Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Quý Dương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật; ông Nguyễn Văn Toàn - Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc; Bà Nguyễn Thị Ngà - Chủ tịch Hội Chè Thái Nguyên; Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tài - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam; ông Huỳnh Tiến Dũng – Giám đốc Quốc gia IDH Việt Nam, Tổ chức Sáng kiến thương mại Bền vững IDH; cùng đại diện các đơn vị thuộc Bộ như Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Vụ Hợp tác quốc tế, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện khoa học nông lâm miền núi phía Bắc, hội viên Hiệp hội Chè Việt Nam… Về phía các đơn vị khối tư có các công ty sản xuất chè, hợp tác xã đại diện cho nông dân trồng chè, tập đoàn mua chè quốc tế tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Hữu Tài - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng: "5 năm qua, nhất là năm 2020, có rất nhiều khó khăn cho nền kinh tế của thế giới và nước ta. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, ngành chè Việt Nam tuy ít bị tác động hơn so với một số ngành nhưng cũng phải trải qua giai đoạn khó khăn. Trong khó khăn chung đó, nhiều doanh nghiệp đã bộc lộ được những điểm mạnh, điểm yếu. Đã có một số doanh nghiệp nhỏ rút khỏi lĩnh vực kinh doanh chè nhưng cũng có rất nhiều doanh nghiệp vượt qua được thử thách nhờ ứng dụng khoa học công nghệ và sự hợp tác trong và ngoài nước, trong đó có hợp tác công tư."
Theo báo cáo tổng kết ngành Chè Việt Nam năm 2020 của Hiệp hội chè Việt Nam, từ đầu năm đến nay, mặc dù phải đối mặt với những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, song chè là một trong những sản phẩm duy trì được sản xuất, không bị đứt gãy trong quá trình xuất khẩu, tăng trưởng xuất khẩu chè của Việt Nam sang nhiều thị trường chính được đảm bảo ổn định.
Theo đó, sản xuất chè 11 tháng đạt 175.000 tấn, ước cả năm đạt 180.000 tấn, so với năm 2019, giảm khoảng 5.000 tấn. Xuất khẩu chè chính ngạch 11 tháng đạt 124.000 tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2019, ước cả năm, xuất khẩu đạt 135.000 tấn; xuất khẩu tiểu ngạch ước cả năm đạt 10.000 tấn.
Tính chung kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2020 đạt 201 triệu USD, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2019, ước cả năm 2020 đạt khoảng 220 triệu USD. Sản lượng xuất khẩu tăng nhưng kim ngạch xuất khẩu giảm, nguyên nhân do giá xuất khẩu giảm.
Tiêu dùng nội địa ước tính cả năm vẫn duy trì ở mức 45.000 tấn với cơ cấu sản phẩm 51% chè đen, 48% chè xanh và 1% chè khác. Giá bán nội tiêu đạt 150.000 đồng/kg (7.000 USD/tấn). Hiện nay, một số dòng chè Shan có giá bán cao, tiêu thụ ổn định. Doanh thu nội tiêu dự kiến đạt 315 triệu USD. Doanh thu xuất khẩu tiểu ngạch đạt 17 triệu USD. Tổng doanh thu toàn ngành đạt 552 triệu USD.
Chia sẻ về những khó khăn, thách thức mà ngành chè Việt Nam gặp phải trong năm 2020, ông Hoàng Vĩnh Long - Phó Tổng thư ký kiêm Chánh Văn phòng Hiệp hội chè Việt Nam nhận định, giai đoạn đầu năm, ngành chè gặp rất nhiều khó khăn, khi các hợp đồng xuất khẩu của các doanh nghiệp đã ký kết nhưng do dịch COVID -19 khiến nhiều hợp đồng bị hoãn. Thậm chí một số hợp động còn bị yêu cầu giảm giá, trong khi đó, các hợp đồng mới chưa được ký kết.
Đáng chú ý, về cuối năm, vấn đề chi phí vận tải cũng gây khó khăn cho nhiều ngành hàng nông sản, trong đó có ngành chè. Ông Hoàng Vĩnh Long chia sẻ, mọi năm chi phí vận tải chỉ khoảng 700 – 900 USD/container thì năm nay lên tới 2.700 – 3.000 USD/container, tạo sức ép rất lớn về chi phí, trong khi giá chè lại giảm.
Bên cạnh đó, với mục tiêu chung: “Phát triển theo hướng bền vững thông qua thúc đẩy hợp tác công tư và điều phối nguồn lực của các thành viên”, sau 5 năm thực hiện, Chương trình hợp tác công tư phát triển bền vững ngành chè Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến khả quan.
Tại hội thảo, các đơn vị đã cùng nhau thảo luận những thuận lợi, khó khăn, đồng thời kiến nghị giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về công tác giống, khâu sản xuất, khâu chế biến, phát triển thị trường... với ngành chè. Theo đó, để ngành chè có hướng đi bền vững riêng, cần áp dụng và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đổi mới quy trình sản xuất, chế biến, nâng cao giá trị xuất khẩu, hạn chế những bất cập, từng bước xây dựng thương hiệu chè Việt trên thế giới.
Cũng theo Hiệp hội Chè Việt Nam, mục tiêu tổng quát định hướng ngành chè và chương trình hoạt động của PPP chè trong giai đoạn 2021 – 2025 sẽ hướng tới: Quản lý chặt chẽ sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật bền vững trong ngành chè Việt Nam; Cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng và chất lượng sản phẩm chè Việt Nam thông qua Tăng cường hiệu quả hoạt động của nhóm Hợp tác Công tư.
Việt Nam hiện đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu chè, đứng thứ 7 về sản xuất chè toàn cầu. Sản phẩm chè của Việt Nam hiện đã được xuất sang 74 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đến nay, nước ta có 34 tỉnh, thành phố trồng chè với tổng diện tích 123.000 ha.
Trong 3 năm trở lại đây, Việt Nam xuất khẩu 130.000 tấn chè, đạt 200 triệu USD mỗi năm.
Hồng Anh