Dựa theo báo cáo phân tích một số cổ phiếu đáng quan tâm trước phiên 26/02/2021 của một số công ty chứng khoán. Chúng tôi xin trích lược lại như sau:
BSC: Khuyến nghị đối với cổ phiếu HVN
Theo BSC, HVN đang ở trong trạng thái tăng giá sau khi đã có giai đoạn giảm mạnh trong nửa cuối tháng 1. Thanh khoản cổ phiếu hiện đang có chiều hướng tăng dần.
Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Hôm nay, đường EMA12 vừa cắt lên trên đường EMA26 đồng thời chỉ báo động lượng RSI đang ở trên giá trị 50 nên cổ phiếu có tiềm năng duy trì đà tăng trong ngắn hạn.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của HVN nằm tại khu vực xung quanh 28. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 32, cắt lỗ nếu ngưỡng 27 bị xuyên thủng.
KBSV: Khuyến nghị đối với cổ phiếu HVN
Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/2, cổ phiếu HVN tăng 0.7% lên 29,000 VNĐ/cổ phiếu.
HVN đề xuất muốn đầu tư 9,900 tỷ đồng vào dự án sân bay Long Thành để cung ứng nhiều dịch vụ bao gồm cung ứng nhiên liệu hàng không, phục vụ kỹ thuật mặt đất, cung ứng suất ăn, nhà ga hàng hóa, trung tâm logistics hàng không, phòng chờ cho hành khách, bán hàng miễn thuế và các dịch vụ khác.
KBSV: Khuyến nghị đối với cổ phiếu FPT
Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/2, cổ phiếu FPT tăng 1.1% lên 76,200 VNĐ/cổ phiếu.
FPT công bố thành lập Công ty TNHH FPT Digital có vốn điều lệ 60 tỷ đồng, trong đó FPT nắm 100% vốn góp. FPT Digital cung cấp dịch vụ tư vấn chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhằm hoàn thiện hệ sinh thái dịch vụ chuyển đổi số của FPT cho các khách hàng doanh nghiệp từ khâu tư vấn lộ trình đến triển khai, cung cấp các giải pháp số.
MBS: Khuyến nghị đối với cổ phiếu MPC
Cải thiện biên LN gộp và tiết giảm chi phí trong kỳ giúp lãi ròng cả năm 2020 tăng 40% n/n. Trong Q4 2020, MPC ghi nhận 4.353 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi ròng gấp 2,7 lần Q4 2019 nhờ (i) biên LN gộp tăng từ 6,5% lên 8,4% khi DN đẩy mạnh việc nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao 2-3-4 ở 2 vùng nuôi Minh Phú Lộc An và Minh Phú Kiên Giang, giúp tự chủ nguồn nguyên liệu và giải quyết được sự thiếu hụt nguồn tôm nguyên liệu vào các tháng cuối năm, khiến giá thành sản xuất thấp hơn cùng kỳ, (ii) chi phí tài chính giảm mạnh nhờ quản lý dòng tiền tốt, và (iii) chi phí quản lý giảm khá. Đây là quý đầu tiên LN của MPC tăng trưởng dương trở lại sau 4 quý liên tiếp chứng kiến sụt giảm so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm 2020, doanh thu thuần đạt 14.334 tỷ đồng, giảm ~16% n/n trong khi lãi ròng cả năm tăng 40% n/n lên 617 tỷ đồng. Biên LN gộp cả năm đạt 10,3%, tăng nhẹ so với mức 9,9% của năm 2019. Đáng lưu ý là chi phí lãi vay đã giảm mạnh so với cùng kỳ nhờ quản lý dòng tiền tốt hơn.
MPC tiếp tục được xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ mà không phải chịu thêm thuế chống phá giá áp dụng cho tôm Ấn Độ hay bất kỳ loại thuế chống phá giá nào. Giữa tháng 10/2020, Cơ quan điều tra EAPA của Cơ quan Hải quan Hoa Kỳ (CBP) đã yêu cầu áp thuế chống bán phá giá với tôm Ấn Độ với MPC dựa trên nhận định hệ thống truy xuất của MPC còn có lỗi nhỏ và DN này chưa hợp tác đầy đủ. MPC sau đó đã thực hiện khiếu nại & quyết định trên được hủy bỏ từ ngày 11/2/2021. Với thị phần chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của MPC (39% doanh thu của MPC), việc tiếp tục được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ mà không chịu thêm bất kỳ thuế chống phá giá nào sẽ giúp DN duy trì lợi thế vốn có của mình tại thị trường này.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những phân tích của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải.
Tạ Thành