Theo phân tích của các chuyên gia, sức nóng của thị trường được dẫn dắt bởi phân khúc căn hộ, với mức giá liên tục thiết lập mặt bằng mới ở mức cao, trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Nhu cầu tăng cao khiến hàng nghìn người sở hữu chung cư thường xuyên nhận được cuộc gọi hỏi bán nhà. Bất chấp giá bán tăng cao, các dự án căn hộ mới ra hàng, đều ghi nhận tỷ lệ hấp thụ rất tốt.
Bên cạnh đó, thị trường cũng đã xuất hiện những dấu hiệu “tạo nhiệt”. Tình trạng này thể hiện qua việc đầu cơ đất đai, đẩy giá nhà ở và phát sinh các giao dịch bất động sản thiếu minh bạch.
Cùng với loại hình căn hộ, một số dự án thấp tầng mới ra mắt của các chủ đầu tư lớn, cũng ghi nhận lượng booking giữ chỗ “kỷ lục" dù mức giá ngày càng cao. Nhiều căn có vị trí đẹp, không những giá cao, để mua được khách hàng/nhà đầu tư còn phải chấp nhận trả tiền chênh.
Theo đó, trên cơ sở những kết quả ghi nhận được từ quý 3, VARS dự báo, nếu các yếu tố như chính sách pháp lý, tài chính và đầu tư công tiếp tục được cải thiện, thị trường khả năng sẽ tiếp tục "tăng nhiệt" trong giai đoạn cuối năm khi hàng lang pháp lý mới chính thức đi vào cuộc sống, khi các chủ đầu tư tiếp tục đẩy mạnh triển khai dự án,... Đặc biệt, nguồn cung nhà ở sẽ tiếp tục được thúc đẩy, tạo động lực dẫn dắt cho thị trường, thông qua hoạt động M&A theo hướng "góp gạo thổi cơm chung".
Một nhấn mạnh quan trọng được đề cập trong báo cáo là việc Nhà nước sẽ tiếp tục tăng cường giám sát và điều tiết thị trường, bảo đảm sự ổn định và phát triển đúng hướng. Đồng thời, xu hướng bất động sản xanh đang nổi lên, được kỳ vọng sẽ dẫn dắt thị trường trong chu kỳ mới.
Các phân khúc sẽ tiếp tục ghi nhận sự phục hồi: căn hộ cao cấp tiếp tục dẫn dắt thị trường, biệt thự, liền kề trở nên sôi động, đất nền pháp lý sạch thu hút nhà đầu tư, và nhà ở xã hội (NOXH) sẽ có thêm cơ hội nhờ vào các quy định mới. Bất động sản công nghiệp tăng trưởng, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ có cơ hội cải thiện nhờ vào việc condotel được cấp sổ.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, trên thực tế, các chủ thể trên thị trường bất động sản đang tích cực đẩy nhanh việc tiếp cận với hệ thống pháp luật mới, kể từ khi 3 bộ luật là Luật Kinh doanh Bất động sản 2023, Luật Nhà ở 2023 và Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1/8/2024. Nhờ đó, các nội dung quy định trong luật mới dần được hiểu một cách chính xác hơn, là tiền đề quan trọng để từng bước áp dụng vào thực tế. Chính bởi vậy, mà trong quý cuối cùng của năm 2024, các chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản sẽ ấn nút tăng tốc, khả năng cao sẽ đem đến nhiều kết quả ấn tượng hơn.
Cũng trong quý 4/2024, ông Đính cho biết, về các phân khúc cụ thể, thị trường bất động sản sẽ ghi nhận sự phục hồi trên diện rộng. Căn hộ chung cư chủ yếu là căn hộ cao cấp sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường.
Nguồn cung căn hộ mới của thị trường được đóng góp thêm từ các vùng ven Hà Nội và TP.HCM. Ngoài ra, với phân khúc đất nền thì đất nền pháp lý sạch tại các khu vực chưa bị đẩy giá tiếp tục được các nhà đầu tư “gom hàng” ở các phía Bắc và phía Nam.
Còn về phân khúc bất động sản công nghiệp tiếp tục duy trì sức “nóng” với số lượng dự án mới được triển khai tăng trưởng mạnh, cùng nguồn vốn FDI ngày càng “dồi dào".
Tỉ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động vẫn duy trì mức tăng ổn định, đạt khoảng 75%. Trong đó, các tỉnh trọng điểm phía Bắc đạt 82% và các tỉnh trọng điểm phía Nam đạt 92%. Tuy nhiên, tỉ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đã thành lập vẫn khó bật tăng do cung - cầu "chờ" nhau: Chủ đầu tư khu công nghiệp "chốt" được khách mới đầu tư hạ tầng, trong khi nhà đầu tư lại chỉ quyết định đầu tư dự án đã có hạ tầng.
Tiến Hoàng