Nhu cầu thị trường tăng sau dịch, ngành chè Việt Nam cần tận dụng cơ hội để bứt phá

Xuất khẩu chè trong quý IV/2021 được dự báo sẽ khả quan hơn, khi dịch bệnh đang dần được kiểm soát, hoạt động sản xuất đã bắt đầu phục hồi trở lại và nhu cầu thị trường tăng vào dịp cuối năm khi mùa lễ Tết đến gần. Vì thế, các doanh nghiệp chè cần chủ động đón thời cơ.

Triển vọng xuất khẩu chè trong quý IV/2021 được dự báo sẽ khả quan

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu chè trong quý III/2021 giảm mạnh do hoạt động sản xuất và xuất khẩu bị gián đoạn bởi dịch Covid-19. Theo đó, xuất khẩu chè trong quý III/2021 đạt 33,5 nghìn tấn, trị giá 58,43 triệu USD, giảm 16,5% về lượng và giảm 11,9% về trị giá so với quý III/2020. Giá chè xuất khẩu bình quân trong quý III/2021 đạt 1.744 USD/ tấn, tăng 5,5% so với quý III/2020.

Luỹ kế từ đầu năm đến hết tháng 9/2021, chè xuất khẩu đạt 91,6 nghìn tấn, trị giá 153,3 triệu USD, giảm 6,6% về lượng và giảm 2,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Giá chè xuất khẩu bình quân trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 1.673,5 USD/tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020. 

Tình hình xuất khẩu chè của Việt Nam theo quý giai đoạn năm 2019 – 2021 (ĐVT: Triệu USD)
Tình hình xuất khẩu chè của Việt Nam theo quý giai đoạn năm 2019 – 2021 (ĐVT: Triệu USD)

Về thị trường, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu chè sang khu vực châu Á với trị giá chiếm 80,6% tổng xuất khẩu chè trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng xuất khẩu chè tới các khu vực khác như châu Âu, châu Phi, châu Đại Dương trong 9 tháng đầu năm 2021 đều giảm so với cùng kỳ năm 2020, chỉ có châu Mỹ là có tỷ trọng tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.

Châu Âu là khu vực có tỷ trọng giảm mạnh nhất do tác động tiêu cực bởi tình hình dịch bệnh, các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong chè (MRL) tại các thị trường thuộc khu vực châu Âu. Cụ thể là các thị trường như EU, Nga càng ngày càng nghiêm ngặt hơn, do đó xuất khẩu chè sang các thị trường này gặp nhiều khó khăn.

Cơ cấu xuất khẩu chè sang các châu lục (ĐVT: % theo trị giá)
Cơ cấu xuất khẩu chè sang các châu lục (ĐVT: % theo trị giá)

Theo Bộ Công Thương, triển vọng xuất khẩu chè trong quý IV/2021 được đánh giá sẽ khả quan hơn. Nhiều dự báo tăng trưởng xuất khẩu sẽ mạnh mẽ hơn vào cuối năm khi nền kinh tế mở cửa trở lại, dịch bệnh đang dần được kiểm soát, hoạt động sản xuất đã bắt đầu phục hồi trở lại từ cuối tháng 9, các địa phương đã bắt đầu nới lỏng giãn cách từ đầu tháng 10 và chủ trương nối lại sản xuất an toàn vừa phòng chống dịch. Đặc biệt là nhu cầu thị trường sẽ tăng vào dịp cuối năm khi mùa lễ tết đến gần. Bên cạnh đó, các hiệp định: CPTPP, EVFTA, UKFTA… tiếp tục tạo điều kiện để mặt hàng chè của Việt Nam tham gia vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Không những thế, nhu cầu tiêu dùng chè vẫn đầy hứa hẹn, vì thị trường ghi nhận sự tăng lên rõ rệt. Do người tiêu dùng nhiều nơi tin tưởng trà có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch, góp phần đề kháng với dịch bệnh COVID-19.

