Nông sản Việt thích ứng tiêu chuẩn xuất khẩu mới

Để không bỏ lỡ thị trường lớn bậc nhất thế giới là Trung Quốc, nhiều ngành hàng sản xuất và chế biến nông sản, thực phẩm trong nước đang có bước chuyển mình mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng, giữ vững và mở rộng thị phần xuất khẩu. 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam với tổng giá trị xuất khẩu khoảng 6,5 tỷ USD, chiếm 17,8% thị phần. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng đầu của một số mặt hàng như: rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao-su, thủy sản... 

Từ đầu năm 2022, Trung Quốc chính thức thực hiện các yêu cầu, quy định mới đối với doanh nghiệp và các mặt hàng nông sản xuất khẩu vào thị trường này. Nhiều biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu sẽ được thực thi. Đó là, thay đổi trong hệ thống quản lý và giám sát an toàn thực phẩm với các thủ tục đánh giá rủi ro nhập khẩu mới; giám sát an toàn thực phẩm theo hệ thống quản lý và giám sát trên cơ sở thực hiện Lệnh 248, 249; các chính sách bảo đảm an toàn dịch bệnh trong bối cảnh dịch Covid-19 thông qua giám sát hệ thống quản lý phòng dịch Covid-19 tại cơ sở sản xuất, kiểm tra Covid-19 trên bao bì và phương tiện vận tải thực phẩm đông lạnh... Chính vì vậy, các quy trình sản xuất, chế biến, đóng gói, vận chuyển nông sản của Việt Nam đều cần được chuẩn hóa để phù hợp với yêu cầu từ phía Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp của Việt Nam cũng phải tuân thủ một loạt những quy định mới nếu muốn tiếp tục xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc.

Nông sản Việt thích ứng tiêu chuẩn xuất khẩu mới - Ảnh 1

Đối với mặt hàng rau quả và trái cây tươi, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ vô cùng rộng lớn. Thống kê cho thấy, hằng năm Trung Quốc tiêu thụ hơn 500 triệu tấn rau củ; 120-130 triệu tấn trái cây tươi; 30-35 triệu tấn trái cây qua chế biến (nước trái cây, trái cây đông lạnh); nhập khẩu khoảng 7 triệu tấn trái cây tươi từ thế giới, giá trị hơn 10 tỷ USD/năm. Riêng với sầu riêng và chanh leo, Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu lớn trong thời gian qua và tăng đều qua các năm.   

Về mặt hàng thủy sản, Trung Quốc là thị trường lớn, đa dạng vùng miền, phong tục, thói quen tiêu thụ thực phẩm.  Người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng quan tâm hơn đến các sản phẩm thủy sản tốt cho sức khỏe, không ô nhiễm và chất lượng cao. Dự kiến Trung Quốc sẽ tiêu thụ khoảng 36% tổng sản lượng toàn cầu vào năm 2028, với mức tiêu thụ bình quân đầu người đạt khoảng 44,3kg so với 39,3kg trong giai đoạn hiện nay. Do đó, các doanh nghiệp có thể tìm hiểu kỹ từng vùng, địa phương để khai thác nhu cầu ở từng phân khúc thị trường khác nhau. Trung Quốc hiện nay có 26 tỉnh, thành phố đang nhập khẩu thủy sản, có thể coi đây là 26 thị trường, giống như tiếp cận thị trường thành viên của EU. Chính sách, quy định của các địa phương ở Trung Quốc hiện không nhất quán, không theo thông lệ nhất định nên cần có khảo sát ở cấp độ thị trường địa phương để khai thác nhu cầu và gia tăng thị phần xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc.

Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về các vấn đề liên quan nhập khẩu nông sản, thực phẩm. Theo đó, hai lần sửa đổi Luật An toàn thực phẩm; ban hành Lệnh 248, 249; tăng cường thực thi pháp luật với chủ trương đưa hoạt động thương mại đi vào chính quy, nền nếp; tái cơ cấu bộ máy quản lý khi sáp nhập một phần chức năng nhiệm vụ của Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch quốc gia (AQSIQ) vào Tổng cục Hải quan. Ngoài ra, nước này còn đổi mới phương thức quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm tại biên giới và quản lý quy trình sản xuất nông sản tại cơ sở nuôi trồng hàng xuất khẩu thông qua việc kiểm tra giám sát cơ sở; đăng ký mã nhà xuất khẩu, nhà sản xuất; mã vạch truy xuất nguồn gốc; chứng nhận quy trình nuôi trồng VietGAP, GlobalGAP.

Bên cạnh đó, họ còn áp dụng các tiêu chuẩn môi trường đối với nông sản nhập khẩu trên cơ sở giám sát tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản, nguồn xả thải của các cơ sở chăn nuôi, chế biến nông sản,... Do đó, trước mắt, các địa phương, vùng trồng, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nhân rộng việc áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP). Về lâu dài, cần thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn để tận dụng các nguồn nguyên liệu của quá trình sản xuất giúp tăng hiệu quả kinh tế và giảm xả thải ra môi trường. Muốn làm được điều này thì cần giải quyết thách thức khi ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, đó là đòi hỏi sản xuất quy mô lớn và nguồn vốn lớn đầu tư vào công nghệ.

Bảo Anh