Trong danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) lớn nhất Việt Nam (gọi tắt là V.1000) năm 2022 vừa được Tổng cục Thuế công bố, VPBank đã có sự nhảy vọt đáng kể từ vị trí thứ 8 trong năm 2021 lên vị trí dẫn đầu cả nước trong năm 2022. Danh sách này điểm tên các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ viễn thông, sản xuất tới tài chính-ngân hàng như Viettel, Honda Việt Nam, Vietcombank, Agribank, BIDV, Samsung Việt Nam…
Trong năm 2022, tổng số thuế TNDN, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác VPBank nộp vào ngân sách nhà nước đạt hơn 6.400 tỷ đồng, tăng 94% so với năm 2021. Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp của ngân hàng tăng đột biến trong năm 2022 đến từ khoản tăng thu nhập đột biến từ hoạt động bảo hiểm, và số thuế thu nhập phải đóng từ thương vụ chuyển nhượng 50% cổ phần tại FE Credit cho nhà đầu tư. Sáu tháng đầu năm nay, VPBank đã nộp gần 3,6 nghìn tỷ đồng thuế TNDN. Tính chung 2 năm 2021-2022 và 6 tháng đầu năm 2023, ngân hàng đã nộp gần 13,3 nghìn tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước.
Số liệu thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy tổng số thuế TNDN đã nộp của các doanh nghiệp trong danh sách V.1000 (2022) chiếm 58,2% tổng thu ngân sách nhà nước về thuế TNDN, và bằng 85,1% so với số đã nộp của các doanh nghiệp trong danh sách công bố năm 2021. Qua 6 năm thực hiện (2016-2022), có 301 doanh nghiệp có 7 năm liên tiếp nằm trong danh sách V.1000, bao gồm VPBank.
Ngoài việc luôn là một trong những doanh nghiệp có đóng góp lớn nhất vào ngân sách nhà nước trong nhiều năm liên tiếp, VPBank còn là ngân hàng đi tiên phong trong hoạt động xã hội (CSR) nhằm lan tỏa mạnh mẽ các giá trị nhân văn tới cộng đồng và xã hội. Trong những năm gần đây, tổng số tiền dành cho hoạt động CSR của ngân hàng đạt khoảng gần 1.400 tỷ đồng.
Kết thúc quý 3, 2023, VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế tại ngân hàng mẹ đạt gần 11 nghìn tỷ đồng. Điểm nhấn trong quý 3 đến từ dư nợ tín dụng tại ngân hàng mẹ tăng trưởng an toàn, có chọn lọc – hậu thuẫn bởi thanh khoản dồi dào và nền tảng vốn vững chắc.
PV