Rác thải luôn là nỗi ám ảnh với nhiều người, đặt biệt là những hộ dân sống gần khu vực có rác thải ô nhiễm. Tại Hà Nội chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh những dòng sông “chết” bốc mùi hôi thối. Mặc dù thành phố đã có những kế hoạch cải tạo, nhưng cho đến thời điểm này vẫn không có gì thay đổi.
Những người vớt rác nghiệp dư
Với mong muốn làm sạch môi trường, cứu các dòng sông. Tổ chức thiện nguyện mang tên Hà Nội Xanh đã ra đời. Với gần 200 cuộc ra quân trong hơn 1 năm hoạt động, nhóm Hà Nội Xanh đã trả lại màu xanh cho gần 100 con sông tại Hà Nội.
Bốc mùi hôi thối, dòng nước đen kịt, ngập ngụa rác thải là những gì tôi cảm nhận được khi đến trực tiếp con sông phường Tây Tựu, quận Bắc từ Liêm, Hà Nội. Địa điểm này thật ra là một trạm bơm nước, nhưng hiện tại đang bị mắc kẹt bởi rác thải. Bất chấp sự ô nhiễm nặng nề của dòng sông cùng những hiểm nguy đang rình rập. Tôi cùng nhóm khoảng 20 bạn của Hà Nội Xanh bắt đầu trang bị đồ bảo hộ như quần áo chống thấm nước, ủng, găng tay cao su, khẩu trang ý tế,... chuẩn bị lội xuống sông với rác.
Tranh thủ lúc mặc đồ bảo hộ, anh Nguyễn Tiến Huy (Nhóm trưởng Hà Nội Xanh) chia sẻ với tôi: “Mình đã có thời gian sinh sống và làm việc tại Hà Nội khá lâu, nên coi đây như quê hương của mình. Mỗi lần đi qua các kênh mương, dọc các bờ sông thấy rác thải ngổn ngang trên mặt nước, bốc mùi hôi thối khiến mình cảm thấy rất buồn. Mang trong lòng nỗi trăn trở ấy, mình cùng Hiếu và hai người bạn của mình đã nhen nhóm ý tưởng thành lập dự án Hà Nội Xanh, với mong muốn góp một phần công sức để bảo vệ môi trường của Thủ đô. Đến cuối năm 2022 nhóm chính thức được ra đời và bắt đầu tiến hành dọn rác ở các địa điểm”
Để lan tỏa thông điệp này, mỗi buổi dọn rác nhóm sẽ quay lại các video và đăng tải trên mạng xã hội như Facebook, Tiktok để hành động này được nhiều biết đến, từ đó lan tỏa thông điệp về tình yêu môi trường đến công chúng, từ đó tuyên truyền về thông điệp “xanh”, chung tay bảo vệ môi trường đến tất cả mọi người.
Trong quá trình thực hiện Huy cho biết, cái khó nhất trong quá trình dọn rác đó là các đoạn sông ô nhiễm khá nặng, rác thải rắn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây chấn thương cho tình nguyện viên như mảnh sành, kim tiêm hay những vật có gai, sắc nhọn. Chính vì điều này nên nhóm mới ra quy định các bạn ứng viên phải tiêm một mũi uốn ván trước khi tham gia hoạt động. Huy cũng chia sẻ về thời gian đầu hoạt động, nhóm đã gặp phải không ít khó khăn. Khó khăn đầu tiên là về con người. Người ít thì lượng công việc mỗi buổi hoạt động nhiều và vất vả hơn. Sau này có thêm nhiều bạn tình nguyện viên thì nhóm lại gặp khó khăn trong khâu quản lý, phân công nhiệm vụ cho các bạn hay sắp xếp thời gian hoạt động. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất phải kể đến là kinh phí hoạt động. Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng thật may mắn vì Hà Nội Xanh cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ và quan tâm từ cộng đồng.
