Nông nghiệp Việt Nam xuất siêu 6,3 tỷ USD

Trong 7 tháng qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thuỷ sản của nước ta ước đạt khoảng 58,3 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Bộ NN-PTNT, trong 7 tháng qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt khoảng 58,3 tỉ USD, tăng 7,2% so với 7 tháng năm 2021. Trong đó, xuất khẩu (XK) đạt khoảng 32,3 tỉ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước khoảng 26 tỉ USD, tăng 1,6%. Tính đến hết tháng 7/2022, toàn ngành xuất siêu gần 6,3 tỉ USD. Thủy sản nói chung và cá tra nói riêng chính là mặt hàng xuất siêu cao nhất.

7 tháng đầu năm, đã có 4 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD (cà phê, gạo, tôm, sản phẩm gỗ). 

Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ, như: xuất khẩu cà phê đạt trên 2,6 tỷ USD (tăng 46,2%); cao su đạt trên 1,6 tỷ USD (tăng 7%); gạo trên 2 tỷ USD (tăng 9%); hồ tiêu khoảng 661 triệu USD (tăng 11,7%); sắn và sản phẩm sắn đạt 904 triệu USD (tăng 32,1%); cá tra đạt khoảng 1,6 tỷ USD (tăng 83,6%); tôm đạt trên 2,7 tỷ USD (tăng 26,2%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 9,7 tỷ USD (tăng 1,2%); mây, tre, cói thảm đạt 538 triệu USD (tăng 3,1%); phân bón các loại đạt 848 triệu USD (gấp 3,2 lần).  

Nông nghiệp Việt Nam xuất siêu 6,3 tỷ USD - Ảnh 1

Những mặt hàng giảm gồm: nhóm hàng rau quả đạt trên 1,9 tỷ USD (giảm 16,1%), hạt điều ước đạt gần 1,8 tỷ USD (giảm 10,4%), sản phẩm chăn nuôi đạt 225,6 triệu USD (giảm 11,6%). Dù giá trị xuất khẩu nhóm gỗ và sản phẩm gỗ tăng 1,2% nhưng giá trị xuất khẩu của sản phẩm gỗ lại giảm 6,9% với giá trị trên 6,9 tỷ USD.

Bà Lê Hằng, Phó giám đốc Trung tâm VASEP.PRO (Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam), phân tích: Kim ngạch mặt hàng cá tra tăng cao là nhờ giá bán tăng mạnh. Hai thị trường Trung Quốc và Mỹ chiếm tới 55% cá tra XK của Việt Nam. Giá trung bình XK cá tra phi lê đông lạnh sang thị trường Trung Quốc trong nửa đầu năm nay là 2,45 USD/kg, tăng 37% so với mức 1,79 USD/kg cùng kỳ năm 2021. Thị trường Mỹ cũng đạt trung bình 4,66 USD/kg, tăng 60% so với 2,93 USD/kg cùng kỳ năm 2021. Giá trung bình XK cá tra phi lê sang các thị trường khác đều tăng từ 28 - 66%. Đặc biệt, lạm phát gia tăng kỷ lục ở Mỹ, giá thực phẩm tăng 20 - 30%, cá tra tăng 22% so với đầu năm ở chuỗi siêu thị bán lẻ.

Đây là một trong những yếu tố thúc đẩy giá cá tra nhập khẩu của Mỹ từ Việt Nam tăng mạnh. Đứng ngay sau Mỹ và Trung Quốc là Mexico và Thái Lan đều nhập khẩu cá tra tăng đột phá từ Việt Nam. Trong đó, cá tra Việt Nam XK sang Mexico tăng 81%, sang Thái Lan tăng 90%, Hà Lan tăng 74%, Canada tăng 109% và hầu hết các thị trường đều tăng trưởng từ 2 - 3 con số…

Đối với mặt hàng tôm, sau những tháng đầu năm tăng cao, XK mặt hàng này đã giảm tốc từ 2 tháng qua do thời tiết bất lợi, mưa sớm hơn so với mọi năm làm ảnh hưởng đến sản lượng thủy sản, gây ra dịch bệnh trên tôm nuôi khiến cho sản lượng tôm giảm, đồng thời nguồn hàng dự trữ từ năm ngoái cũng đã cạn dần. Tuy nhiên, lũy kế 7 tháng, XK tôm vẫn mang về 2,65 tỉ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Fimex Việt Nam, khẳng định: “Kim ngạch XK tôm năm nay sẽ cao hơn hẳn năm rồi, ít nhất 10%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Thành quả 6 tháng đầu năm sẽ là nền tảng để ngành tăng tốc. Năm nay, toàn ngành phấn đấu đạt sản lượng tôm thương phẩm 1 triệu tấn, mức phấn đấu này còn phụ thuộc thời tiết 6 tháng cuối năm, nhưng có căn cứ để đạt mốc này. Đó là chuỗi hợp tác nuôi mới giữa nhà cung ứng, ngân hàng, đại lý và người nuôi ngày càng thể hiện tích cực rõ nét hơn. Năm 2022 sẽ là một năm tiếp tục thành công của ngành tôm”.

Mặt hàng lúa gạo cũng đạt kỷ lục với kết quả XK 7 tháng đạt gần 4,2 triệu tấn, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó thị trường Mỹ tăng mạnh nhất với hơn 65%. Theo Bộ NN-PTNT, mặc dù XK của Việt Nam gặp cạnh tranh khá gay gắt nhưng sản phẩm của Việt Nam vẫn được ưa chuộng trên thị trường thế giới, kim ngạch XK đạt hơn 2 tỉ USD, tăng 20,5 về lượng và 9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là mức XK cao kỷ lục từ trước đến nay.

Mặc dù đã có giai đoạn bứt phá từ đầu năm nhưng XK thủy sản đã bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngành XK đồ gỗ cũng đang gặp khó khăn vì tình hình kinh tế thế giới ổn. Vài tháng gần đây, đơn hàng của các doanh nghiệp sụt giảm 50%.

Riêng ngành gỗ và lâm sản, tăng trưởng của những tháng đầu năm là nhờ 3 thị trường gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản do Việt Nam XK dăm gỗ và viên nén sang thị trường này. Lâu nay, Trung Quốc nhập khẩu chủ yếu dăm gỗ từ thị trường Brazil. Tuy nhiên, do chi phí xăng dầu tăng nên Trung Quốc chuyển nhập khẩu từ thị trường Việt Nam. Trong khi đó, các thị trường XK gỗ đi EU, Mỹ, Anh đều giảm, thậm chí có thị trường giảm tới 50%.

Theo ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Bình Dương, năm nay, khả năng tăng trưởng ngành gỗ khoảng vài phần trăm đã là rất tốt rồi, không thể đạt được con số 19% như năm ngoái. Bởi lẽ, dư địa cho ngành gỗ phát triển là rất khó, trừ khi có những đột biến về thị trường.

Ngành hàng cao su tăng trưởng gần 7% trong 7 tháng đầu năm, tuy nhiên Tập đoàn cao su Việt Nam nhận định: “Tình hình dịch bệnh, xung đột vũ trang khiến tốc độ tăng trưởng ở những nền kinh tế lớn trên thế giới suy giảm, tình hình tiêu thụ cao su thiên nhiên sẽ còn khó khăn rất nhiều”.

Trong bối cảnh này, những mặt hàng có khả năng “quật khởi” gồm có hồ tiêu, hạt điều. Giá hồ tiêu sau một thời gian bị đẩy xuống dưới mốc 70.000 đồng/kg do thiếu đi lực mua hỗ trợ đã bắt đầu khởi sắc trở lại. 

Hoài Anh