Nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu chè sang Trung Quốc một cách bền vững trong bối cảnh dịch Covid-19

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu toàn cầu, thì Trung Quốc với ưu thế là thị trường lớn của Việt Nam nên xuất khẩu chè sang thị trường này vẫn tăng trưởng khá tích cực. Tuy nhiên, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính mà ngày càng khắt khe hơn với hàng hoá nhập khẩu. Nếu không thay đổi, chè Việt sang thị trường 1,4 tỷ dân sẽ ngày càng khó.

Trung Quốc: thị trường rất lớn, rất tiềm năng trong xuất khẩu chè của Việt Nam 

Những năm qua, xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc liên tục phát triển và trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Từ năm 2020 đến nay, trong khi hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thì thị trường “sát sườn” Việt Nam là Trung Quốc càng thể hiện các ưu thế và duy trì mức tăng trưởng tốt.

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, trong 10 tháng của năm 2021, thương mại hai chiều giữa 2 nước đạt trên 186,5 tỷ USD, tăng 25% so với năm ngoái. Trong đó, nhập khẩu 112,8 tỷ USD và xuất khẩu hơn 7,3 tỷ USD. Trong 10 tháng qua, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam với vốn đăng ký gần 2,5 tỷ USD, xếp thứ 7 trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trung Quốc đang nhập khẩu khoảng 2,5 ngàn tỷ USD hàng hóa/năm, riêng nông sản nhập khoảng 180 tỷ USD/năm.

Về mặt hàng chè, năm 2020, Trung Quốc đứng thế 11 thế giới về nhập khẩu chè với hơn 43,3 triệu tấn, trị giá 180 triệu USD, chiếm 2,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của thế giới. Trong 9 tháng năm 2021, xuất khẩu chè của Việt Nam sang Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng khá ấn tượng, tăng mạnh 30,5% về lượng và tăng 43% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, đạt 7.709 tấn, tương đương 12,23 triệu USD; giá cũng tăng 9,7%, đạt 1.587 USD/tấn. 

Nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu chè sang Trung Quốc một cách bền vững trong bối cảnh dịch Covid-19  - Ảnh 1

Đáng chú ý, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chi phí vận chuyển hàng hóa đi các nước tăng rất cao, như đi châu Âu tăng gấp 10 lần, sang Mỹ tăng gấp 13 lần, nhưng với thị trường Trung Quốc, nhờ thuận lợi về mặt địa lý nên chi phí vận chuyển chỉ tăng khoảng 0,3 lần.

Mặt khác, Trung Quốc đã là bạn hàng quen với sản phẩm của Việt Nam. Với hơn 1,4 tỷ dân, sức mua và tiêu thụ hàng hóa, trong đó có nông, thủy sản của thị trường này là rất lớn và đa dạng. Do vậy, chúng ta có thể đẩy mạnh xuất khẩu chè sang thị trường này. 

Doanh nghiệp cần bỏ lối nghĩ Trung Quốc là thị trường "dễ tính"

Với khoảng cách vận chuyển ngắn và chi phí thấp, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có ưu thế nổi trội khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc thực sự vẫn thiếu tính bền vững. Nhiều doanh nghiệp, vẫn có quan niệm rằng, Trung Quốc là thị trường dễ tính nên giao thương chủ yếu bằng đường tiểu ngạch, dựa vào các điểm cửa khẩu thông quan chứ chưa đưa hàng hóa vào sâu nội địa. Vì thế mà hàng hoá chưa đáp ứng được hàng rào kỹ thuật, chưa tạo thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ bền vững.

Thời gian gần đây, quá trình thông quan xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản thời gian gặp khá nhiều bất lợi. Khi Trung Quốc liên tục tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Theo nhiều doanh nghiệp, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 nên lượng xe chở nông sản tồn đọng ở cửa khẩu rất lớn. Điều này gây ra nhiều thiệt hại cho các doanh nghiệp Việt vì phải tăng chi phí trong thời gian đợi thông quan. Đặc biệt, với mặt hàng chè, nếu bị tồn kho lâu sẽ ảnh hưởng tới mẫu mã và chất lượng chè.  

Nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu chè sang Trung Quốc một cách bền vững trong bối cảnh dịch Covid-19  - Ảnh 2

Vì vậy, xuất khẩu qua đường tiểu ngạch đang bộc lộ nhiều bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam khi đối diện với nguy cơ bị hủy hợp đồng, giá trị xuất khẩu không cao, đối tác đột ngột đóng cửa... Điều này đặt ra cho các doanh nghiệp Việt phải nâng chất cho sản phẩm và chuyển đổi nhận thức bởi xuất khẩu chính ngạch mới thực sự là hướng đi hiệu quả và bền vững. 

Chuyển đổi phương thức, hướng tới xuất khẩu bền vững

Những năm trước đây, Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông lâm thủy sản Việt Nam. Nhưng kể từ năm 2019 đến nay, thị trường này đã tụt xuống vị trí thứ hai. Lý do bên cạnh việc ngành nông nghiệp nước ta đang có sự chuyển hướng mạnh đến các thị trường chất lượng cao như Mỹ, EU, thì còn có nguyên nhân từ việc Trung Quốc ngày càng siết chặt hơn các quy định đối với nông sản Việt Nam.

Nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu chè sang Trung Quốc một cách bền vững trong bối cảnh dịch Covid-19  - Ảnh 3

Hơn nữa, do dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nên Trung Quốc tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa và phương tiện nhập cảnh, thực hiện lấy mẫu kiểm tra hàng hóa nhập khẩu được vận chuyển bằng container lạnh và cả container thông thường qua biên giới, dẫn đến kéo dài thời gian thông quan, gây ùn tắc tại cửa khẩu nhập khẩu, doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí. Thị trường này đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói… Ngoài ra, nông sản của Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước có sản phẩm xuất khẩu cùng loại như của Thái Lan, Indonesia và ngay cả sản phẩm cùng loại do chính Trung Quốc sản xuất.

Đặc biệt, từ đầu năm 2022, Trung Quốc sẽ ban hành nhiều quy định mới về nhập khẩu các mặt hàng nông, thủy sản. Riêng trong 10 tháng của năm 2021, Trung Quốc có tổng cộng 42 thông báo về những thay đổi về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật. Gần đây nhất, Bộ NN-PTNT, Ủy ban Y tế quốc gia và Tổng cục Quản lý giám sát thị trường Trung Quốc đã thống nhất ban hành Tiêu chuẩn mới GB2763-2021, quy định 10.092 mức giới hạn dư lượng tối đa, với 564 loại thuốc bảo vệ thực vật, trong danh mục 376 thực phẩm. Điều này cho thấy Trung Quốc đang dần thay đổi nhiều quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm với hàng nhập khẩu.

Hiện tại, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế đứng trong top đầu thế giới, nên phải siết chặt các điều kiện kinh doanh và các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây cũng là cơ hội, đồng thời gắn liền với thách thức mà các doanh nghiệp Việt đón bắt một cách nghiêm túc. Từ đó, xuất khẩu sang thị trường này với đầy đủ chứng chỉ, xuất xứ, điều kiện kinh doanh.

Có thể khẳng định, Trung Quốc không còn là thị trường xuất khẩu “dễ tính” nhưng vẫn là thị trường có sức mua lớn và là điểm đến xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, nhất là sau dịch COVID-19 vừa qua. Vì thế, để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp chè Việt Nam cần thay đổi nhận thức, cách tiếp cận trong việc xuất khẩu nông sản; đặc biệt, phải chuẩn bị tốt các điều kiện về vùng trồng, vùng nuôi, tăng cường các công tác thanh, kiểm tra, đồng thời chủ động nắm bắt thông tin, yêu cầu mới của thị trường Trung Quốc.

Nhưng hơn thế, doanh nghiệp còn còn phải hiểu cả thị trường, thế mạnh của những nước láng giềng đang xuất khẩu chè vào Trung Quốc như Ấn Độ, Sri Lanka. Và đặt mục tiêu cao hơn việc bán hàng là nâng cao giá trị nông sản Việt, giá trị của chè Việt và tuân thủ các quy định nhập khẩu của quốc gia này. Đây cũng là bước đệm để hình thành thị trường xuất khẩu chè chính ngạch thuận lợi giữa Việt Nam và Trung Quốc trong tương lai. 

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Hồng Anh