Còn nhiều cơ hội cho chè Việt Nam chinh phục các thị trường chè lớn nhất thế giới

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), hiện thế giới có 5 thị trường tiêu thụ chè lớn nhất. Trong năm 2020, nhập khẩu chè từ 5 thị trường này chiếm 42,4% tổng trị giá nhập khẩu chè toàn cầu. Dẫn đầu là EU, tiếp theo là Pakistan, Hoa Kỳ, Nga và Anh. 6 tháng đầu năm 2021, 5 thị trường này tiếp tục dẫn đầu về trị giá nhập khẩu chè trên toàn cầu.

Về thị phần, trong năm 2021, chè Việt Nam chiếm 0,33% tổng trị giá nhập khẩu của EU, tăng 0,07 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020. Còn tại Pakistan, trong năm tài chính 2020 - 2021 (tính từ tháng 7/2020 đến hết tháng 6/2021), chè Việt Nam chiếm 3,4% tổng trị giá nhập khẩu chè của Pakistan, tăng 0,31 điểm phần trăm với cùng kỳ trong năm tài chính 2019 - 2020. Trong khi đó, chè Việt Nam chiếm 1,62% trong tổng trị giá nhập khẩu chè của Mỹ.

Tỷ trọng chè nhập khẩu từ Việt Nam tính theo năm tài chính 2020 -2021 (từ tháng 7/2020 đến tháng 6/2021). Nguồn: ITC 
Tỷ trọng chè nhập khẩu từ Việt Nam tính theo năm tài chính 2020 -2021 (từ tháng 7/2020 đến tháng 6/2021). Nguồn: ITC 

Tại thị trường Nga, dù nhu cầu nhập khẩu chè đạt 217,9 triệu USD trong nửa đầu năm 2021, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng tỷ trọng của chè Việt Nam giảm mạnh, chỉ chiếm 4,85%. Tỷ trọng nhập khẩu chè Việt Nam của Anh cũng giảm 0,25 điểm % so với cùng kỳ năm 2020. 

Nhìn chung, dù là nước xuất khẩu chè đứng thứ 5 trên thế giới, xuất sang 74 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng chè nước ta vẫn chỉ chiếm 1 phần tỷ trọng nhỏ trên tổng lượng tiêu thụ của các thị trường chè lớn nhất thế giới. Trị giá xuất khẩu chè của Việt Nam hàng năm trung bình đạt 173,2 triệu USD trong giai đoạn năm 2016-2020. Trong khi đó, trị giá nhập khẩu chè trên toàn cầu hàng năm trung bình đạt 7,2 tỷ USD. Như vậy, trị giá xuất khẩu chè của Việt Nam mới chỉ chiếm 2,4% tổng trị giá nhập khẩu chè trên toàn cầu, cơ hội còn rất lớn.

Từ nay tới cuối năm là dịp lễ Tết, nhu cầu tiêu dùng chè tại các thị trường lớn được kỳ vọng tiếp tục phục hồi, là cơ hội để doanh nghiệp chè gia tăng xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp cần sẵn sàng chủ động lên kế hoạch cho quá trình quay trở lại hoạt động trong điều kiện bình thường mới để nhanh chóng hồi phục, đón đầu nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm để tăng trưởng. Nếu đáp ứng được yêu cầu khắt khe tại các nước khó tính này, chè Việt Nam sẽ tăng mạnh được thị phần ở các thị trường lớn này. 

Nhưng để nắm bắt kịp được thời cơ này, các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh chè trên cả nước cần phải năng động, linh hoạt chế biến các sản phẩm chè an toàn, đảm bảo chất lượng cả trong nước cũng như xuất khẩu. Đây cũng chính là điều kiện cần thiết khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát, các doanh nghiệp, hợp tác xã tận dụng cơ hội, đặc biệt là cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) mang lại để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Dự báo khả quan hơn nhưng vẫn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp cần linh hoạt thích ứng

Cơ hội rộng mở nhưng đây cũng là thời điểm mà các doanh nghiệp, các HTX và các hộ gia đình kinh doanh chè phải "chiến đấu" với muôn vàn khó khăn sau một thời gian dài "đóng băng" vì "cơn bão" mang tên Covid-19. Thực tế, ngành chè chịu ảnh hưởng khá mạnh từ đại dịch Covid-19, sức tiêu thụ của thị trường chậm, vận chuyển khó khăn, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường hầu như bị đình trệ dẫn đến hàng hoá bị tồn đọng. Không những thế, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, siêu thị phải tạm thời đóng cửa khiến việc tiêu thụ sản phẩm chè gặp nhiều cản trở. Nhiều công ty chè đã phải chấp nhận bán hàng không lợi nhuận để thu hồi vốn tái sản xuất.

