Nhiều dư địa xuất khẩu cho rau quả Việt tại thị trường châu Âu

Châu Âu là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất thế giới nhưng thị phần của doanh nghiệp Việt Nam vẫn chiếm rất nhỏ. Do đó, đây là thị trường nhiều tiềm năng để các doanh nghiệp xuất khẩu ngành hàng rau quả của Việt Nam khai thác.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ước tính, tháng 4/2024 xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt 520 triệu USD, tăng 10,7% so với tháng 3/2024 và tăng 33,9% so với tháng 4/2023. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 1,8 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhiều dư địa xuất khẩu cho rau quả Việt tại thị trường châu Âu  - Ảnh 1

Tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang khu vực châu Á chiếm 82,4% tổng trị giá xuất khẩu. Trong đó, hàng rau quả chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc, chiếm 71,8% tổng trị giá xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt mức cao, góp phần thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng tốt trong quý I/2024, đạt 759,4 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trị giá xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường Trung Quốc chiếm 59,1% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả.

Bên cạnh đó, quý 1/2024 hàng rau quả cũng xuất khẩu sang các khu vực khác như châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương và châu Phi, tuy nhiên trị giá xuất khẩu sang các khu vực này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, do đó vẫn còn nhiều cơ hội để ngành hàng rau quả tiếp tục mở rộng thị trường trong thời gian tới.

Đáng chú ý, với nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả trung bình 153 tỷ USD/năm trong giai đoạn năm 2019 – 2023, châu Âu là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất trên thế giới (theo số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế). Tuy nhiên, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 0,22% tổng trị giá nhập khẩu của châu Âu.

Cục Xuất nhập khẩu cho biết, EU là thị trường có nhu cầu nhập khẩu lớn đối với hàng rau quả, tuy nhiên nhập khẩu từ Việt Nam vẫn quá thấp, do đó cơ hội để gia tăng thị phần tại EU là rất lớn. Tuy nhiên, thị trường này cũng đòi hỏi chất lượng khắt khe hàng đầu thế giới. “Người tiêu dùng EU chú trọng đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm đạt chuẩn, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trước khi xuất khẩu vào thị trường này. Theo đó nếu doanh nghiệp ngành hàng rau quả của Việt Nam xuất khẩu được vào thị trường EU thì sẽ dễ dàng xuất khẩu được sang nhiều thị trường khác”, Cục Xuất nhập khẩu đánh giá.

Thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, quả và quả hạch là chủng loại xuất khẩu chính trong quý I/2024, chiếm 69,7% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả. Chủng loại quả và quả hạch xuất khẩu chủ yếu tới thị trường châu Á, đạt 814,5 triệu USD, 34,9% so với cùng kỳ năm 2023; Tiếp theo là thị trường châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương và châu Phi.

Chủng loại sản phẩm chế biến xuất khẩu đứng vị trí thứ 2, chiếm 23,1% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả trong quý I/2024. Châu Á là điểm đến chính đối với chủng loại sản phẩm chế biến, chiếm 61% tổng trị giá xuất khẩu chủng loại chế biến; Tiếp theo là các khu vực khác như châu Âu, châu Mỹ...

Ngoài 2 chủng loại xuất khẩu chính chiếm tỷ trọng cao, còn một số chủng loại khác cũng được xuất khẩu trong quý I/2024 như chủng loại rau củ, hoa và lá.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: "EU là thị trường đòi hỏi chất lượng khắt khe hàng đầu thế giới. Họ chú trọng đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm đạt chuẩn, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trước khi xuất khẩu vào châu Âu. Vì vậy, khi muốn xuất qua thị trường này, thì các sản phẩm phải đạt được các tiêu chuẩn châu Âu và chứng chỉ quốc tế như rau quả phải trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Đặc biệt, trước khi xuất khẩu sang EU, các doanh nghiệp tập trung kiểm nghiệm, kiểm soát về dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật để tránh việc hàng sang đến nơi bị phát hiện và phải tiêu hủy hoặc trả về. Có như vậy, mới vượt qua hàng rào kỹ thuật để vào thị trường này".

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cũng khuyến nghị, các đơn vị xuất khẩu cần chủ động tìm hiểu về các quy định xuất khẩu nông sản sang thị trường EU, phải bắt đầu từ giai đoạn sản xuất hàng hóa, chứ không phải sản xuất xong hàng hóa mới tìm hiểu. Bên cạnh đó, khâu thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm phù hợp với thị trường và thân thiện với môi trường cũng cần được quan tâm.