Có lịch sử thành lập từ năm 1984, Vimedimex tiền thân là công ty trực thuộc Bộ Y Tế. Doanh nghiệp được cổ phần hoá năm 2006. Trong suốt chặng đường dài phát triển vừa qua tại Vimedimex, hình bóng của bà Nguyễn Thị Loan (SN 1970) được phác họa rõ nét với vai trò Chủ tịch HĐQT.
Vimedimex nhiều năm qua là nhà nhập khẩu, phân phối dược phẩm hàng đầu cả nước, cùng 3 ông lớn Zuelig Pharma Vietnam, Sang Pharma hay Phytopharma đều đặn thu về khoảng 3 tỷ USD doanh thu mỗi năm. Riêng năm 2020, Vimedimex đạt doanh thu 18.168 tỷ đồng, lãi sau thuế 37 tỷ đồng.
Cần biết rằng song song với dược phẩm hay tài chính, bà chủ Vimedimex Nguyễn Thị Loan còn một cuộc chơi rất lớn khác là bất động sản. Với nguồn lực dồi dào, tập đoàn đã nhanh chóng mở rộng quỹ đất, mua gom dự án…dần dần khẳng định vị thế của mình trên thị trường bất động sản.
Để hiện thực hóa nhóm ngành bất động sản của doanh nghiệp, tập đoàn này đã ra mắt thương hiệu Vimefulland với dự án đầu tay Belleville Hà Nội được trình làng vào cuối năm 2016, Tuy nhiên, để có cái nhìn toàn cảnh hệ sinh thái cũng như tham vọng của Vimedimex trong lĩnh vực địa ốc, thì chưa thực sự có quá nhiều dữ liệu.
Sau thành công của dự án Belleville, Vimefulland nhận được nhiều sự chú ý của giới đầu tư với việc ra mắt loạt dự án tại đất vàng Hà Nội khác là Emerald Center Park tại quận Nam Từ Liêm với diện tích 1,9ha; Dự án The Eden Rose tại huyện Thanh Trì với diện tích 8ha hay dự án Iris Garden tại quận Nam Từ Liêm.
Nhiều dự án kể trên là do các thành viên của Vimedimex M&A hoặc liên doanh, liên kết hợp tác đầu tư. Đơn cử như khu nhà thấp tầng Belleville Hà Nội do CTCP Phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm liên doanh với CTCP đầu tư xây dựng phát triển nhà số 7 Hà Nội; Dự án The Emerald do CTCP Bất động sản Mỹ Đình hợp tác với CTCP Đầu tư xây dựng phát triển nhà Hà Nội; hay như CTCP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm (tiền thân là CTCP Đầu tư và Kinh doanh Vàng Quốc tế) hợp tác Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam thực hiện dự án Khu đô thị An Thịnh 6, Hoài Đức.
Hợp tác với Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Đô thị (UDIC)
CTCP Đầu tư và Bê tông Thịnh Liệt (ThinhLiet CI) là thành viên của UDIC, từng do tổng công ty này sở hữu 39% vốn, ông Ngô Văn Tuấn có 21,55%, bà Tạ Thị Vân 34,47%. Bà Vân từng là Phó TGĐ Công ty Dược phẩm Vimedimex.
Tháng 5/2020, ĐHĐCĐ ThinhLiet CI thông qua phương án tăng vốn gấp 3 lần. Tuy nhiên, UDIC quyết định không góp thêm vốn và đấu giá toàn bộ 1,57 triệu quyền mua. Phiên đấu giá diễn ra vào tháng 8/2020 với sự thu xếp của CTCP Chứng khoán Hoà Bình (HBS) - một công ty cũng của bà Nguyễn Thị Loan.
Theo đó, toàn bộ quyền mua của UDIC được đấu giá với mức khởi điểm 491 đồng/ quyền mua. Kết quả, chỉ có 1 nhà đầu tư duy nhất trúng trọn lô với giá đấu thành công 501 đồng/ quyền mua - cao hơn 10 đồng so với giá khởi điểm. Tổng công ty trực thuộc UBND TP. Hà Nội chỉ thu về vỏn vẹn 787 triệu đồng từ phiên đấu giá.
Dù thu về số tiền không đáng kể, song đáng lưu ý, tỷ lệ sở hữu của UDIC tại ThinhLiet CI đã giảm từ mức có quyền phủ quyết (39%) về còn 13%, và gần như không còn tiếng nói tại ThinhLiet CI.
Thương vụ bán đấu giá quyền mua được UDIC thực hiện trong bối cảnh Thinhliet CI đang chìm trong thua lỗ. Tính đến ngày 31/12/2019, số lỗ luỹ kế của công ty này đã lên tới 99,8 tỉ đồng, vượt xa quy mô vốn điều lệ (40 tỉ đồng).