Nhất là hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn. Chè xuất khẩu vốn chủ yếu bằng container tàu biển, nhưng tình trạng thiếu container vận chuyển hàng hóa vẫn đang tiếp diễn. Hơn nữa, giá cước vận tải đường biển tăng phi mã, liên tục và không có lộ trình khiến doanh nghiệp xuất khẩu đối mặt với nhiều rủi ro. Chi phí vận tải tiêu tốn và làm kiệt sức các doanh nghiệp xuất khẩu, kéo theo giá chè xuất khẩu bị giảm theo. 

Một vấn đề nữa là chủng loại chè xuất khẩu của Việt Nam chưa đa dạng, chất lượng chè chưa được đánh giá cao, mẫu mã và quy chuẩn vẫn chưa đáp ứng được thị trường đối tác. Dẫn đến tình trạng chè Việt Nam khó cạnh tranh với sản phẩm chè của các quốc gia khác.

Nhu cầu thị trường tăng sau dịch, ngành chè Việt Nam cần tận dụng cơ hội để bứt phá - Ảnh 1

Có thể thấy, nông nghiệp nói chung và ngành chè nói riêng có thuận lợi phục hồi hay không, phụ thuộc vào 4 nhân tố chính là khả năng khống chế dịch và tốc độ tiêm vaccine; sự bắt nhịp với đà phục hồi của thế giới; chính sách hỗ trợ của Chính phủ và những nỗ lực của doanh nghiệp trong việc thích ứng với sự thay đổi của thị trường.

Từ phía doanh nghiệp, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến thay đổi thói quen của người tiêu dùng,  sức mua vì thế được dự báo khó bùng nổ như mọi năm. Điều này chắc chắn sẽ buộc các doanh nghiệp cần thích ứng và linh hoạt hơn với sự thay đổi này. Không chỉ tập trung nâng cao năng suất, chất lượng chè bằng cách thay đổi các giống chè cũ sang các giống chè mới; đầu tư công nghệ để chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm chè tiêu chuẩn quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, mang lại giá trị kinh tế lớn. Mà các doanh nghiệp cũng cần tìm các giải phá vừa giữ vững được sản xuất, chế biến, tiêu thụ vừa đảm bảo yêu cầu của việc phòng chống dịch. Trong đó có thể kể đến việc kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến dựa trên những nền tảng mới; xúc tiến tìm kiếm thị trường xuất khẩu và tháo gỡ các rào cản thâm nhập thị trường mới.

Ngoài ra, doanh nghiệp chế biến chè và người trồng chè cần có sự liên kết từ xây dựng vùng nguyên liệu đến bao tiêu sản phẩm nhằm đảm bảo sự ổn định, đủ nguyên liệu chè tươi cho chế biến. Đẩy mạnh mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.  Với các doanh nghiệp, HTX có tiềm lực kinh tế nên đẩy mạnh khâu bảo quản, tích trữ để tập trung xuất hàng vào dịp cuối năm - thời điểm nhu cầu sử dụng chè tăng cao và giá bán cũng tăng. Ngoài ra, bà con cũng tiến hành đầu tư nâng cấp trang thiết bị, công nghệ chế biến chè hiện đại, nâng cao chất lượng và đa dạng hoá sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó, đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua hình thức bán hàng trực tuyến, giới thiệu sản phẩm trên các trang website có uy tín...  

Về phía các địa phương thì cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; Hỗ trợ xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm; hỗ trợ gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất; hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt thị trường nội địa và mở rộng thị trường xuất khẩu... để các doanh nghiệp chè có thể an tâm sản xuất. 

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Hồng Anh 

Từ khóa: