Loại trà
Chúng ta có thể mua được vô vàn loại trà khác nhau, từ trà đắng, trà shan tuyết cho tới trà hoa lài, Ô long,.. Nếu là người sành trà, bạn sẽ nhận ra rằng mỗi loại trà lại đem đến một hương vị khác nhau. Chính vì thế mới có trà đắt trà rẻ, trà dùng để biếu, trà dùng tự pha.
Nổi bật nhất là trà shan tuyết và trà sen, hai loại trà dược mệnh danh là trà ngon nhất Việt Nam. Shan tuyết làm người uống phải bùi ngùi, nhớ thương bởi lớp lông tơ mềm như tuyết trắng, mùi thơm tự nhiên, vị trà đậm, màu nước vàng nhạt, đặc biệt là hương vị phóng khoáng của núi rừng Tây Bắc ẩn hiện trong từng ngụm chè. Trong khi ấy, trà sen lại quyến rũ người dùng bởi làn hương thanh thoát, trong trẻo của những búp sen mới nở ngày hè sang. Chính vì hương vị ấy, mà hai loại trà này đã nổi danh khắp Việt Nam và để lại ấn tượng sâm đậm trong mắt bạn bè quốc tế. Đây là nhũng loại trà biếu quen thuộc trong mỗi dịp Tết đến xuân về.
Tuy nhiên, không phải cứ trà đắt là ngon. Tùy theo gu thưởng thức của từng người thì tỷ lệ bình chọn loại trà ngon lại có sự thay đổi. Ví dụ nếu ai thích trà tiền đắng hậu ngọt, lại tốt cho sức khỏe sản phụ thì nên dùng trà đắng, ai thích trà ngọt, trẻ nhỏ người già đều uống được thì nên dùng trà Ô long.
Cách pha
Trà ngon, nước phải trong xanh, ngửi như có hương cốm non, dư vị đọng mãi trong cổ. Thứ được nước, tức là pha nhiều lần nước vẫn còn màu thì kém hơn. Có những người đã trộn hạt cau khô, búp ổi… vào trà để bán. Còn thứ nước trà uống theo kiểu phương Tây, cho đường, sữa... vào uống thì chỉ đáp ứng được những ý thích nhất thời.
Muốn có chén trà ngon phải có trà khô ngon. Người Việt Nam ngày nay chủ yếu uống trà xanh sao chế bằng phương pháp thủ công, thường gọi là trà mộc. Trà móc câu là trà chỉ được hái đọt non nhất nên sau khi sao quăn lại giống như hình móc câu. Song, người sành trà lại bảo phải gọi là "trà mốc cau" mới đúng vì trà tròn cánh, trôi tay, có mốc trắng như mốc cây cau. Còn trà sao suốt là phương pháp sao trà bằng nhiệt, tách nước bằng tay với ngọn lửa liên tục, đều đặn trên chảo gang. Những thứ trà thơm ngon đều được gọi chung là chè Thái nhưng thực ra, trà bán ở thị trường hiện nay có từ rất nhiều nguồn.
Trà ướp hoa là hội tụ đỉnh cao của cái tinh tế, phong cách tao nhã, thanh lịch và sành điệu của người Tràng An. Trong đó, hoa sen là thứ hoa thông dụng nhất mà cũng quý nhất, ướp trà ngon nhất. Ðiều này được nhà sư Hạnh Châu ở chùa Vân Trì lý giải ''bởi quan niệm về hoa sen trong đạo Phật của người Á Ðông. Hoa sen vốn dĩ là thứ hoa rất thanh cao mọc lên từ bùn lầy, điều đó tương tự như chữ Danh mà người quân tử rất coi trọng vậy''. Hương hoa sen là những gì tinh tuý của trời đất tụ lại. Vì vậy, trà ướp sen là vật phẩm quý giá, xưa kia chỉ dành cho những hàng vương tôn công tử và những gia đình quyền quý.
Còn theo Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791) thì "Cây sen hoa mọc từ dưới bùn đen mà không ô nhiễm mùi bùn, được khí thơm trong của trời đất nên củ sen, hoa sen, tua, lá... đều là những vị thuốc hay".
