Theo số liệu thống kê, đầu tư vào các công ty giải pháp AI thì Việt Nam cùng với Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines đều dưới mức 1 USD/người trong khi Singapore là 68 USD, Trung Quốc 21 USD (năm 2019) và Hoa Kỳ đạt 155 USD. Điều đó đặt ra thách thức cho Việt Nam cần phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa để tận dụng nền tảng kỹ thuật số trong sản xuất và phân phối hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, chuyển đổi kỹ thuật số cũng có nhiều rủi ro. Trong số 1,3 nghìn tỷ USD đã được chi cho kỹ thuật số năm ngoái, ước tính 900 tỷ USD đã bị lãng phí. Tại sao một số nỗ lực kỹ thuật số thành công và một số lại thất bại? Về cơ bản, đó là vì công nghệ kỹ thuật số đều cung cấp khả năng tăng hiệu quả và làm hài lòng khách hàng. Nhưng nếu doanh nghiệp thiếu tư duy để thay đổi, hạ tầng không đồng bộ và không có phương thức tổ chức triển khai thực hiện chiến lược chuyển đổi phù hợp thì sẽ thất bại và khi đó kỹ thuật số chỉ đơn giản là công cụ phóng đại những thất bại đó.
Chính vì vậy, để ứng dụng tốt chuyển đổi số trong ngành công nghiệp logistics, doanh nghiệp cần nhận thức có thể tận dụng quá trình số hóa để đem lại nhiều lợi ích như: tăng hiệu quả, xây dựng lòng tin giữa các đối tác thương mại và các bên liên quan, định tuyến cung ứng tối ưu, quản trị tốt phương tiện vận tải, ra quyết định thông minh trên công cụ điện toán nhận thức và hỗ trợ trí tuệ nhân tạo…
Các chuyên gia trong ngành logistics nhận định, để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang Logistics 4.0 và đối diện với các thách thức, yếu tố quan trọng nhất phụ thuộc vào nhà lãnh đạo.
Người đứng đầu doanh nghiệp cần nhận ra các yêu cầu trong việc chuyển đổi kỹ thuật số với quy trình, hệ thống, công nghệ. Với người lãnh đạo có tầm nhìn, việc chuyển đổi từ quy trình làm việc với văn hóa truyền thống sang văn hóa kỹ thuật số sẽ trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Bên cạnh đó, phát triển nhân lực kỹ thuật số cũng là yếu tố cần được coi trọng. Nhân lực lao động cần được tiếp cận quá trình chuyển đổi kỹ thuật số thông qua các giai đoạn khác nhau.
Đồng thời, các công ty phải có lộ trình phát triển dài hạn cho công nghệ và giải pháp. Cách tiếp cận các mô hình chuyển đổi từ Logistics 3.0 sang 4.0 cũng cần đi theo từng giai đoạn để đảm bảo tính hệ thống và giảm thiểu căng thẳng cho bộ máy hoạt động khi chuyển sang hệ thống công nghệ mới.
Tiếp đó, là thúc đẩy nhân lực, quy trình và hệ thống thu thập, phân tích và chia sẻ các dữ liệu trong hoạt động logistics để nâng cao khả năng hiển thị thông tin và vận hành chuỗi cung ứng.
Cuối cùng, doanh nghiệp cần xây dựng các quy trình để dự báo và triển khai hệ thống mô phỏng hoặc thử nghiệm, đồng thời, tối ưu hóa các công nghệ kỹ thuật số được áp dụng. Khi việc áp dụng các công nghệ trở nên đồng bộ có thể hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra dự đoán và có những quyết định giúp chuỗi cung ứng vận hành mạnh mẽ hơn.