Đáng chú ý, ThinhLiet CI hiện đang được giao quản lý và sử dụng lô đất 43.812,1m2 tại ngõ 685 đường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Dù đã hết thời hạn thuê, song công ty vẫn quản lý và thực hiện nộp tiền thuê đất theo phương thức trả tiền thuê đất hàng năm.
Bên cạnh đó, Thinhliet CI còn góp vốn thành lập CTCP Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị Vinawaco (Udiwaco) để thực hiện dự án Khu chức năng đô thị Thịnh Liệt tại lô đất 58.067 m2 tại phố Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Dự án được UBND TP. Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 10/2016 và phê duyệt đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết 1/500 vào tháng 3/2020.
Mối liên hệ giữa UDIC và Vimedimex cũng đã từng được nhắc tới trong quá khứ. Vào khoảng thời gian giữa năm 2019, CTCP Bất động sản Thanh Trì (thành viên Vimedimex) đã nhận chuyển nhượng trực tiếp từ UDIC 161 căn biệt thự ở 2 lô đất BT02 và BT06 với tổng diện tích đất 40.662,6m2, và 81 căn biệt thự tại lô BT05 với diện tích đất gần 14.000m2 tại dự án Khu đô thị Nam Thăng Long.
Cũng tại thời điểm này, vào lúc chuẩn bị nhận chuyển nhượng các lô đất thành phần trong đại dự án Ciputra, thì UDIC và Công ty Vimedimex 2 đồng thời ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng dự án Cụm công nghiệp CN3 thuộc cụm công nghiệp tập trung Sóc Sơn (Hà Nội).
Cụm công nghiệp CN3 có tổng diện tích đất nghiên cứu lập dự án 1.248.590m2, trong đó diện tích đất thực hiện dự án khoảng 781.950m2. Đây là dự án trọng điểm của UDIC. Tới cuối năm 2019, cụm CN Sóc Sơn CN3 có số dư chi phí sản xuất kinh doanh dở dang 679,5 tỷ đồng, chỉ xếp sau dự án UDIC Westlake (1.800 tỷ đồng).
"Bắt tay" với Handico 7
Ngoài sự liên quan giữa Vimedimex với UDIC, tập đoàn ngành dược của doanh nhân Nguyễn Thị Loan cũng liên danh với Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phát triển nhà số 7 Hà Nội (Handico 7) để phát triển dự án khủng. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, cuộc hợp tác của 2 đơn vị này cũng kết thúc.
Theo đó, tại dự án tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên dài 1,65 km, nhóm Vimedimex liên danh với Handico 7 để thực hiện đổi lấy 60ha đất đối ứng ở 3 khu vực đất vàng của quận Hoàng Mai theo dự án BT, gồm: KĐT Ao Mơ có tổng diện tích 22,9ha; Các khu đất thuộc dự án xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu di dân tổ 24, 25 với diện tích khoảng 26ha; Khu sinh thái Vĩnh Hưng và KĐT Vĩnh Hưng với tổng diện tích khoảng 20ha.
Để thực hiện dự án, CTCP Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng được thành lập vào tháng 7/2014 với vốn điều lệ 423 tỷ đồng, 3 cổ đông sáng lập là Vimedimex (67,27%), Handico7 (30,73%), và một cá nhân thuộc nhóm Vimedimex là ông Nguyễn Quốc Cường có 2%.
Tuy nhiên, tới tháng 3/2015, Vĩnh Hưng tăng mạnh vốn lên 1.000 tỷ đồng thì Handico7 bất ngờ chủ động giảm tỷ lệ sở hữu về còn 2%.
Nguồn tiền nào đổ về các dự án?
Khi đã phát triển được quỹ đất lớn mạnh, bài toán nan giải của Vimedimex thời bấy giờ chắc chắn là nguồn vốn. Tại thời điểm cuối tháng 3/2011, những cổ đông lớn của VietABank gồm Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương, Công ty CP Đầu tư Phát triển Hòa Bình, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB), Công ty CP Phú An Thạnh, Văn phòng Thành ủy Tp.HCM.
Đáng chú ý, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Hoà Bình thành lập năm 2008 với bốn cổ đông sáng lập gồm: Bà Nguyễn Thị Loan, ông Trần Văn Kỳ, Vũ Ngọc Chiêm và CTCP Đầu tư và Kinh doanh vàng Quốc tế. Ông Kỳ là Chủ tịch Tập đoàn Hateco, còn Kinh doanh vàng Quốc tế là pháp nhân cùng “nhóm” Vimedimex.
