Theo Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), những năm tới, nhu cầu tiêu thụ điện vẫn tăng trưởng ổn định trong dài hạn. Khi hiện tượng La Nina bắt đầu suy yếu vào nửa đầu năm 2023, El Nino sẽ duy trì trạng thái trung tính vào tháng 3/2023 ở mức 70% nên tình hình thủy văn sẽ bắt đầu kém khả quan hơn cho các doanh nghiệp thủy điện.
Các doanh nghiệp nhiệt điện với các nhà máy mới có tuổi đời còn mới, vận hành ổn định được kỳ vọng sẽ được huy động sản lượng cao hơn.
Trong khi đó nhóm nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ gặp nhiều thách thức. Việt Nam dự kiến sẽ phát triển hơn 28.400 MW nguồn điện sử dụng khí LNG nhập khẩu và có hơn 14.900 MW nguồn điện khác được chuyển đổi sang sử dụng LNG nhằm bù đắp cho nguồn khí đốt khai thác trong nước và hạn chế phát thải từ nhiệt điện than.
Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán giá khí đốt chưa thể hạ nhiệt ngay. Nga hiện đang là quốc gia xuất khẩu LNG lớn thứ 4 trên thế giới và xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra từ đầu năm đã đẩy giá LNG tăng vọt sau đó giảm về 30 USD/mmBTU, nhưng mức giá này vẫn rất cao so với mức trung bình 15 - 18 USD/mmBTU trong năm 2021. Giá khí LNG cao vẫn gây khó khăn cho quá trình đàm phán giá bán điện.
Ngoài ra, hợp đồng mua bán khí giữa các quốc gia thường sẽ được ký kết trong một khoảng thời gian dài và hạn chế sự tham gia của bên thứ 3. Do đó, quá trình tìm kiếm nguồn cung từ các đối tác và đàm phán 3 bên giữa nhà cung cấp, chủ đầu tư và EVN sẽ có thể mất nhiều thời gian.
Với nhóm năng lượng tái tạo, do cơ cấu nguồn điện được phát triển theo hướng xanh hơn theo Quy hoạch điện VIII, điện gió sẽ là nguồn điện được ưu tiên phát triển mạnh nhất với tốc độ tăng trưởng công suất hàng năm (CAGR) ở mức 29,1%/năm trong giai đoạn 2020 - 2035 và 7,5%/năm trong giai đoạn 2035 - 2050.
Ngược lại, điện mặt trời sau giai đoạn tăng trưởng nóng sẽ không được đẩy mạnh đầu tư cho đến năm 2030, tuy nhiên kể từ giai đoạn 2030 - 2050 công suất sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình 12%/năm.
Hiện có ít doanh nghiệp trên sàn chứng khoán có ngành nghề kinh doanh chính là phát triển điện gió, điện mặt trời. Một số doanh nghiệp đang có hoạt động mở rộng và phát triển thêm mảng năng lượng tái tạo như Bamboo Capital (Mã: BCG), Cơ điện lạnh (REE), Điện Gia Lai (Mã: GEG),…
Năm 2022, REE ghi nhận lãi cao nhất lịch sử với 3.513 tỷ, tăng 64% so với năm 2021 nhờ đóng góp lớn từ mảng năng lượng tái tạo. Hiện danh sách các công ty liên kết của REE hầu hết trong mảng thủy điện. Năm 2022, 18 công ty liên doanh liên kết đem về cho REE 1.077 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 39%.
Năm 2022, BCG Energy, thành viên của Bamboo Capital cũng ghi nhận doanh thu bán điện khả quan với khoảng 1.080 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2021 và chiếm 23,5% trong tổng doanh thu của toàn tập đoàn.
Tính tới thời điểm hiện tại, Điện Gia Lai đang vận hành và xây dựng 23 nhà máy năng lượng tái tạo đa dạng loại hình từ thủy điện, điện mặt trời, áp mái và Điện Gió tại 14 tỉnh thành với tổng công suất gần 750 MWp.
Cơ cấu doanh thu của Điện Gia Lai cho thấy 94% nguồn thu đến từ bán điện. Năm 2022, doanh thu thuần hợp nhất của công ty này là 2.093 tỷ đồng, tăng 32%. Biên lợi nhuận gộp đạt 48%, cao hơn mức 39% của trung bình ngành.
Đối với Tập đoàn Hà Đô (Mã: HDG), trong năm 2022, trong khi doanh thu mảng kinh doanh bất động sản đi xuống, mảng năng lượng với nguồn thu là từ điện gió, điện mặt trời, thủy điện lại tăng mạnh hơn 69% lên 2.160 tỷ đồng, chiếm 59% doanh thu của tập đoàn năm vừa rồi.
Theo công ty chứng khoán, chính sách giá năng lượng chuyển tiếp sẽ là tiền đề để Bộ Công thương tiếp tục đưa ra những hướng đi tiếp theo cho các dự án phát triển mới dựa trên khung giá này. Đây sẽ là cơ sở để Bộ Công thương đánh giá cũng như điều chỉnh khung giá mới hợp lý hơn.
Với những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong COP26 cũng như những điều chỉnh đáng kể trong dự thảo Quy hoạch định 8 (nâng cao tỷ trọng công suất điện năng lượng tái tạo), các nhà đầu tư vẫn kỳ vọng vào một chính sách giá đủ hấp dẫn nhưng vẫn mang tính cạnh tranh, thu hút doanh nghiệp có đầy đủ năng lực tham gia vào lĩnh vực này.
Cho rằng các doanh nghiệp có khả năng cải thiện chi phí phát triển, vận hành, cũng như có năng lực huy động nguồn vốn rẻ sẽ nắm ưu thế trong giai đoạn này, VNDirect đánh giá PC1 là doanh nghiệp hưởng lợi đầu tiên khi tham gia vào lĩnh lực xây lắp, đặc biệt là EPC điện gió và xây lắp đường dây, trạm biến áp.
Công ty chứng khoán cũng điểm tên một số những nhà phát triển năng lượng nổi bật đang niêm yết bao gồm BCG, GEG sẽ có thể tăng trưởng công suất khi sở hữu các dự án điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp. Ngoài ra, Trung Nam và T&T Group (chưa niêm yết) cũng là những doanh nghiệp được hưởng lợi khi các dự án đã hoàn thành nhưng trễ FIT sẽ được hòa lưới điện.