Giải tỏa áp lực dòng tiền
HĐQT Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Hose: KBC) vừa thông qua giá phát hành 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư với giá 34.096 đồng/cp, tương đương số tiền huy động dự kiến đạt 3.409,6 tỷ đồng. Số cổ phiếu phát hành riêng lẻ này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng một năm kể từ ngày phát hành.
HĐQT công ty trước đó thông báo giá bán được xác định bằng 85% giá đóng cửa bình quân của 30 phiên giao dịch liền trước ngày UBCKNN có công văn xác nhận đầy đủ hồ sơ và không thấp hơn 28.000 đồng/cổ phiếu.
Theo Nghị quyết HĐQT ngày 16/8, tổng nhu cầu vốn của Kinh Bắc là 4.340 tỷ đồng. Cụ thể, 534 tỷ dự kiến trả lãi vay và chi phí lượng; 2.306 tỷ đồng để tái cơ cấu cho 12 khoản nợ vay; và 1.500 tỷ đồng đầu tư vào công ty con là Phát triển Đô thị Tràng Cát.
Trong trường hợp số vốn lưu động không đạt đủ như dự kiến, HĐQT sẽ điều chỉnh số tiền cụ thể cho từng mục đích để phù hợp với chiến lược công ty và/hoặc huy động thêm nguồn vốn khác. Trường hợp số tiền huy động lớn hơn tổng số tiền dự kiến giải ngân thì Kinh Bắc sẽ ưu tiên rót vốn vào Tràng Cát.
Đơn vị thành viên này được thành lập để đầu tư dự án khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Tràng Cát tại khu Bãi Triều, phường Tràng Cát, quận Hải An, thuộc KKT Đình Vũ - Cát Hải, TP. Hải Phòng.
Phát hành trái phiếu ồ ạt – Vay nợ tài chính tăng mạnh
Ngoài việc phát hành cổ phiếu nhằm mục đích đầu tư và thanh toán các khoản nợ, trước đó Kinh Bắc (KBC) đã liên tục huy động vốn qua hình thức trái phiếu để bù đắp vào dòng tiến thiếu hụt. Tuy nhiên, đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho tình hình tài chính tại doanh nghiệp xảy ra nhiều biến động trong thời gian vừa qua.
Trong quý 2/2021, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt xấp xỉ 750 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 70,6 tỷ đồng (lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 34,4 tỷ đồng), lần lượt tăng 336% và 541% so với cùng kỳ năm trước.
Theo giải trình, nguyên nhân khiến lợi nhuận tại KBC quý 2/2021 tăng đột biến là do công ty tăng ghi nhận doanh thu từ hợp đồng cho thuê đất khu công nghiệp và đô thị.
Mặc dù doanh thu và lợi nhuận quý 2/2021 tăng cao so với cùng kỳ tuy nhiên so với 2 quý gần đây thì lại thấp hơn đáng kể.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.752 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 785 tỷ đồng, lần lượt tăng 278% và 647% so với cùng kỳ năm trước.
Dù kết quả kinh doanh ấn tượng song lợi nhuận sau thuế của KBC chỉ mới thực hiện được hơn 39% so với mục tiêu 2.000 tỷ đồng đề ra cho năm 2021. Doanh thu cũng mới thực hiện được khoảng 42% so với mục tiêu 6.600 tỷ đồng đề ra. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh có lãi nhưng dòng tiền kinh doanh 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp vẫn đang âm 90 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước âm 552,3 tỷ đồng (cả năm 2020 âm 2.913 tỷ đồng); dòng tiền đầu tư cũng âm 331,6 tỷ đồng.
Tính tới thời điểm ngày 30/6, tổng tài sản của Kinh Bắc tăng 16,6% so đầu năm lên 27.732 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là tồn kho đạt 11.623 tỷ đồng, chiếm 42% tổng tài sản, tập trung lớn nhất là ở dự án Khu công nghiệp và khu đô thị Tràng Cát (7.270 tỷ đồng). Lượng tiền và các khoản tương đương tương tiền tại Kinh Bắc tăng 108% so với đầu năm, ghi nhận có 2.184 tỷ đồng.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, tỷ trọng hàng tồn kho lớn luôn là mối quan ngại ít nhiều với nhà đầu tư, do tính chất tồn lâu, chôn vốn, chi phí phát sinh.
