Ở mỗi nơi, mỗi nước lại có thói quen, cách thức uống trà riêng. Nhưng dù thưởng thức theo cách nào cũng cần có sự tinh tế, tỉ mỉ và sành điệu. Trà có mặt trong đời sống của ta từ khi ta sinh ra cho đến khi từ giã cõi đời (người chết được liệm bằng trà), trà như là một phần tất yếu của đời sống.
Trà đã đi vào tâm hồn người Việt một cách tự nhiên, tĩnh lặng. Dẫu có những thay đổi, dẫu có nhiều thức uống công nghiệp phổ biến nhưng uống trà sẽ vẫn là một nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Văn hóa trà Việt ấy không chỉ thể hiện một thức uống phổ biến trong đời sống hàng ngày, trong mỗi độ Tết đến, Xuân về mà còn trở thành một phong tục tập quán, một thú vui thanh tao của người Việt.
“Khách đến nhà không trà thì rượu”, thưởng trà không chỉ là thói quen hàng ngày mà nó còn là một trong những nét đẹp truyền thống trong ngày Tết, một nét văn hóa đẹp của người Việt. Ngày xưa, “miếng trầu là đầu câu chuyện” nhưng ngày nay, chén trà đã thay cho “miếng trầu” để mở đầu cho mỗi câu chuyện, đặc biệt là những câu chuyện ngày Tết. Một ấm trà thơm ngon sẽ làm cho mọi người gần nhau hơn, ấm áp hơn trong tiết trời se lạnh của ngày Tết, làm cho những câu chuyện tâm sự thêm ý nghĩa hơn. Cũng vì thế mà trà được các gia đình đặc biệt quan tâm trong ngày Tết.
Theo cụ Đỗ Văn Toàn - nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên: Người dân Việt Nam coi việc uống trà cũng là một ứng xử văn hóa quan trọng và biểu hiện sự trân trọng, hiếu lễ và mến khách. Ngày Tết, uống trà là một cách để giao hòa với trời đất thiên nhiên vào ngày xuân mới, nên nhà nhà thường ưu ái chọn loại trà ngon nhất để mời khách mừng xuân mới.
Và tất nhiên, thưởng thức trà cũng phải biết cách, nghề chơi cũng lắm công phu. Các cụ xưa vẫn dạy: Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh. Nước được coi là yếu tố quan trọng nhất. Ngày xưa người uống trà sành điệu thường chỉ dùng nước giếng ở trên núi, còn không thì là thứ nước mưa để qua một vài tháng, cũng có thể là nước được lấy từ sương đọng trên lá sen.
Tiếp theo đến trà - phải là thứ trà tuyết mọc trên núi vùng Tân Cương mới ngon. Giai thoại kể có rất nhiều loại trà quý, trà độc. Như “trảm mã trà” là loại trà để con ngựa bạch ăn, sau đó chém chết nó, mổ bụng lấy trà ra sao để dùng, “hầu trà” là loại trà do con khỉ trèo lên hái vì cây trà quá cao người không thể hái được. Trà sen cũng là loại trà được chế biến khá cầu kỳ. Đơn giản thì người ta lấy trà ngon bỏ vào hoa sen rồi cột lại cho hương ngấm vào, còn làm đúng cách, người ta lấy nhụy sen, phơi khô ướp với trà loại đặc biệt. Gần đây, những người có điều kiện lại thửa riêng trà cho mình, một ký trà thường có giá 50 triệu đến 100 triệu đồng...
Chén uống trà cũng cần được chọn lựa kỹ càng. Thường thì có chén tống - chén lớn, chén quân - chén nhỏ. Khi uống người ta lọc cẩn thận rồi rót trà ra chén tống cho độ đậm nhạt như nhau sau đó rót đều ra các chén quân. Chén quân thường nhỏ - chén hạt mít, là vì thưởng trà quý hồ tinh chả quý hồ đa. Ngoài ra còn phải để ý đến màu men của chén, như màu trắng uống hồng trà, men ngọc uống trà xanh...
Bình pha trà cũng có nhiều loại, ngày xưa nhất có lại bình Thế Đức, thứ hai Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần. Bây giờ cũng ít người biết và còn sử dụng loại ấm pha trà đó. Ấm pha trà được chia làm ba loại, độc ẩm, song ẩm và quần ẩm - tùy lượng người uống mà dùng. Ngày xưa nước được đun bằng than, loại than từ quả phi lao càng tốt, nước cũng chỉ đun vừa đủ sôi là được.
Khi pha trà, người ta rửa sạch bình, dùng kẹp nhúng vào nước sôi, bỏ trà vào đổ nước sôi rồi đổ đi, sau đó đổ nước lần hai, chờ trà ngấm đều mới rót ra thưởng thức. Khi dùng không được uống ngay, phải để cho hương trà bay vào mũi sau đó nhấp từng ngụm nhỏ.
Trong đời sống hiện đại, giữa một rừng đồ uống xung quanh, trà vẫn là thứ được nhiều người say mê, thưởng thức. Và nhiều người vẫn cho rằng uống trà là nghệ thuật tinh tế nhất. Và không thể khác, mỗi khi mùa xuân đến, vào những dịp lễ Tết trà luôn là thứ không thể thiếu.
Dinh Dinh