Rồi ta sẽ quen với rác thải
Sau khi mặc xong đồ bảo hộ, tôi bắt đầu một ngày làm việc mới với tâm thế tràn đầy năng lượng. Nhưng khi vừa xuống đến bên bờ sông, tôi đã bắt đầu cảm thấy buồn nôn, nhức đầu vì ở đây không chỉ dừng lại là rác thải sinh hoạt mà còn có cả xác động vật đang phân hủy. Chị Mừng (nhân viên văn phòng) đã an ủi tôi “Đừng sợ, lần đầu tiên đi dọn về chị còn ốm, nhập viện vì khó thở, đi vài lần rồi quen ngay” .
Suốt buổi hoạt động ngày hôm đó vì nước khá sâu và chưa tiêm phòng uốn ván nên tôi được giao nhiệm vụ nhặt, vận chuyển rác lên trên bờ. Trực tiếp tham gia quá trình tôi mới cảm nhận được nỗi cực khổ của các bạn tình nguyện viên. Dưới cái nắng oi ả của Hà Nội, các bạn tình nguyện viên vẫn ngâm mình dưới dòng nước hôi thối mà chẳng một câu than vãn. Với tinh thần yêu “rác”, yêu môi trường và mong muốn lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường, mỗi cá nhân trong Hà Nội Xanh đều đang cố gắng dùng hành động thiết thực của mình để chạm đến trái tim nhiều người.
Buổi chiều cùng ngày, tôi dọn ở một dòng sông chạy qua phường Tây Tựu, cách trạm bơm nước đầy rác lúc sáng 1km. Con sông này khá rộng và sâu, vì thế để di chuyển số rác lên bờ là điều rất khó khăn. Khi lội xuống dòng sông, chúng tôi mới nhận thấy dòng sông quá sâu, nước tràn hết vào đồ bảo hộ, khiến cho việc di chuyển rất khó khăn. Không còn cách nào khác, nhiều bạn tình nguyện viên trong đoàn đã không ngần ngại tháo hết đồ bảo hộ, bơi ra giữa sông để đẩy rác vào bờ.
Khi tôi hỏi Hải - người tháo đồ bảo hộ, bơi mình trần trong dòng sông ngập rác: “Sao nước bẩn thế, lại còn có thể nhiễm thuốc trừ sâu mà dám mình trần xuống vớt rác ?” Hải cười “Thấy rác bẩn thì em cứ lao vào dọn thôi. Em chỉ nghĩ dọn được càng nhiều nơi càng tốt. Ban đầu mới tham gia Hà Nội Xanh em còn thấy sợ, chứ giờ em chẳng sợ gì nữa. Càng nhiều rác, em càng thấy mình có trách nhiệm, càng cố gắng dọn sạch nhất có thể.”
Dù đã tích cực dọn, nhưng do dòng sông chảy qua địa phận phường Tây Tựu quá sâu và rộng. Vì thế ngày hôm đó dù đã dọn từ 2 giờ chiều đến 6 giờ tối chúng tôi cũng chỉ dọn được 1/5 lượng rác thải.
Sẽ rất khó để có thể dọn sạch rác cho thủ đô hay bất cứ một nơi nào khác trên đất nước. Rác thải, ô nhiễm môi trường chỉ biến mất khi người dân có ý thức hơn. Để những hành động của nhóm không trở thành “muối bỏ bể”, trong tương lai, Hà Nội Xanh sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều dự án về môi trường. Khẩu hiệu của Hà Nội Xanh là “đi đến đâu sạch tới đó” còn tôn chỉ thì Hà Nội Xanh nói không với thương mại hóa. Chính vì vậy đã có một số doanh nghiệp muốn tài trợ cho Hà Nội Xanh nhưng đi kèm các hoạt động truyền thông thương mại đều bị Huy từ chối.
Với những đóng góp xanh cho môi trường TP. Hà Nội trong một năm qua, Nhóm Hà Nội Xanh đã vinh dự nhận Giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2023 do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng.
Bảo Khanh – Thùy Dung