Ngạt ngào trà hoa bưởi
Trà ướp hoa bưởi cũng là dòng trà ướp hoa truyền thống khá phổ biến của người Việt, mang một hương thơm nồng nàn quyến rũ, đặc trưng cho mùa xuân. Vì vậy khi thưởng thức trà mang đến cho người thưởng nhiều xúc cảm khác nhau.
Hoa bưởi có 2 mùa duy nhất và cũng đúng vào hai tuần trăng đẹp nhất trong năm. Vụ đầu tiên là mùa Xuân từ tháng giêng đến hết tháng ba âm lịch, vụ còn lại là từ tháng bảy âm đến đến hết rằm tháng tám âm lịch. Đây cũng là thời điểm thích hợp để những người thợ trà bắt tay ướp trà hoa bưởi, một thức uống quen thuộc mà xuyến xao lòng người mỗi khi thưởng thức.
Hoa bưởi tốt nhất để ướp trà là hoa bưởi diễn cánh nhỏ, có hương thơm dịu nhẹ, thường được hái vào lúc ban mai, đây là lúc mùi hương hội tụ, thơm nhất. Sau khi chọn hoa chỉ tách lấy cánh để ướp với trà. Dòng trà được chọn thường là trà Tân Cương nõn tôm hay trà Shan tuyết cổ thụ đều cho hương tốt nhất. Ướp 1kg trà với 1kg cánh hoa, rải một lớp cánh hoa lại một lượt chè cho ngấm đều. Cứ 2 tiếng ta phải thông hoa một lần để cho hương ngấm đều trong từng cánh trà và giúp trà không bị đọng lại hơi ẩm. Mỗi tuần ướp trà khoảng 8 đến 10 tiếng là đủ độ ngấm hương rồi mới cho lên sao để trà khô. Khi sao phải đến tầm, giữ cho hương hoa ngấm đều và cánh trà săn lại như lúc đầu.
Nhấp chén trà cảm nhận một hương thơm nồng nàn quyến rũ, một thứ hương thơm đặc trưng của mùa xuân. Sự giao thoa hài hoà giữa trà và hoa mang đến cho người thưởng trà cảm giác xao xuyến nhẹ nhàng, thanh tao nhưng thi vị đến lạ kỳ.
Trà sen truyền thống
“Ướp sen cho thắm đượm hương trà
Nhấp chén tao phùng mở mộng ra
Thanh giọng vui tình thơ dõi lá
Ngát âm mừng bụng phú vương nhà”
Trà sen đã trở thành nét đặc trưng trong văn hóa trà Việt. Để làm được trà sen đòi hỏi sự khéo léo của các nghệ nhân làm trà từ những khâu nhỏ nhặt nhất đến khâu phức tạp đều phải đòi hỏi kĩ thuật cao.
Nguyên liệu phổ biến để làm trà sen chính là những phẩm trà xanh Tân Cương – Thái Nguyên. Ngày nay người ta cũng hay sử dụng trà xanh từ cây chè Shan tuyết cổ thụ của vùng núi phía Bắc, hương đồng bằng và vị núi rừng hòa quyện cùng với nhau tạo nên hương vị đậm đà khó quên
Về phần sen ướp trà phải là loại sen Bách Diệp có hàng trăm cánh sen úp lại. Hoa sen Bách Diệp sẽ được hái từ sáng sớm sau đó sẽ được tách phần gạo sen riêng ra để lấy nguyên liệu ướp. Sen Hồ Tây được đánh giá cao nhất bởi hình dáng to, nhiều cánh và lượng gạo trong sen nhiều hơn so với sen vùng khác. Do vậy mà tạo nên hương vị thanh tao, dịu nhẹ, tinh khiết phù hợp với nhiều đối tượng, phong cách thưởng trà khác nhau. Hoa sen phải hái trước lúc bình minh, bông hoa còn đẫm sương, việc chọn hoa cũng phải cẩn thận chăm chút thì khi ướp mới cho ra những búp trà thơm ngon đúng chất. Sau khi đã chọn được hoa, tách lớp hoa lấy phần gạo rồi rải đều, cứ một lớp trà một lớp gạo sen. Cứ thế ướp đi ướp lại từ 5-6 lần, mỗi lần ướp xong lại sấy khô rồi lại ướp tiếp. Loại trà dùng để ướp sen được người uống yêu thích đó trà xanh có thể là trà Thái Nguyên hoặc trà xanh cổ thụ giống trà của vùng phía bắc.
Công phu là thế nên trà sen sản lượng thường ít, giá thành cũng khá cao thường được dùng để tiếp khách quý vào các dịp lễ tết. Nhấp ngụm trà, nhắm mắt lại và tận hưởng hương vị đắng chát trên đầu lưỡi, sau cùng là ngọt thanh bất tận với hương thơm tuyệt diệu của trà sen. Chúng ta có thể thấy rằng văn hóa thưởng trà sen Hà Nội thật đẹp và đi vào tiềm thức của người Việt.
