Vào những ngày đầu đông, trong thời tiết se se lạnh của núi rừng phía Bắc chúng tôi có mặt tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chè thuộc Viện khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc để tìm hiểu những quy trình lưu giữ nguồn gen và việc nghiên cứu của những nhà khoa học về giống chè Việt Nam. Tiếp đón chúng tôi có TS. Nguyễn Ngọc Bình; TS. Nguyễn Thị Minh Phương; TS. Nguyễn Thị Hồng Lam; ThS. Phùng Lệ Quyên; Nguyễn Thị Thuận; Nguyễn Hoài Thu…họ đều là những nhà khoa học hàng đầu nghiên cứu về lĩnh vực cây chè Việt Nam.
Được biết, TS. Nguyễn Thị Minh Phương - Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè, Viện NOMAFSI, bà là “pho sử” về lịch sử phát triển của cây chè nói chung và các giống chè nói riêng. Sau khi gắn bó gần 40 năm với Trung tâm, bà đã nghiên cứu thành công những giống chè như: PH8, PH9, Hương Bắc Sơn… và VN15.
Có mặt tại khu vườn quỹ gen giống chè quý hiếm tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè. TS. Nguyễn Thị Minh Phương chia sẻ: “Tại khu vực vườn quỹ gen của Trung tâm bao gồm những giống chè tạo ở trong nước từ phương pháp lai tạo, cũng như thu thập được từ các địa phương về đây và giống chè nhập nội. Mục tiêu của nguồn gen này là để giữ các nguồn gen của giống chè, khai thác, phát triển và khởi đầu các nguồn để nghiên cứu tạo ra các giống cây chè mới. Trong quá trình đánh giá, nếu như những giống nào phù hợp sinh trưởng tốt và chất lượng cao thì bắt đầu chọn lọc nhân giống đánh giá khảo nghiệm nghiên cứu ra giống chè mới…”
Hiện nay, tại khu vườn quỹ gen giống chè của Trung tâm có tổng 230 nguồn gen được lưu giữ. Trong đó, đang có 4 biến chủng và biến chủng chè Shan là giống chè bản địa rất đặc trưng đã được tuyển chọn ra giống chè Shan Chất Tiền phát triển ra các nơi, nguồn để lai ra các giống chè hữu tính đã được tạo ra các giống chè LDP1, LDP2, Hương Bắc Sơn, VN15…đều được lai tạo nghiên cứu từ đây và đang phát triển rất mạnh phổ biến trong sản xuất cả nước.
Trong việc nghiên cứu về các giống cây chè mới của Trung tâm, phải nói có nhiều những thuận lợi như đối với núi rừng trung du phía Bắc về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất là phù hợp để cho việc phát triển cây chè, phù hợp với cây chè cho việc nghiên cứu tuyển chọn cho cả những vùng núi cao và vùng sâu, vùng xa đều có điều kiện thời tiết rất phù hợp để đánh giá tuyển chọn cho các vùng nghiên cứu cây giống.
Bên cạnh đó, khó khăn đối với việc nghiên cứu về chọn tạo giống chè thì có rất nhiều. Như cây công nghiệp dài ngày thời gian nghiên cứu để tạo ra một giống chè rất mất nhiều thời gian, có những giống mất đến 30 năm như giống TRI 5.0 được nghiên cứu từ năm 1989 cho đến tận năm 2019 mới được công nhận chính thức, còn đối với các giống cây chè khác cũng phải cơ bản thời gian từ 15 đến 20 năm mới nghiên cứu được ra giống mới. Việc phát triển các giống chè ở các vùng sâu, vùng xa điều kiện đi lại rất khó khăn việc phát triển ở các vùng dân trí còn thấp như việc áp dụng chuyển giao công nghệ kỹ thuật và nguồn vốn để bà con trồng thành công cũng gặp khó khăn…
Thực tế, tại khu đồi chè trong khuôn viên Viện được tìm hiểu về giống chè PH8, PH9, VN15, Hương Bắc Sơn.. tác giả TS. Nguyễn Thị Minh Phương cho biết: “Đây là giống chè mới hiện tại đang phát triển mạnh trong thời gian vừa qua. Hiện nay tổng diện tích cả nước lên tới 4.600 hecta giống chè này sinh trưởng rất khỏe, đem lại năng suất cao để làm chè xanh, có khả năng chế biến chè Olong tuy nhiên phải có điều kiện thâm canh đặc thù hơn so với các giống chè khác. Đối với giống chè PH8 hiện tại riêng tỉnh Lai Châu đang trồng khoảng 3000 héc ta và các tỉnh thành trong cả nước. Nói tới giống VN15, Hương Bắc Sơn đây là 2 giống chè tốt nhất, chất lượng tốt, thơm ngon. Giống chè VN15 được đặt tên nghĩa là được lai giữa Việt Nam và Nhật Bản được công nhận năm 2015…”.
Trao đổi với TS. Nguyễn Thị Hồng Lam - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè, Viện NOMAFSI cho biết: “Bản thân tôi đã hơn 25 năm tham gia trong công tác nghiên cứu khoa học về giống cây chè, chủ yếu nghiên cứu về cây giống chè Shan kể cả công trình nghiên cứu khoa học cấp Tiến sỹ mình cũng chủ yếu đi sâu nghiên cứu giống cây chè Shan, cho đến hiện nay chè Shan đã được công nhận 4 giống như PH12; PH14; Shan Chất Tiền; Tủa Chùa 4. Trong đó, giống chè Shan được PH14 được nghiên cứu nhân giống tuyển chọn từ huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang về năng suất rất cao, đây là giống có tuyết rất nhiều…”.
“Trong công tác lai tạo ban đầu như theo mục tiêu nghiên cứu với dòng chất lượng tốt, dòng chống chịu tốt, năng suất cao… sau đó lấy những dòng phấn hoa đó để lai tạo tiếp tục chăm sóc và thu hạt gieo trồng đánh giá, nên rất mất nhiều công và thời gian cho việc nghiên cứu tuyển chọn ban đầu” - TS. Lam chia sẻ thêm.
Tới nay, đã có tới 173 giống chè trong thư viện giống của Viện; nhiều giống chè mới đã được công nhận tạm thời và chính thức như: LDP1, LDP2, Hùng Đinh Bạch, Keo An Tích, Phúc Vân Tiên, PT95, Kim Tuyên, Thúy Ngọc, Bát Tiên… được bà con nông dân và chính quyền các địa phương tin tưởng áp dụng, đã có 60% diện tích trồng chè được đưa giống mới vào thay thế.
Là một trong những cơ sở nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực nông lâm nghiệp của đất nước, NOMAFSI đã và đang đóng góp rất lớn vào quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, tái cơ cấu cây trồng của cả nước, góp phần giúp bà con nông dân mang lại hiệu quả kinh tế ngày một cao hơn trong sản xuất nông lâm nghiệp.
Tin tưởng rằng, với tâm huyết về nghiên cứu khoa học kỹ thuật và tinh thần trách nhiệm với Đảng và Nhà nước của đội ngũ cán bộ, giáo sư, kỹ sư của Viện, Trung tâm thời gian tới những hạt giống vàng sẽ tiếp tục được sinh ra, làm đa dạng hơn thư viện giống cây trồng của nước nhà./.
Sơn Thủy