Phòng chống bệnh tật
Khi trời trở lạnh, không thức uống nào ngon miệng và thích hợp hơn một tách trà nóng. Không chỉ giúp bạn cảm thấy ấm bụng, tách trà ấm nóng còn chứa nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe, giúp bạn vượt qua những ngày giá lạnh một cách sảng khoái nhất.
Giảm stress
Trà và cà phê nóng đều là những thức uống dễ chịu khi trời lạnh, nhưng quá nhiều caffeine trong cà phê sẽ dẫn đến tình trạng lo âu, căng thẳng và khó ngủ. Trong khi đó, trà, nhất là trà xanh có thể giúp bạn điều hòa tâm trí, giảm mệt mỏi.
Theo chuyên gia dinh dưỡng tại Balance One Supp Supplement, trà chứa nhiều chất chống oxy hóa và các hợp chất thực vật hoạt động trong cơ thể để giảm và đảo ngược căng thẳng do oxy hóa.
Trà xanh là loại trà đứng đầu trong việc giảm stress. Tuy nhiên vì chứa nhiều caffein nên trà xanh có thể khiến bạn bị mất ngủ và stress nặng hơn nếu uống quá thường xuyên.
Giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính
Trong nước trà chứa nhiều chất chống oxy hoá, có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim, đột quỵ và thậm chí là ung thư.
Các chất chống oxy hoá còn ngăn ngừa những dấu hiệu lão hoá trên cơ thể. Vì vậy trà thường được sử dụng để làm đẹp da và thanh lọc cơ thể.
Giảm cân
Trà là một thức uống tự nhiên và ít calo. Thông thường, trong một tách trà chỉ chứa khoảng 2 calo. Vì vậy, việc uống trà sẽ không khiến bạn tăng cân ngoài ý muốn. Uống trà xanh thường xuyên đã được chứng minh là có thể ngăn chặn sự thèm ăn và làm tăng sự trao đổi chất, giúp bạn giữ vững vóc dáng như mơ.
Giúp các cơ quan hoạt động khỏe mạnh
Trà hay nước lọc đều có công dụng duy trì nhiệt độ cơ thể, vận chuyển các chất dinh dưỡng, bôi trơn các khớp xương, giúp gan, thận thải độc… Do đó tình trạng thiếu nước sẽ khiến các chức năng này bị cản trở và có thể dẫn đến những ảnh hưởng lâu dài.
Giữ da tươi sáng
Những cơn gió khô có xu hướng làm da khô, bong tróc và nứt nẻ. Để giúp cơ thể đối phó với sự thất thoát nước và ngăn ngừa khô da, việc hấp thu nước theo đúng quy tắc hằng ngày (2 lít cho nữ và 2,5 lít cho nam) là việc cần thiết. Bổ sung lượng nước cho da trong những ngày lạnh có thể giúp làn da của bạn trở nên tươi mới và khỏe mạnh.
Tốt cho răng miệng
Trà đã được chứng minh là có tác động tốt đến sức khỏe răng miệng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất polyphenol trong trà có thể ức chế sự tăng trưởng của vi khuẩn trong miệng, ngăn ngừa sự tích tụ mảng bám, giúp răng chắc khỏe và đem lại hơi thở thơm tho.
Giúp kiểm soát lượng đường trong máu
Trà đặc biệt là trà đen có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và giúp kiểm soát lượng đường trong máu của bạn.
Giúp giảm viêm hiệu quả
Theo chuyên gia dinh dưỡng của Oregon, việc uống trà mỗi ngày giúp giảm viêm trong cơ thể bạn nhờ các chất chống oxy hóa có trong hầu hết các loại trà, đặc biệt là trà xanh.
Giúp xương chắc khoẻ
Uống trà hàng ngày cũng giúp kích thích sự hình thành và phát triển của xương. Một số thành phần của trà có thể giúp kích thích hình thành các tế bào xương mới chắc khoẻ hơn.
Một số lưu ý khi uống trà
Trà rất tốt cho sức khoẻ, nhưng ngoài các tác dụng tốt đó, nếu uống trà không đúng cách thì lại gây hại, vì thế, khi uống trà cần tránh những điều sau:
- Đun hoặc hãm trà ở nhiệt độ cao: Khi đó, chất tanin trong trà bị hòa tan trong nước nhiều, chất dầu thơm bị bốc hơi, đồng thời vitamin C, cũng như các dưỡng chất khác bị phân hủy, gây hại cho sức khỏe. Nước pha trà chỉ nên khoảng 80 độ C. Nhiều người có sở thích uống một chén trà nóng, mà không biết rằng nhiệt độ quá cao của trà có liên quan đến nguy cơ ung thư thực quản. Ngược lại, bạn không nên để trà đã nguội lạnh rồi mới uống, dễ gây lạnh bụng.
- Uống trà đặc: Trà đặc đồng nghĩa với lượng tanin rất cao. Khi thường xuyên nạp tanin với lượng lớn sẽ dẫn tới thiếu vitamin B, làm co thắt niêm mạc dạ dày, gây kết tủa protein, ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa. Trà đặc còn làm giảm khả năng hấp thụ chất sắt trong thức ăn, lâu ngày dẫn đến bệnh thiếu máu. Trà đặc giàu caffeine còn gây đau đầu và mất ngủ.
- Uống trà lúc đói: Sẽ làm loãng dịch vị, giảm thấp chức năng tiêu hóa, dễ gây viêm dạ dày. Hơn nữa, trong khi dạ dày trống rỗng, nếu uống trà, chất chát trong trà sẽ đi vào tạng phế và làm lạnh tì, vị.
- Uống trà trước và ngay sau bữa ăn: Protein và chất sắt trong thức ăn gặp acid tanna sẽ kết tủa, gây khó tiêu, giảm thấp khả năng hấp thụ protein và chất sắt. Lý do này mà trước và sau bữa ăn 20 - 30 phút không nên uống trà.
- Uống nước trà để lâu: Để lâu, lượng caffeine và tanin trong nước trà tăng lên, tác dụng kích thích cao, gây khó chịu và không tốt với người bị bệnh gout và bệnh tăng acid uric. Trà ngâm quá lâu còn tiết ra polyphenyles tạo ra quá trình oxy hóa tự nhiên, làm giảm hàm lượng dưỡng chất có trong trà. Không những thế, nếu trà hãm trong nước ấm quá lâu còn làm tăng số lượng vi sinh vật (vi khuẩn và nấm), dễ sinh bệnh cho con người.
-Dùng nước trà để uống thuốc: Trong trà có nhiều dưỡng chất, đặc biệt là chất tannin khi kết hợp với các dược chất sẽ xảy ra phản ứng hóa học, làm cho thuốc kém hiệu quả và khó hấp thu.
Hoài An (t/h)