Phát triển kinh tế xanh để nâng sức cạnh tranh cho nông sản

2023 là năm bản lề thực hiện các nghị quyết Trung ương khóa XIII của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đến nay, nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường… bước đầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế toàn cầu, đầu tư cho phát triển xanh là xu hướng tất yếu. Những năm qua, nước ta đã có bước chuyển mới hướng tới một nền kinh tế xanh, trong đó có việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp xanh để bảo đảm bền vững các trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường. Triển khai chiến lược và các kế hoạch phát triển xanh, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nước ta đã bước đầu gặt hái thành công trong việc nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, bảo vệ nguồn tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp…; đồng thời mở hướng phát triển nông nghiệp gắn với dịch vụ du lịch…

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Quyết định 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Trong suốt chặng đường hơn 10 năm triển khai và thực hiện kinh tế xanh, với sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước cùng với nhận thức của cộng đồng xã hội về tầm quan trọng của kinh tế xanh, cho đến nay nền kinh tế Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc như: Hành vi sản xuất và tiêu dùng có nhiều thay đổi đáng kể và được cải thiện tích cực; ngày càng có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào việc phát triển kinh tế xanh; đời sống của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, nhiều khu đô thị nổi lên, đặc biệt là hình thành các vùng nông thôn mới. 

Phát triển kinh tế xanh để nâng sức cạnh tranh cho nông sản - Ảnh 1

Thời gian qua, để thực hiện phát triển kinh tế xanh, Việt Nam còn luôn nhận được nhiều sự quan tâm giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, cộng đồng trên thế giới; thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nền kinh tế xanh, đặc biệt là phát triển công nghiệp xanh, năng lượng xanh.

Trong nền kinh tế xanh, tài nguyên môi trường là yếu tố quan trọng mang tính chất quyết định đến sự phát triển kinh tế, cải thiện chuỗi giá trị, đem lại sự ổn định và thịnh vượng lâu dài. Bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu được xem là vấn đề then chốt của kinh tế xanh. Nhà nước và khu vực tư nhân tập trung ưu tiên đầu tư vào các hoạt động kinh tế, cơ sở hạ tầng, công trình có tác dụng đảm bảo mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm và phát thải carbon; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; ngăn ngừa mất đa dạng sinh học và các dịch vụ của hệ sinh thái.

Đáng nói, phát triển kinh tế xanh cũng góp phần nâng sức cạnh tranh cho nông sản. Phát triển kinh tế xanh trở thành nền tảng cho một nền nông nghiệp xanh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cũng là tiền đề để các ngành, lĩnh vực tại đây là chủ đạo đề nâng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để làm được điều này, từng ngành, sản phẩm trong khu vực phải xây dựng được hình ảnh và uy tín chất lượng trong cạnh tranh. Do đó, việc xây dựng thương hiệu cho từng sản phẩm trở thành bước đi đầu tiên và quan trọng trong cạnh tranh sản phẩm.

Theo các chuyên gia, việc thực hiện đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu sẽ giúp các sản phẩm đặc sản địa phương nâng cao sức cạnh tranh, có chỗ đứng trên thị trường, gia tăng giá trị, tạo dựng uy tín, danh tiếng cho các sản phẩm đặc sản.

Các thương hiệu đặc sản ở Đồng bằng sông Cửu Long như nước mắm Phú Quốc đã đăng ký chỉ dẫn địa lý ở 28 quốc gia thuộc cộng đồng châu Âu, ngày càng được mở rộng thị trường tiêu thụ, hoặc như sản phẩm xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang) sau khi được cấp chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam đã xuất khẩu được sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada….Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) có giá bán tăng hơn khoảng 20% so với trước khi được cấp nhãn hiệu tập thể và gần đây nhất là hướng đến xây dựng thương hiệu cho trái sầu riêng Việt Nam để đủ sức mạnh hình ảnh vươn ra thị trường thế giới.

Xác định được vai trò của thương hiệu, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đã đẩy mạnh cấp quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm khu vực vày, giai đoạn năm 2018-2022, toàn vùng có gần 9.870 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ, trên 5.800 văn bằng (nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý... ) được cấp. 

Hay tại tỉnh Bến Tre, trong 4 năm 2018-2022, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre hỗ trợ, tư vấn và hướng dẫn cho trên 280 lượt cá nhân, tổ chức tìm hiểu, thực hiện hồ sơ về đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp. Ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức tập huấn về lợi ích của việc đăng ký nhãn hiệu cho các đặc sản địa phương làng nghề du lịch, khai thác phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc thù Bến Tre.

Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre cho biết, tỉnh Bến Tre cũng đã triển khai thực hiện các dự án như xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý "Bến Tre" cho sản phẩm tôm càng xanh, cua biển, chôm chôm; tổ chức nghiệm thu dự án Tạo lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý "Cái Mơn" dùng cho sản phẩm sầu riêng Bến Tre... Tỉnh Bến Tre cũng đẩy mạnh hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị; tăng cường quản lý sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ, kiểm soát và xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể.

Với những điều này, từng sản phẩm nông nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long dần được khẳng định thông qua các thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đến với khác hàng thế giới, nâng vị thế cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên trường quốc tế hiện nay.

Có thể thấy, Việt Nam có thể phát triển một nền kinh tế xanh toàn diện, hướng tới sự phát triển bền vững và đạt mục tiêu hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Điều này được xem là cơ hội phát triển kinh tế bền vững, mang lại lợi ích cho quốc gia, doanh nghiệp và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, dù xu hướng phát triển kinh tế xanh và tuần hoàn vẫn chưa được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam.

Bảo An