Hay nói cách khác, nếu để tồn hàng tồn kho quá lâu thì sẽ làm ảnh hưởng không tốt tới quá trình kinh doanh do doanh nghiệp sẽ phải tốn chi phí trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho do giá trị hiện tại giảm mạnh so với giá gốc ban đầu khiến cho lợi nhuận sụt giảm.
Mặt khác, lượng hàng tồn kho bất động sản tăng lên sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp nói riêng và cho nền kinh tế nói chung. Hàng tồn kho nằm trong nhóm dự án vướng mắc về pháp lý, bị dừng triển khai, không ra được sản phẩm làm tăng gánh nặng chi phí, lãi vay ngày càng lớn cho doanh nghiệp.
Ngoài vấn đề về hàng tồn kho, 6 tháng đầu năm Kinh Bắc có tổng nợ phải trả ghi nhận 15.120 tỷ đồng, tăng 15% và chiếm 55% tổng tải sản. Trong đó, nợ ngắn hạn ghi nhận 7.343 tỷ đồng tăng 5%, tuy nhiên nợ dài hạn tăng mạnh 26% lên 7.776 tỷ đồng.
Ghi nhận từ báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của KBC, nợ phải trả/tổng tài sản trên 50% đồng nghĩa với việc KBC đang phải dựa vào nguồn vốn vay để duy trì hoạt động. Bên cạnh đó, nợ phải trả cũng lớn hơn vốn chủ sở hữu đồng nghĩa với việc tài sản của KBC được tài trợ chủ yếu bởi nợ. Đáng chú ý, nợ dài hạn của KBC ghi nhận 7.776 tỷ đồng cao hơn gấp 2 lần so với tài sản dài hạn
Thông thường nếu phần tài sản dài hạn nhỏ hơn nợ dài hạn chứng tỏ một phần nợ dài hạn đã chuyển vào tài trợ tài sản ngắn hạn. Hiện tượng này vừa làm lãng phí chi phí lãi vay nợ dài hạn vừa thể hiện sử dụng sai mục đích nợ dài hạn. Điều này có thể dẫn đến lợi nhuận kinh doanh giảm hoặc xảy ra những rối loạn tài chính doanh nghiệp.
Tổng dư nợ đi vay 6 tháng đầu năm tại KBC đạt 7490 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn ghi nhận 1.881 tỷ đồng tăng 22%, vay dài hạn ở mức 5,610 tỷ đồng tăng 33% so với đầu năm.
Nợ vay dài hạn tại KBC tăng mạnh 33% so với đầu năm bởi việc liên tục huy động vốn qua kênh trái phiếu. Chỉ trong 3 tháng doanh nghiệp đã huy động thành công được hơn 2.411 tỷ đồng với lãi suất 10,5 - 10,8%/năm.
Phần lớn phát hành trái phiếu tại Kinh Bắc đều có tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, đợt phát hành trái phiếu KBC2021.AB với giá trị 1.500 tỷ đồng với lãi suất 10,8%/năm lại không có tài sản đảm bảo.
Nợ vay tăng mạnh dẫn tới chi phí lãi vay tại Kinh Bắc 6 tháng đầu năm tăng vọt 186% so với cùng kỳ, lên mức gần 241 tỷ đồng. Ngoài chi phí lãi vay, các chi phí khác liên quan đến hoạt động tài chính cũng tăng dẫn tới chi phí tài chính trong kỳ của Kinh Bắc hơn 259,5 tỷ đồng, tăng 164% so với cùng kỳ năm 2020.;
Tăng cường giám sát, kiểm tra thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Liên quan đến vấn đề doanh nghiệp phát hành trái phiếu, ngày 1/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Vụ Tài chính ngân hàng và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Người đứng đầu Bộ Tài chính giao Vụ Tài chính ngân hàng cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó tập trung xây dựng các biện pháp thanh tra, giám sát, thắt chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo và uy tín của doanh nghiệp phát hành thấp nhằm hướng tới thị trường minh bạch, an toàn và hạn chế rủi ro.
Bên cạnh đó, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng và các cơ quan liên quan tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình phát hành và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đặc biệt là việc phát hành của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực có tính rủi ro cao, có kết quả kinh doanh không rõ ràng, thực chất.
Ngoài ra, người đứng đầu Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị tập trung rà soát, kiểm tra phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, lách quy định của pháp luật trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện các hành vi lừa đảo, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thì khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.