Cơ cấu tổ chức, bộ máy nhân sự của Hội Nhà báo Việt Nam cho thấy vị thế, tầm quan trọng của cơ quan này trong đời sống chính trị- xã hội nói chung và báo chí Cách mạng Việt Nam nói riêng. Hội báo thường niên năm 2024 được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh chứng tỏ việc thay đổi địa điểm tổ chức, cách thức tổ chức đã mang lại nét tươi mới, nguồn cảm hứng trong báo giới; góp phần khích lệ, động viên những người làm báo.
Những năm gần đây, báo chí đang từ giai đoạn huy hoàng chuyển qua thời kỳ đầy khó khăn thách thức. Bạn đọc đang chứng kiến sự “soán ngôi” của báo chí điện tử dần thay thế báo in truyền thống. Các sạp báo in có thương hiệu ở những thành phố lớn từ thu gọn đến đóng cửa dần. Từ khi mạng xã hội ra đời, phát triển nhanh mạnh, thông tin trên nền tảng mạng xã hội (có người còn coi đó cũng là loại hình báo không chính thống) gây sức ép cả hai chiều với thông tin từ báo chí chính thống của Đảng, Nhà nước. Trí tuệ nhân tạo IA xuất hiện, lại thêm một sức ép mới cho quá trình chuyển đổi số, công nghệ thay thế con người tạo ra sản phẩm truyền thông, thông tin lợi hại.
Kinh tế báo chí phụ thuộc rất nhiều vào “sức khỏe” của kinh tế đất nước, cụ thể là doanh nghiệp có ăn nên làm ra hay khốn khó. Nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo dưới chủ đề “báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp” và ngược lại đã khẳng định mối quan hệ nhân quả giữa hai người bạn này. Muốn có nội dung thông tin chất lượng, phương pháp thể hiện hấp dẫn không chỉ phụ thuộc vào năng lực người làm báo mà còn phụ thuộc không nhỏ (nếu không nói là quyết định) vào yếu tố đầu tiên- tiền đâu? Vậy nên, nguồn sống- điều kiện tồn tại và phát triển của báo chí vẫn là nguồn lực vật chất, đầu tư tài chính của cơ quan chủ quản, nhà nước chính phủ hoặc năng lực quan hệ, tổ chức quảng cáo, liên kết hợp tác truyền thông giữa doanh nghiệp và báo chí trong cơ chế thị trường.
Trong bối cảnh ấy, Hội Nhà Báo Việt Nam luôn trong vai trò người định hướng chuyên môn, hướng dẫn nghiệp vụ, truyền ngọn lửa đam mê nghề; dõi theo, chia sẻ, động viên người làm báo vượt qua khó khăn không nhỏ hiện tại. Hơn thế, Hội hãy tích cực cùng với các cơ quan ban, ngành kết với nhau tham gia chuyện “gỡ khó”, khai thông bế tắc cho các cơ quan báo chí ở việc tư vấn, kết nối quan hệ, phổ biến kinh nghiệm làm thế nào duy trì tờ báo, tạp chí khi không còn sự bao cấp; làm sao chất lượng nội dung thông tin ngày một nâng cao…?
Báo chí cách mạng được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng. Thông tin tuyên truyền theo định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, chấp hành sự quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông, tuân thủ nghiêm Luật Báo chí. Song, hầu hết hoạt động báo chí lại đang vận hành theo cơ chế thị trường, tự chủ tài chính, tự trang trải, tự nuôi nhau.
Không ít cơ quan báo chí đã và đang phải tự mình vượt qua cơ chế “ 3 không”- không trụ sở, không có tiền, không biên chế để đạt được mục tiêu “3 có”- có tiền để xây dựng và vận hành bộ máy bắt đầu bằng việc có trụ sở, con người, phương tiện đảm bảo chất lượng làm việc. Nút thắt đầu tiên vẫn là tiền đâu? Tháo được điểm nghẽn này vận hành của báo chí mới trơn tru, hiệu quả. Nhiều năm qua, từ thực tiễn hoạt động của báo chí đặt ra cho các cơ quan chỉ đạo, định hướng, quản lý và hướng dẫn nghiệp vụ làm báo những câu hỏi không dễ giải đáp.
Một là, trong bối cảnh sụt giảm của báo in truyền thống hiện nay, làm thế nào để người làm báo sớm thích ứng với yêu cầu chuyển đổi số, hoạt động hiệu quả với những loại hình báo chí mới, phương thức tiếp nhận và tiếp cận thông tin của bạn đọc đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ- văn hóa đọc, xem , nghe.
Hai là, kinh tế báo chí được hiểu thế nào là đúng, đầy đủ, toàn diện; làm sao để báo chí có nguồn thu đủ chi phí cho vận hành bộ máy có hiệu quả theo nguyên tắc báo chí không còn được bao cấp, vận hành theo cơ chế thị trường, cân đối thu chi, tự đem sức ta mà nuôi sống ta.
