghi nhận 6.176 tỷ đồng (gấp 3,6 lần so với đầu năm).

Riêng các khoản vay ngân hàng của Nhà Khang Điền đạt 5.849 tỷ đồng, tăng gấp 1,8 lần so với con số 2.070 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, doanh nghiệp đã vay ngân hàng hơn 4.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, qua đó dòng tiền thuần dương hơn 1.346 tỷ đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền cũng tăng gần gấp đôi so với đầu năm lên 2.711 tỷ đồng, chủ yếu do lượng tiền gửi ngân hàng tăng.

Trong một diễn biến khác, vào hồi tháng 10 vừa qua, Nhà Khang Điền đã thông qua phương án cho Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh Nhà Khang Phúc (Khang Điền nắm 100% vốn) vay vốn và thế chấp tài sản tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).

Cụ thể, Nhà Khang Điền sẽ bảo lãnh cho Nhà Khang Phúc vay tối đa 1.220 tỷ đồng để thanh toán chi phí nộp tiền thuê đất tối đa là 420 tỷ đồng theo thông báo nộp tiền thuê đất của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thanh toán chi phí đầu tư và xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án khu công nghiệp Lê Minh Xuân mở rộng giai đoạn 1 do Nhà Khang Phúc làm chủ đầu tư tối đa 800 tỷ đồng.

Hồi tháng 6, Nhà Khang Điền (KDH) đã bảo lãnh cho Nhà Khang Phúc vay tối đa gần 4.620 tỷ đồng để thanh toán chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thuộc Dự án Tân Tạo A với kỳ hạn 84 tháng.

Ngoài ra, HĐQT của Nhà Khang Điền cũng thông qua việc Công ty TNHH Tư vấn Quốc tế (Khang Điền nắm 99,9% vốn) đồng ý sau khi dự án Khu nhà ở tại phường Bình Trưng Đông, quận 2, TP HCM được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Bình Trưng (Tư Vấn Quốc tế sở hữu 99,9% vốn) sẽ thế chấp để đảm bảo cho khoản vay của Khang Phúc tại Vietinbank tối thiểu 1.000 tỷ và thế chấp nguồn thu phát sinh từ dự án Bình Trưng với giá trị nguồn thu chia sẻ tương đương mức cấp tín dụng tối đa của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Bình Trưng cho khoản vay của Khang Phúc tại Vietinbank.