Hiện tại, ở Thái Nguyên có bốn vùng trồng chè nổi tiếng là: Tân Cương (TP. Thái Nguyên), La Bằng (Đại Từ), Trại Cài (Đồng Hỷ) và Khe Cốc (Phú Lương) được mệnh danh là "Tứ đại danh trà" đất Thái Nguyên. Đây chính là các vùng nguyên liệu để sản xuất ra những sản phẩm chè đặc sản nổi tiếng và đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Cụ thể theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên cho thấy, đến nay, toàn tỉnh có 194 công ty, hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ dân, cơ sở đăng ký và được cấp giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên". Hiện nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên" đã chính thức được bảo hộ thành công tại 6 quốc gia, vùng lãnh thổ gồm: Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là một trong những thành công lớn trong việc xây dựng thương hiệu chè Thái Nguyên nổi tiếng không chỉ trong nước và trên toàn thế giới, mở ra cơ hội tiêu thụ sản phẩm cho người trồng chè.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết, bình quân mỗi năm, các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn triển khai trồng mới và trồng thay thế trên 500ha chè, tỷ lệ giống mới đạt 18.376ha, chiếm 82,7% diện tích chè toàn tỉnh; cùng với đó, tỉnh cũng chủ trương ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến chè an toàn VietGap, hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đến nay, tổng diện tích trồng chè áp dụng thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP được cấp chứng nhận đạt 4356,7ha; cấp chứng nhận tiêu chuẩn UTZ Certified 11ha và sản xuất áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ đạt 127ha, trong đó có 65ha được cấp chứng nhận hữu cơ (5ha đạt tiêu chuẩn IFOAM và 6ha đạt tiêu chuẩn TCVN 11041-2:2017).
Việc ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao cùng với nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” được bảo hộ thành công là một trong những yếu tố quan trọng nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng cả trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, cũng đặt ra nhiều thách thức đối với những người làm chè Thái Nguyên, nhất là trong việc kiểm soát vùng nguyên liệu, số hóa quản lý sản xuất chè, bảo đảm tiêu chuẩn chè xuất khẩu và lựa chọn dòng sản phẩm phù hợp theo nhu cầu của từng thị trường…
Đặc biệt, nhằm thực hiện hiệu quả Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó Thái Nguyên được chọn là vùng trọng điểm phát triển một số cây công nghiệp, chủ lực là cây chè gắn với chế biến và tiêu thụ, đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chế biến chè, ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã đặt ra một số nhiệm vụ cụ thể, trọng tâm.
Trong đó, tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai, đẩy mạnh phát triển hợp tác xã (HTX), nhất là liên hiệp các HTX chè để sản xuất theo chuỗi, thống nhất trong áp dụng quy trình sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ chè, tạo sản phẩm đồng đều về chất lượng, mẫu mã, nhằm nâng cao hiệu quả, giá trị sản phẩm trà. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển chè bền vững; gắn sản xuất chè với giới thiệu, quảng bá xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, phát triển du lịch vùng chè.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển cây chè, hoàn thành mục tiêu các nghị quyết, đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, phấn đấu đến năm 2025, diện tích chè đạt 23.500ha, trong đó diện tích chè giống mới chiếm 85% tổng diện tích chè toàn tỉnh; sản lượng chè búp tươi đạt 273.000 tấn; giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng chè đạt 350 triệu đồng/ha. Trong đó chú trọng các nhiệm vụ trọng tâm: quy hoạch vùng chè, xây dựng thương hiệu chè quốc gia, thống nhất quy trình sản xuất, chế biến chè. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến chè. Rà soát vùng sản xuất chè gắn với phát triển du lịch; xây dựng mã số vùng trồng, mở rộng diện tích chè hữu cơ, chè sạch.
Để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, nâng cao vị thế "Chè Thái Nguyên" trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên cho rằng, các doanh nghiệp chè trên địa bàn tỉnh cần phải bảo đảm tính ổn định và chất lượng. Bởi hiện nay, đa số các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh chủ yếu là xuất chè thô, mặc dù sản lượng khá lớn nhưng giá trị đạt thấp, đối với một số thị trường khó tính như EU, Mỹ hầu hết các doanh nghiệp khó xâm nhập được hoặc xuất khẩu với số lượng không đáng kể./.
THẠCH VĂN