Ba là, báo chí vẫn giữ vững được định hướng, tính đảng, tính chiến đấu, tính quần chúng, đảm bảo luôn có lượng bạn đọc trung thành, ủng hộ mình như từng nói sống bằng nội dung thông tin? Nghĩa là nội dung thông tin báo chí không chỉ là ĐÚNG, ĐỦ, CHÍNH XÁC, TIN CẬY mà còn phải HAY, HẤP DẪN, LÔI CUỐN độc giả; bám sát và thực hiện đúng tôn chỉ mục đích. Giữa lý lẽ và thực tế, giữa mong muốn, yêu cầu và hiện thực luôn tồn tại khoảng cách rộng hẹp, ngắn dài. Nếu không theo sát thực tiễn đời sống xã hội hàng ngày bằng cách tiếp cận đa chiều, người quản lý, định hướng báo chí khó có được thông tin đầy đủ về đời sống báo chí, tâm tư người làm báo. Còn đó, ngổn ngang và bề bộn những câu hỏi tương tự như trên mà chức phận phải góp phần giải đáp là Hội Nhà báo Việt Nam.
Những năm qua, nhờ nỗ lực tìm tòi, đổi mới phong cách làm việc, sáng tạo, Hội Nhà báo đã triển khai một số việc cụ thể được người làm báo ghi nhận. Như, bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người làm báo trong quá trình tác nghiệp; tham mưu và kịp thời xử lý nghiêm, minh bạch chấn chỉnh hoạt động báo chí thực hiện sai tôn chỉ mục đích, vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp của Hội ban hành; tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ làm nghề; động viên chia sẻ với người làm báo khi họ đang gặp những khó khăn không nhỏ để giữ cho được “ tâm sáng, lòng trong, bút sắc”.
Người làm báo mong mỏi gì từ Hội Nhà báo? Báo chí mong Hội tiếp tục theo sát hoạt động báo chí, hãy mang tiếng nói đại diện, phản ánh đầy đủ, sâu sắc ý kiến hội viên, người làm báo đến đúng địa chỉ cần nghe nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động báo chí; làm rõ hơn, cụ thể hơn việc khai triển hoạt động “kinh tế báo chí” trong thời đại số, trí tuệ nhân tạo AI; kiến nghị bổ sung Luật Báo chí gắn với quy hoạch báo chí hợp lý, khoa học, thực tiễn theo hướng tinh gọn; rạch ròi hơn khi phân biệt loại hình báo chí; tăng tính quy định về tôn chỉ mục đích và tạo điều kiện để nhà báo tác nghiệp, tiếp cận thông tin đa chiều có được thông tin nhanh hơn, đầy đủ hơn để nội dung báo chí sâu sắc hơn, hấp dẫn hơn. Đồng thời cũng kiểm soát tốt hơn quy trình tác nghiệp của người làm báo.
Để tác phẩm báo chí nội dung chất lượng ngày càng tốt hơn, nhiều tác phẩm báo chí chất lượng hơn, sức lan tỏa mạnh mẽ, từ đó xuất hiện trở lại những cây bút tài hoa như thế hệ làm báo thế kỷ trước người làm báo cần phải giữ được lửa nghề; mạnh dạn dấn thân, phản biện, nhận xét sâu sắc. Hội Nhà báo ngoài việc định hướng xây dựng kế hoạch, chương trình tổ chức giảng dạy bồi dưỡng nghiệp vụ cần tập trung nhiều hơn thâm nhập thực tiễn đời sống báo chí, nhất là khối tạp chí, luôn lắng nghe, thấu hiểu (cả giảng viên và cán bộ các cấp hội).
Ai cũng mong nội dung, hình thức 2 ấn phẩm báo chí của Hội (Báo Nhà báo và Công luận và Tạp chí Người làm báo) sẽ là hình mẫu về xây dựng cơ quan báo chí về chất lượng thông tin, đạo đức làm nghề trong hoàn cảnh mới. Người làm báo luôn coi HNB là ngôi nhà chung, tổ ấm gia đình báo chí để họ dựa cậy, chia sẻ buồn vui; để họ hết mình với nghề cầm bút, gõ bàn phím, vác máy quay, cầm máy ghi âm...Họ muốn là chính mình, đủ thu nhập cho cuộc sống bằng làm nghề; toàn tâm, toàn ý sống chết với nghề. Để không còn khái niệm nhà báo chung chung, có danh không thực, tổn hại uy danh người cầm bút cũng nên phân định rõ cách nhận diện nhà báo theo từng chức danh chuyên môn của họ.
Để hoàn thành sứ mạng cao cả của mình Hội Nhà báo cần tập hợp được cán bộ tinh túy đủ hiểu biết về nghề báo, quản trị, quản lý và tổ chức một cơ quan báo chí. Hội có đủ uy tín, trách nhiệm là cơ quan tham mưu với tiếng nói “trọng lượng” với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ban ngành trong việc làm thế nào để báo chí nước nhà đổi mới, phát triển cùng đất nước dân tộc. Những người công tác trong Hội Nhà báo các cấp từ địa phương đến trung ương càng phải sẵn sàng dấn thân, bản lĩnh, hy sinh vì lý tưởng phục vụ báo chí của mình.
Trăn trở, mong muốn và kỳ vọng của người làm báo chính là động lực, niềm tin cho các cấp hội nhà báo mỗi khi nhắc nhớ và trân trọng kỷ niệm ngày sinh của Hội Nhà báo Việt Nam. Đó cũng là động lực để Hội Nhà báo phấn đấu hoàn thành sứ mạng chính trị, xứng danh với truyền thống lịch sử vẻ vang của mình.
VĂN HÙNG