CTCP Victory Capital (Petroland, HoSE: PTL) vừa công bố thông tin làm rõ cơ sở pháp lý thực hiện điều chỉnh báo cáo tài chính năm 2021.
Theo PTL, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 ngày 13/4 vừa qua, cổ đông thống nhất tạm thời không thông qua BCTC năm 2021 được phát hành ngày 31/3/2022.
Cổ đông yêu cầu PTL tiến hành cung cấp bổ sung hồ sơ, chứng từ kế toán và các tài liệu liên quan cho Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C và thực hiện trình bày lại BCTC năm 2021. Sau đó, PTL đã lập lại BCTC năm 2021 với loạt điều chỉnh so với báo cáo trước đó.
Thứ nhất là xử lý giảm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối các năm trước với số tiền 75 tỷ đồng do trước đây ghi nhận không có cơ sở khoản Phải thu tiền phạt do chậm tiến độ từ các bên thi công công trình theo các điều khoản của hợp đồng và phạt chậm tiến độ với tổng số tiền 75 tỷ đồng và đến nay vẫn không được các đơn vị này chấp thuận.
Thứ hai, ghi giảm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối các năm trước với số tiền 61 tỷ đồng, tương ứng việc ghi nhận tăng dự phòng nợ phải thu khó đòi do khoản phải thu Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Anh Quốc tế Anh Minh đã quá hạn thanh toán và không có khả năng thu hồi.
Thứ ba, đối với khoản phải thu đối với khách hàng mua căn hộ dự án Chung cư cao tầng Mỹ Phú số tiền hơn 26 tỷ đồng, PTL cung cấp cho đơn vị kiểm toán chứng từ biên bản xác nhận công nợ và kế hoạch thu hồi công nợ khi công ty con là CTCP Đầu tư Dầu khí Mỹ Phú tiến hành bàn giao sổ hồng cho khách hàng mua căn hộ trong thời gian tới. Theo đó, PTL không cần phải trích lập dự phòng cho các khoản phải thu này theo Thông tư 200.
Thứ tư, khoản hạch toán bù trừ công nợ phải thu đối với CTCP Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Sài Gòn (PVC-Sài Gòn) với nợ phải trả CTCP Đầu tư Dầu khí Mỹ Phú số tiền gần 19 tỷ đồng. Vấn đề này, PTL cung cấp cho đơn vị kiểm toán chứng từ thanh toán của Petroland và công văn PVC Sài Gòn gửi cho Mỹ Phú thể hiện nội dung xác nhận khoản bù trừ công nợ nêu trên.
Thứ năm, PTL ghi giảm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối các năm trước với số tiền 4 tỷ đồng, tương ứng giảm công nợ phải thu của CTCP Vạn Khởi Thành (36 tỷ đồng) liên quan góp vốn dự án nhà ở thương mại Tương Bình Hiệp.
Thứ sáu, PTL không cần phải trích lập dự phòng cho khoản phải thu, phải trả CTCP Đầu tư và Dịch vụ Sao Kim số tiền lần lượt là 134 tỷ và 126 tỷ đồng, sau khi cấn trừ công nợ hơn 8 tỷ đồng theo quy định.
Thứ bảy, PTL giảm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối các năm trước số tiền hơn 21 tỷ đồng, tương ứng giảm nguyên giá tài sản cố định do ghi nhận chi phí xây dựng.
Thứ tám, đối với thuế giá trị gia tăng phải nộp giảm 13 tỷ đồng của Công ty Mỹ Phú do xác định lại phần giá trị quyền sử dụng đất không chịu thuế giá trị gia tăng của các căn hộ đã bán trong các năm trước, PTL ghi giảm doanh thu năm 2021 và tăng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối các năm trước.
Do đó, sau cùng Petroland phải điều chỉnh giảm tổng tài sản hơn 286 tỷ xuống còn 918 tỷ đồng sau khi phát hành lại báo cáo. Đồng thời, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối điều chỉnh tăng lỗ từ 295 tỷ lên tới 442 tỷ đồng.
Theo kế hoạch năm 2022, Petroland đặt mục tiêu doanh thu 664 tỷ và lợi nhuận sau thuế 86 tỷ đồng, gấp 3 lần kết quả năm 2021. Tuy nhiên, ngay trong quý 1 Petroland đã báo lỗ hơn 2 tỷ đồng.