Hòa Bình trở thành cổ đông lớn của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank, Mã: VAB) với tỷ lệ sở hữu trên 9% khi ngân hàng này phát hành tăng vốn điều lệ gấp đôi lên 3.000 tỷ đồng vào năm 2010.
Không lâu sau đó, bà Loan cũng thế chấp 40 triệu cổ phiếu của Hòa Bình tại VietABank chi nhánh Hà Nội và trở thành Phó Chủ tịch HĐQT VietABank vào năm 2011.
Mặc dù bà Loan đã rời khỏi ngân hàng chỉ sau một năm vào VietABank, thế nhưng phần lớn các dự án và doanh nghiệp liên quan Vimedimex Group đều do ngân hàng này cấp vốn trong nhiều năm liền.
Đơn cử như vào tháng 3/2015, CTCP Đầu tư Bất động sản Mỹ Đình (doanh nghiệp có liên quan đến Vimedimex) đã thế chấp cổ phần hình thành trong tương lai của các cổ đông sáng lập công ty với tổng giá trị 200 tỷ đồng tại VietABank chi nhánh Hà Nội để bảo đảm cho toàn bộ nghĩa vụ của các hợp đồng tín dụng/hợp đồng bảo lãnh.
Trong cùng ngày 9/10/2015, Hòa Bình và CTCP Bất động sản Hồ Gươm (một trong những cổ đông sáng lập của Hòa Bình, đồng thời là chủ đầu tư Khu đô thị An Thịnh 6, Hà Nội) đã thế chấp lần lượt 9,6 triệu cp và 21,6 triệu cp của Vimedimex Group do hai doanh nghiệp sở hữu tại VietABank chi nhánh Hà Nội. Tính đến hiện tại, các dự án do Hòa Bình và Hồ Gươm phát triển cũng được thế chấp ở ngân hàng này.
Năm 2016, CTCP Bất động sản Vimedimex đã thế chấp toàn bộ quyền tài sản từ dự án Tổ hợp công trình nhà ở căn hộ cao cấp, văn phòng cho thuê và công cộng tại 6 lô đất thuộc Khu vực Bắc Cổ Nhuế - Chèm (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tại VietABank chi nhánh Hà Nội.
CTCP Đầu tư Phát triển Hạ tầng và Đô thị Vĩnh Hưng cũng thế chấp quyền tài sản từ khu nhà ở Ao Mơ và dự án tại các lô đất ký hiệu CT1, CT2, CT3, CT4 thuộc các quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng tại VietABank chi nhánh Hà Nội.
Sau hơn một thập kỷ phát triển, ngoài lĩnh vực y tế với CTCP Y Dược phẩm Vimedimex đang niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE), Vimedimex Group còn sở hữu danh mục dự án khủng ở thủ đô thông qua hệ thống công ty thành viên: Helianthus Center Red River (4,9 ha, Đông Anh); Jade Orchid (gần 4,97 ha, Bắc Từ Liêm); The Lotus Center Ciputra Tây Hồ, Iris Garden (2,2 ha, Nam Từ Liêm); The Emerald (5,7 ha, Nam Từ Liêm); The Eden Rose (8 ha, Thanh Trì); Athena Fulland phân khu Larissa (27 ha, Kim Giang); Athena Fulland phân khu Athens (2,2 ha); Belleville Hà Nội (gần 1,6 ha, Cầu Giấy),...
Hiện tại, Vimedimex Group đang triển khai hai dự án là Helianthus Center Red River với diện tích 4,9 ha tại Đông Anh và The Jade Orchid diện tích 6,1 ha tại Bắc Từ Liêm. Tuy nhiên, dự án Helianthus Center Red River tại Đông Anh đang vướng phải những “lùm xùm” và trong quá trình chờ kết luận của cơ quan điều tra nên việc triển khai và thực hiện dự án này vẫn chưa biết tương lai ra sao.
Trong một diễn biến khác, quý 3/2021, Vimedimex đã vay 360,4 tỉ đồng (trong hạn mức 98,25 triệu USD) từ VPBank để thanh toán các chi phí thực hiện nhập khẩu vaccine phòng Covid-19.
Khoản vay nêu trên phát sinh từ hợp đồng cho vay được ký kết ngày 21/9/2021 giữa Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và CTCP Y Dược phẩm Vimedimex (Mã CK: VMD), có tổng hạn mức tín dụng là 98,25 triệu USD.
VMD cho biết, mục đích vay nhằm thanh toán các chi phí thực hiện nhập khẩu vaccine Hayat – Vax và Sputnik – V phòng Covid-19. Khoản vay này được đảm bảo bằng bất động sản của VMD tại địa chỉ 246 Cống Quỳnh, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, Tp. HCM.