Cuối tháng 9/2022, Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (Hose) thông báo về việc nhận hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của Công ty cổ phần Tập đoàn Nova Consumer (Nova Consumer). Nova Consumer sẽ đăng ký niêm yết gần 119,8 triệu cổ phiếu trên sàn HOSE với mã chứng khoán NCG.
Nova Consumer – doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, là thành viên của Tập đoàn Đầu tư và Phát triển kinh tế NovaGroup và cũng thuộc hệ sinh thái Nova Land.
Giới thiệu trên website của mình, Nova Consumer cho biết, công ty chuyên cung cấp giải pháp tối ưu và toàn diện cho người chăn nuôi bao gồm thuốc thú y, vaccine, thức ăn gia súc, con giống và các giải pháp chăn nuôi kỹ thuật cao. Bên cạnh đó, từ năm 2020, tập đoàn có định hướng mở rộng sang lĩnh vực sản xuất và phân phối thực phẩm để khép kín chuỗi giá trị từ trang trại đến bàn ăn (mô hình 3F, Feed – Farm – Food).
Nova Consumer cho biết, mình có 11 công ty con (trực tiếp và gián tiếp) và 3 công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 2 công ty trong lĩnh vực vaccine và 4 công ty chuyên về sức khỏe vật nuôi với 2 nhà máy sản xuất thuốc thú y được đầu tư trang thiết bị hiện đại, dây chuyền sản xuất tự động và đạt tiêu chuẩn WHO-GMP. Trong mảng thức ăn chăn nuôi, doanh nghiệp có 3 nhà máy với tổng công suất 730.000 tấn mỗi năm. Công ty cũng có 7 trang trại heo, bò, gà ở nhiều tỉnh tại Việt Nam.
Trước đó, hồi đầu năm 2022, Nova Consumer đã tổ chức thành công phiên IPO với giá 44.000 đồng/CP. Nova cho biết nhà đầu tư thông qua đợt IPO có thể đạt mức lợi nhuận tiềm năng dao động từ 22% đến 30%.
Hiện tại, lịch niêm yết cổ phiếu NCG của Nova Consumer chưa được công bố nhưng với việc công ty đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết, ngày đó có lẽ sẽ không còn xa.
Thế nhưng, điều đáng chú ý nhất lại là việc trước thềm niêm yết, Nova Consumer đẩy mạnh bán tài sản để giúp lợi nhuận không bị tăng trưởng âm. Đây cũng là cách Nova Consumer đã làm trước thềm IPO.
Trước thềm niêm yết, báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2022 với nhiều chỉ tiêu của Nova Consumer đã được công bố.
Cụ thể, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 6 tháng đầu năm 2022 của Nova Consumer tăng từ 1.888 tỷ đồng lên 2.232 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 7 tỷ đồng, tương đương 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái lên 185 tỷ đồng.
Thế nhưng, đà tăng trưởng dương của lợi nhuận sau thuế, Nova Consumer chủ yếu đến từ doanh thu hoạt động tài chính. Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tại Nova Consumer lên đến 197 tỷ đồng, tăng 102 tỷ đồng, tương đương 107% so với 6 tháng đầu năm 2020.
Trong đó, lãi từ bán công ty liên kết chiếm tỷ trọng lớn nhất, lên đến 89,8% (tương đương 177 tỷ đồng). Trong kỳ, Nova Consumer đã có hai lần thoái vốn tại Công ty cổ phần Nova Thabico.
Lần đầu diễn ra vào ngày 22/3/2022. Thời điểm đó, Nova Consumer đã bán 0,9% vốn góp tại Nova Thabico với tổng giá chuyển nhượng là 450 tỷ đồng.
Tới ngày 31/5/2022, Nova Consumer bán toàn bộ vốn góp tại Nova Thabico với giá trị chuyển nhượng gần 202 tỷ đồng. Khoản lãi 177 tỷ đồng là chênh lệch giữa tổng giá chuyển nhượng và giá trị ghi sổ của khoản đầu tư. Nếu không có nguồn tiền từ việc thoái vốn này, lợi nhuận của Nova Consumer sẽ giảm rất sâu.
Như vậy, sau hai đợt, Nova Consumer đã thu về 650 tỷ đồng từ hoạt động thoái vốn khỏi Nova Thabico. Thế nhưng, đáng nhấn mạnh hơn cả lại là quy mô vốn và thời gian hoạt động của Nova Thabico thua xa số tiền mà Nova Consumer nhận được.
Nova Thabico thành lập ngày 14/10/2020. Nghĩa là ở thời điểm hoạt động, công ty mới có hơn 1,5 năm tuổi. Vốn điều lệ của công ty là 50 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm: Công ty cổ phần Anova (sở hữu 50% vốn, tương đương 25 tỷ đồng), Công ty cổ phần công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang (sở hữu 49% cổ phần, tương đương 24,5 tỷ đồng) và ông Bùi Phan Phúc Lộc (sở hữu 1% vốn, tương đương 500 triệu đồng). Có thể thấy, Nova Consumer không phải cổ đông sáng lập của Nova Thabico.
Năm 2021, trước thềm IPO, Nova Consumer cũng thực hiện động thái bán tài sản. Nhờ đó, bức tranh tài chính trở nên “đẹp hơn”. Và ở thời điểm đó, Nova Consumer không chỉ bán cổ phần tại một công ty mà ở rất nhiều công ty.
Cụ thể, năm 2021, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ tại Nova Consumer tăng nhẹ từ 3.329 tỷ đồng lên 3.702 tỷ đồng. Thế nhưng, do giá vốn cao nên lợi nhuận gộp của công ty giảm 164 tỷ đồng, tương đương 24,4% xuống 507 tỷ đồng.
Bất ngờ là lợi nhuận sau thuế năm 2021 của Nova Consumer vẫn lên tới 318 tỷ đồng, tăng 133 tỷ đồng, tương đương 71,9% so với năm 2020.
Có được thành tích này là do doanh thu hoạt động tài chính. Doanh thu hoạt động tài chính năm 2021 của Nova Consumer đạt 293 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 64,4 tỷ đồng của năm 2020.
Trong đó, có tới 178 tỷ đồng thoái vốn từ công ty liên quan, chiếm 60,8% tổng doanh thu tài chính. Nếu không có doanh thu tài chính, lợi nhuận sau thuế của Nova Consumer sẽ giảm rất sâu. Danh sách các đơn vị mà Nova Consumer thoái vốn bao gồm: Anova Port Industrial, Anova Port Zone, Anova Trade, Anova Safe Food, La Ngà.