Nghệ nhân Trường Xuân (Hiên trà quán - đường 180 Yên phụ) tiết lộ: ''Muốn có trà ngon, chỉ hái những búp trà loại ''một tôm hai lá'' và phải hái nhanh, nhẹ nhàng, không để búp bị nhàu nát. Loại trà ngon là sau khi sao phải còn lại một lượng nước nhất định từ 5-7%. Trà hái xong không ướp hương ngay mà phải để trong chum đất, trên ủ lá chuối, để từ 2-3 năm nhằm làm giảm độ chát và để cánh trà phồng lên hút được nhiều hương. Một cân trà ướp hương sen cần có 800-1000 bông sen, mà phải đúng loại sen ở đầm Ðồng Trị, Thuỷ Sứ, làng Quảng Bá, Hồ Tây (sen ở đây to và thơm hơn sen những nơi khác). Có lẽ do Hồ Tây được xem là chốn địa linh chăng?
Hoa sen phải hái trước lúc bình minh. Bông sen còn đẫm sương được tách lấy phần hạt gạo rồi rải đều, cứ một lớp trà một lớp gạo sen. Sau cùng phủ một lớp giấy bản. Ướp như vậy liên tục 5-6 lần, mỗi lần ướp xong lại sấy khô rồi mới ướp tiếp. Công phu là thế nên một ấm trà sen có thể uống hàng chục tuần trà. Nước trong rồi, hương sen còn ngan ngát.
Cụ Nguyễn Tuân ca ngợi kiểu ướp hương trà bằng cách bỏ trà mạn vào bông sen mới nở, buộc lại. Thực ra, cách chơi ngông đó của Cụ Nguyễn vừa rất cầu kỳ vừa không để trà được lâu (hay bị mốc) và hay bị mất hương, chỉ có thể dùng cho lượng trà rất ít và phải uống ngay.
Trà ướp cũng có cái ngon đặc biệt của nó nhưng các ''chân trà nhân'' thì bao giờ cũng chuộng trà đơn thuần hơn. Ðể bảo quản trà, trước hết phải để nơi khô ráo và thoáng mát. Còn theo các cụ sành trà, trà mạn phải để trong bình gốm hay sứ, mà phải là bình tối màu, sao cho hạn chế tối thiểu ánh sáng vào vì chính ánh sáng là thủ phạm làm giảm hương vị trà.
Thưởng trà
Trà có ngon đến mấy, mà người uống không biết cách thưởng thì cũng vô dụng. Vốn dĩ thưởng tràlà một nghệ thuật, đòi hỏi người uống phải có sự tinh tế và sự am tường về trà. Uống trà không thể uống nhanh, uống vội bởi như thế sẽ đánh mất vị ngon vốn có của trà. Chính vì thế mà từ xưa, các bậc hiền nhân quân tử vẫn thường uống trà vịnh thơ, đàm đạo đạo lý ở đời hay làm vài ván cờ vây.
Chén trà đầu tiên bao giờ cũng được chia làm 3 ngụm. Đầu tiên, bạn cần đưa chén trà lướt nhẹ qua mũi để hít hà hương thơm thanh khiết của trà, sau đó hãy uống 1 ngụm nhỏ để kiểm tra chất lượng trà. Đến chén thứ 2, bạn cần uống ngụm lớn để cảm nhận hết vị ngon của trà. Ngụm thứ 3 - ngụm cuối cùng, uống để cảm nhận dư vị của trà. Các chén sau bạn có thể thưởng thức tùy ý thích của mình.
Uống trà đúng không chỉ cần sự khoan thai trong hành động mà còn đòi hỏi sự tĩnh tâm ở trong lòng. Lòng có biến thì uống trà tự khắc không ngon bởi trà cần nhâm nhi từng chút một, chứ không đê mê say đắm ngay từ khúc dạo đầu. Thứ nước thanh khiết này càng uống càng ngấm, càng ngửi càng say. Chính vì thế không phải ai cũng có thể thành dân sành và mê trà đích thực.
Uống trà đừng vội trách trà không ngon. Đầu tiên hãy kiểm tra xem khẩu vị của mình có thực sự hợp với loại trà đang uống không. Tiếp đến phải kiểm trà cách pha, cách uống. Biết chọn trà, pha trà, thưởng trà là nghệ thuật tạo nên trà ngon không phải ai cũng học được. Chỉ có sự say mê trà qua năm tháng mới giúp bạn tích lũy được những điều đáng quý này.
Vũ Nghi