Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến ngày 15/7, Việt Nam xuất khẩu 68.736 tấn chè, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.718 USD/tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu chè lũy kế đến ngày 15/7 đạt 118,1 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.
Nửa đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu chè sang 18 thị trường. Pakistan là thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam với 16.072 tấn, tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước lại ghi nhận giảm 13% về lượng. Đây cũng là thị trường duy nhất đạt lượng xuất khẩu trên 10.000 tấn chè.
Đài Loan (Trung Quốc) là thị trường xuất khẩu chè lớn thứ hai với 6.762 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc là thị trường lớn thứ ba với 6.304 tấn, tăng tới 207% so với cùng kỳ năm trước về lượng.
Các thị trường lớn khác còn bao gồm Mỹ với 4.053 tấn, tăng 62% so với cùng kỳ năm trước; Indonesia với 4.831 tấn, tăng 69% so với cùng kỳ năm trước...
Trong khối ASEAN, ngoài Indonesia, Việt Nam còn xuất khẩu chè sang Malaysia với 2.862 tấn, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước; Philippines với 362 tấn, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước.
Về kim ngạch, giá trị xuất khẩu chè sang Pakistan có mức cao nhất với 33,6 triệu USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc) với 11,3 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.
Ở mức dưới 10 triệu USD, chè xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 9,3 triệu USD, tăng tới 86% so với cùng kỳ năm trước; Nga với 5,8 triệu USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước; Mỹ với 5,7 triệu USD, tăng 83% so với cùng kỳ năm trước; Indonesia với 5 triệu USD, tăng 86% so với cùng kỳ năm trước....
Trong khối ASEAN, Việt Nam xuất khẩu chè sang Malaysia thu về 2 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước; Philippines với 0,9 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước..
Về giá, Đức là thị trường có giá xuất khẩu chè bình quân cao nhất với 5.360 USD/tấn, tiếp đến là Philippines với 2.651 USD/tấn, Ả ập Xê út với 2.608 USD/tấn...
Theo Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas), nhìn chung giá xuất khẩu trung bình của mặt hàng chè sang phần lớn thị trường dao động quanh mức 1.300 – 1.600 USD/tấn. Tuy nhiên Việt Nam vẫn ghi nhận một số thị trường có giá xuất khẩu trung bình cao hơn hẳn so với các thị trường khác.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra mục tiêu phát triển ngành chè bền vững, theo hướng hiện đại, đồng bộ, sản xuất hàng hóa, các sản phẩm đa dạng có chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và kinh doanh. Mục tiêu đến năm 2030, diện tích trồng chè của Việt Nam đạt từ 135 đến 140 nghìn ha; phấn đấu đến năm 2025 diện tích chè được chứng nhận an toàn lên 55% và đến năm 2030 khoảng 75%.
Để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn trên thế giới và nâng cao kim ngạch xuất khẩu chè, ngành chè Việt Nam phải đẩy mạnh sản xuất chè theo hướng an toàn; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao, chú trọng tăng nhanh tỷ trọng những sản phẩm có giá trị cao và sản phẩm mới.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần đầu tư vào chế biến sâu sản phẩm chè, giảm sản lượng chè xanh, tăng các sản phẩm chè chế biến sâu và chè đặc sản, như trà ô long, trà lên men, hồng trà, bạch trà, trà ướp hương thơm từ các loại hoa… Các địa phương cần thúc đẩy sản xuất chè theo hướng an toàn; khuyến khích nhân dân sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao, sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ nhân dân liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.