PC Thừa Thiên-Huế ưu tiên các nguồn vốn, khôi phục sản xuất kinh doanh

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, ảnh hưởng đến kinh doanh và việc làm của người lao động. Chính vì vậy, PC Thừa Thiên Huế ưu tiên nguồn vốn Đầu tư Xây dựng (ĐTXD) phục vụ nhu cầu phục hồi và mở rộng sản xuất các doanh nghiệp nhanh chóng để đưa hoạt động kinh doanh trở lại bình thường càng sớm càng tốt.

PC Thừa Thiên-Huế ưu tiên các nguồn vốn, khôi phục sản xuất kinh doanh - Ảnh 1

Trong đợt bùng phát lần thứ 4 của dịch bệnh covid-19, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã xuất hiện các trường hợp dương tính với Sars-Cov-2. Do vậy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xác định nhiều địa phương trên địa bàn huyện Phong Điền và huyện Phú Lộc có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 rất cao nên quyết định thực hiện khoanh vùng, phong tỏa cách ly tạm thời, giãn cách xã hội ở 4 địa phương gồm: thị trấn Phong Điền, xã Phong Thu, xã Phong Hòa (huyện Phong Điền), thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) từ 0h ngày 09/5/2021 và tái lập 08 chốt kiểm dịch ở các cửa ngõ ra vào tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đề ra một số giải pháp, biện pháp cấp bách nhằm phục hồi nền kinh tế địa phương, bao gồm tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị; xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới, hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm và đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nông nghiệp và các lĩnh vực kinh tế khác. Đối với ngành điện địa phương, trên cơ sở là vai trò “Điện luôn đi trước một bước” trong việc làm “bàn đạp”, “đòn bẩy” thúc đẩy sự hồi phục, mở rộng sản xuất cho các thành phần kinh tế.

Năm 2020, các đợt bùng phát dịch bệnh covid-19 và thiên tai liên tiếp xảy ra trên địa bàn các tỉnh miền Trung nói chung, tỉnh Thừa Thiên-Huế nói riêng đã gây ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực...Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, ngành bị thiệt hại nhất là ngành dịch vụ du lịch (lượng khách giảm 60%; doanh thu du lịch giảm 64%); vận tải (vận tải hành khách giảm trên 30%), xuất nhập khẩu (giảm 16%); hơn 10.000 lao động bị thất nghiệp; học sinh, sinh viên bị nghỉ học dài ngày (đặc biệt 30.000 sinh viên ngoại tỉnh), doanh thu thiệt hại ước khoảng 11.000 tỷ đồng. Riêng đối với ảnh hưởng của các đợt thiên tai, mưa bão trong năm 2020, giá trị thiệt hại ước tính trên 2.000 tỷ đồng, chiếm 3,5% GRDP của tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Thiệt hại của địa phương cũng đã thể hiện rõ nét trên tình hình cung cấp điện, các chỉ tiêu SXKD của Công ty Điện lực Thừa Thiên-Huế. Sản lượng điện thương phẩm cả năm 2020 giảm 4% so với năm 2019, tỷ trọng một số các thành phần giảm sâu các trong thành phần của sản lượng điện thương phẩm, cụ thể tỷ trọng thành phần Công nghiệp-Xây dựng giảm 50,2 triệu kWh, tương ứng 0,77% so với năm 2019 (49,49%), khối dịch vụ giảm 35,12 triệu kWWh, tương ứng 4,71% so với năm 2019 (6,48%).

PC Thừa Thiên-Huế ưu tiên các nguồn vốn, khôi phục sản xuất kinh doanh - Ảnh 2

Ngay từ đầu năm 2021, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đã ưu tiên các nguồn vốn 188,59 tỷ đồng để đầu tư và 78,457 tỷ đồng nhằm cải tạo, sửa chữa lưới điện trên địa bàn quản lý. Riêng trong quí 2/2021, Công ty đã khởi công 35 công trình lưới điện với tổng mức đầu tư khoảng 108 tỷ đồng. Trong đó có hơn 23 tỷ đồng được dành để đầu tư cho 15 hạng mục dự án lưới điện phục vụ cung cấp điện đảm bảo sản xuất và 01 hạng mục phục vụ kinh doanh của các Doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế với tổng dung lượng các máy biến áp đầu tư xấp xỉ 12MVA. Dự kiến sẽ triển khai thi công hoàn thành và đóng điện nghiệm thu, đưa vào vận hành vào cuối quí 3/2021.

Tổ công tác kịp thời khắc phục sự cố lưới điện
Tổ công tác kịp thời khắc phục sự cố lưới điện
PC Thừa Thiên-Huế ưu tiên các nguồn vốn, khôi phục sản xuất kinh doanh - Ảnh 3

Việc triển khai hoàn thành các công trình lưới điện thể hiện trách nhiệm, sự nỗ lực vượt khó của ngành điện để đồng hành cùng địa phương, các Doanh nghiệp trên địa bàn nhằm sớm khôi phục và mở rộng sản xuất, góp phần đồng hành cùng các cấp chính quyền địa phương thực hiện hoàn thành “nhiệm vụ kép” về phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội sau các đợt bùng phát của đại dịch covid-19 và thiên tai, mưa bão. Thời gian tới, ngành Điện cũng sẽ tích cực phối hợp triển khai đồng bộ hạ tầng lưới điện song song với quy hoạch của Tỉnh đối với các trạm biến áp cấp nguồn cho các Khu công nghiệp Phong Điền, Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô, Khu công nghiệp Phú Bài, cụm phụ tải Chân Mây- Lăng Cô.

PC Thừa Thiên-Huế ưu tiên các nguồn vốn, khôi phục sản xuất kinh doanh - Ảnh 4

Cùng với đó, Công ty sẽ đặc biệt lưu ý đến việc đầu tư đồng bộ hạ tầng lưới điện đồng hành cùng Dự án nhà máy điện khí tại KCN Chân Mây-Lăng Cô nhằm nâng cao tiềm năng, thế mạnh và thể hiện trách nhiệm của ngành Điện song hành với sự phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà, đồng hành, chung tay cùng UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế trong việc hoàn thiện các tiêu chí để Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Bùi Quốc Dũng

Từ khóa:
#ha