Trà hoa ngâu tinh tế
Hoa ngâu là loài hoa mà dân gian liên tưởng để ngợi ca lòng chung thủy, sắt son của con người. Mùa chính vụ hoa ngâu là tháng 4, lúc này hương ngâu phủ kín từ trong ngõ ra ngoài đường. Để tạo ra trà ướp ngâu đúng vị nhất thì phải chọn thời điểm hoa ngâu “mủi”, đó là khi chùm hoa ngâu vàng óng bắt đầu xuất hiện đốm nâu vàng. Sau khi thu hoạch hoa ngâu, đem phơi hoa dưới ánh nắng cho khô trên nong, hoặc sao hoa trong chảo nóng.
Hoa ngâu phơi khô có thể được sử dụng hãm lấy nước uống trà. Nhưng trà xanh ướp hoa ngâu mang đến một thức uống vô cùng tinh tế và tốt cho sức khỏe. Hoa ngâu được ướp với trà xanh Thái nguyên hoặc trà xanh Shan tuyết cổ thụ vùng Tây Bắc mang đậm hương vị đặc trưng cũng như làm tăng giá trị dược tính của trà. Cứ một lớp trà là đến một lớp hoa, cứ lần lượt cho đến khi hết số lượng trà và hoa cần ướp, đặc biệt cần chú ý lớp trên cùng là lớp trà giúp trà dễ thoát ẩm.
Nhấp chén trà hoa Ngâu có màu của trái cam chín tươi sáng, tỏa hương nồng ấm quyện với vị trà chát dịu. Trà ướp hoa ngâu thể hiện được sự tinh túy của hương ngâu thơm mát, vị cay nhẹ, ngọt ngào khi được kết hợp cùng hương vị chè xanh thanh tao. Trà hoa ngâu rất tốt cho sức khỏe trong việc làm giảm mỡ máu, với những người cao huyết áp, dùng trà này thường xuyên rất có lợi cho cơ thể.
Trà ướp hoa mộc
Trà hoa mộc là loại trà ướp hương tự nhiên đắt đỏ chỉ sau trà sen. Hoa mộc ra hoa rải rác quanh năm nhưng chủ yếu vào mùa thu. Lúc này cũng là thời điểm mà người ta làm trà ướp hoa mộc.
Công đoạn để cho ra một mẻ trà ướp hoa mộc khá tỉ mỉ và công phu. Không phải loại trà nào cũng có thể được ướp với hoa mộc, bởi dòng hoa này khá kén chọn, hoa mộc có mùi hương nhẹ nhàng đặc biệt nên nếu sử dụng dòng trà có mùi hương mạnh sẽ làm át đi hương thơm vốn có của hoa mộc.
Trà ướp hoa thường được chọn là dòng trà Shan tuyết có nhiều mao trắng, lá dày để lưu giữ hương thơm hoa mộc tốt nhất. Chọn những bông hoa mộc mới chớm nở, cánh xòe tinh khôi dưới ánh nắng sớm, lúc này hoa còn giữ được mùi hương quyến rũ nhất. Người ta cũng thường sử dụng trà xanh Thái Nguyên để ướp lẫn hoa mộc để lưu giữ hương thơm mộc mạc, mà lắng đọng của hai nguyên liệu này.
Trong quá trình sao trà, cần chú ý đến nhiệt độ vừa phải để trà hấp thụ hết hương hoa. Bên cạnh đó để tăng thêm vị cho trà, nhiều người cũng ướp thêm các vị thuốc đông y như cam thảo, quế chi, đại hồi, tiểu hồi, phá cố. Mẻ trà ướp hoa đạt chuẩn khi uống có hương thơm nhẹ như mùi hoa quả, uống xong dư vị còn đọng mãi trong cổ họng.
Trà hoa sói dịu nhẹ
Hoa sói có màu vàng nhạt nhỏ li ti và thường được gọi là Chu lan hoa. Đây là dòng cây thân thảo và nhiều cành nhánh, lá của hoa sói giống như lá trà xanh nhưng bản to hơn và màu lá nhạt hơn cùng răng cưa xung quanh.
Thời điểm thu hoạch hoa sói chín đạt nhất là vào tháng 3 đến tháng 4 hàng năm. Hoa cần được ướp ngay sau khi thu hoạch, nếu để quá thời gian hoa sẽ bị héo và mất đi hương thơm tự nhiên vốn có của nó. Sau khi thu hoạch hoa sói về người ta làm sạch và chuẩn bị ướp trà. Muốn có trà ngon kết hợp đúng vị với hoa sói, người ta phải ướp từ những loại trà khô như là trà mộc, trà xanh hay trà Ô long có màu nâu sẫm.
Các dòng trà xanh được trồng ở vùng trung du hay trà xanh Shan tuyết tại vùng núi Tây Bắc đều hấp thụ tinh dầu hoa sói tốt nhất, phù hợp để ướp cùng hoa sói. Từ lâu, người Thái Nguyên đã sử dụng các nguyên liệu này để ướp hương cho các sản phẩm chè xanh, tạo nên những phẩm trà đặc trưng mà tinh tế.
Trà ướp hoa sói hương lúc mạnh mẽ, lúc đằm thắm, trà khi trên đầu lưỡi thì có vị chát nhẹ, xuống cổ rồi thì ngọt dịu. Trà xanh và hoa sói cả hai hòa quyện lại tạo nên hương vị đặc sắc, làm say lòng biết bao khách thưởng trà.
Thư Trà (t/h)