Thời gian vừa qua, Công ty cổ phần Tập đoàn Apec Group (Apec Group) được cho là doanh nghiệp hoạt động sôi nổi trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng của công ty.
Gần đây, Apec Group liên tục công bố các thông tin phát hành thành công một số mã trái phiếu như: APGCH2225005, phát hành ngày 29/3/2022, kỳ hạn 2 năm, huy động gần 35 tỷ đồng; APGCH2122010, phát hành ngày 10/1/2022, kỳ hạn 1 năm, huy động gẩn 26 tỷ đồng; APGCH 2106012, phát hành ngày 10/1/2022, kỳ hạn 6 năm, huy động hơn 7 tỷ đồng…
Mặc dù liên tục phát hành, chào bán, giới thiệu rầm rộ các gói trái phiếu trên thị trường nhưng trái phiếu Apec Group không thu hút nhà đầu tư khi nhiều lô trái phiếu “ế ẩm”, không có nhà đầu tư tham gia, không huy động được số tiền như dự kiến, giá trị phát thành công hành lẻ tẻ, chỉ từ vài tỷ đến vài chục tỷ, thậm chí dưới 1 tỷ đồng.
Được biết, đầu năm 2018, Apec Group bắt đầu huy động nguồn vốn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Từ sản phẩm trái phiếu Abond lãi suất 8%/năm đến trái phiếu Ibond lãi suất 13%/năm. Thậm chí cuối năm 2020, doanh nghiệp gây “sốc” khi chào bán trái phiếu với lãi suất lên đến 18%/năm, cao bậc nhất thị trường và cao gấp đôi lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, nhóm trái phiếu có mặc bằng lãi suất cao nhất thời điểm đó.
Theo kế hoạch, Apec muốn huy động 3.000 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Kết quả công bố sau đó cho thấy, kế hoạch huy động 3.000 tỷ đồng của Apec Group không thành công, doanh nghiệp chỉ huy động động vỏn vẹn hơn 8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lô trái phiếu này sau đó đã bị UBCKNN ra quyết định xử phạt 600 triệu đồng và buộc thu hồi do phát hành không đúng quy định.
Không dừng lại ở đó, sau khi bị xử phạt, Apec Group vẫn dồn dập phát hành trái phiếu huy động vốn, lãi suất đã hạ xuống đáng kể so với con số 18% nói trên, tuy nhiên vẫn ở trong Top cao nhất thị trường với mức lãi suất 13%/năm. Phía Apec Group cũng cho biết, lãi suất trái phiếu do công ty này phát hành ổn định trong thời gian từ 1-5 năm và cao hơn so với kênh ngân hàng truyền thống.
Có thể thấy, mặc dù lãi suất trái phiếu APEC Group khá cao, thậm chí dẫn đầu nhóm trái phiếu bất động sản về lãi suất huy động trên thị trường hiện nay. Thế nhưng trái phiếu Apec Group cũng mang nhiều tai tiếng khi bị xử phạt vi phạm trong phát hành trái phiếu, phát hành “chui” trái phiếu doanh nghiệp, nhiều lô trái phiếu Apec được đánh giá mức độ rủi ro cao khi phát hành không có tài sản đảm bảo, thậm chí có những mã trái phiếu phát hành ra thị trường nhưng không có nhà đầu tư tham gia…
Được biết, Công ty Cổ phần Tập đoàn Apec Goup được thành lập ngày 24/11/2017, tiền thân là CTCP BG Group. Hiện đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại Grand Plaza, số 117 Trần Duy Hưng, Hà Nội.
Các công ty trong “hệ sinh thái” của Apec Group bao gồm: Công ty CP Đầu tư châu Á – Thái Bình Dương (Mã CK: API), Công ty Cổ phần Chứng khoán châu Á Thái Bình Dương, Công ty cổ phần Đầu tư Apec Group Việt Nam, Công ty CP Apec Land Huế,…
Trên thị trường bất động sản, Tập đoàn Apec Group gây chú ý với nhiều dự án lớn. Hiện doanh nghiệp đang triển khai loạt dự án như: Apec Mandala Wyndham Mũi Né, Apec Diamond Park Lạng Sơn, Apec Golden Palace Lạng Sơn, Apec Mandala Wyndham Huế, Apec Mandala Wyndham Phú Yên, Apec Mandala Wyndham Hải Dương, Apec Mandala Sky Villas Kim Bôi, Apec Aqua Park Bắc Giang, Apec Golden Valley Mường Lò, Apec Aqua Park Bắc Giang, Điềm Thuỵ Center Point, Cụm công nghiệp Apec Đa Hội, Apec Dubai Ninh Thuận.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang chuẩn bị triển khai các dự án Apec Mandala Wyndham Thái Nguyên, Apec Cao bằng, Apec Sầm Sơn Thanh Hoá.
Liên quan đến vấn đề phát hành trái phiếu tại các doanh nghiệp, theo đánh giá của Bộ Tài chính, sau 1 năm triển khai các quy định mới về phát hành TPDN tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các Nghị định hướng dẫn, trước tình hình thị trường vẫn phát sinh những rủi ro mới, quy định của pháp luật cần tiếp tục điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, khắc phục, loại bỏ những rủi ro mới phát sinh. Bộ Tài chính đã đánh giá, rà soát và xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP theo hướng tăng cường tính công khai, minh bạch, giảm thiểu các rủi ro phát sinh nhằm mục tiêu phát triển thị trường TPDN bền vững. Đồng thời kiến nghị Chính phủ, Quốc hội tiếp tục sửa Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp vào thời gian tới.
Đáng chú ý, một số chính sách đang đề xuất bao gồm: Thu hẹp quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm hạn chế việc chuyển nhượng vốn lòng vòng, gây thiếu minh bạch và khó khăn cho nhà đầu tư khi đánh giá rủi ro của trái phiếu và doanh nghiệp phát hành; Hướng dẫn cụ thể về điều kiện phát hành và hồ sơ chào bán trong đó có yêu cầu về tỷ lệ an toàn tài chính khi phát hành trái phiếu, tổ chức đại diện người sở hữu trái phiếu; Quy định rõ loại trái phiếu nhà đầu tư cá nhân được mua và giao dịch nhằm định hướng nhà đầu tư các nhân mua các TPDN có tính an toàn và công khai, minh bạch hơn; Bổ sung các quy định để đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và Bổ sung quy định về trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ nhằm chấn chỉnh các tổ chức cung cấp dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp. Dự thảo Nghị định đã lấy ý kiến rộng rãi qua cổng thông tin điện tử Chính phủ, cổng thông tin của Bộ Tài chính, ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, ý kiến bằng văn bản và đối thoại trực tiếp với thành viên thị trường. Hiện nay, Nghị định đang được hoàn thiện để gửi Bộ Tư pháp thẩm định trình Chính phủ ban hành.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý giám sát, thanh, kiểm tra các hoạt động liên quan đến phát hành, cung cấp dịch vụ về TPDN của các công ty chứng khoán, doanh nghiệp phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ để phát hiện và xử lý nghiệm các hành vi vi phạm, tăng cường tính minh bạch của thị trường để đảm bảo thị trường TPDN trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả cho doanh nghiệp.