Đến hết năm 2020, diện tích chè tỉnh Thái Nguyên ước đạt 22.500ha, là tỉnh có diện tích chè phát triển khá ổn định và lớn nhất cả nước; năng suất chè búp tươi đạt 119 tạ/ha; sản lượng chè búp tươi 239.000 tấn.
Trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống chè theo hướng trồng mới, trồng thay thế, cải tạo lại những nương chè Trung du, già cỗi, năng suất, chất lượng thấp bằng các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao phục vụ chế biến chè xanh cao cấp, đặc sản. Đến năm 2020 diện tích chè giống mới đạt hơn 18ha, chiếm 80% diện tích chè an toàn tỉnh.
Cùng với chuyển đổi cơ cấu giống, Thái Nguyên đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến chè an toàn, chất lượng. Đây được xác định vừa là mục tiêu vừa là nhiệm vụ, giải pháp mang tính then chốt, quyết định sự phát triển bền vững của chè Thái Nguyên.
Được biết, hầu hết diện tích chè của tỉnh được sản xuất theo hướng áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn, hữu cơ; đã có gần 20% diện tích chè cho sản phẩm được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, UTZ Certified, hữu cơ; xu hướng phổ biến là phát triển mạnh ứng dụng quy trình canh tác chè an toàn, chất lượng, tăng sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm và thuốc trừ sâu sinh học; phát triển mạnh tưới chủ động, tưới tiết kiệm.
Năm 2019, sản lượng chè chế biến các loại của tỉnh đạt gần 48.000 tấn, trong đó chủ yếu là sản phẩm chè xanh truyền thống, chế biến theo quy mô nông hộ, ứng dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu chế biến, đã có những mô hình chế biến chè ứng dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ cao, đa dạng hóa sản phẩm, chế biến thành phẩm, có bao bì nhãn mác, giá trị gia tăng cao đang có xu hướng nhân rộng, đây là đặc thù của sản xuất chè ở Thái Nguyên.
Cùng với đó, phát triển sản phẩm OCOP từ chè đang được quan tâm phát triển, năm 2019 có 24 sản phẩm OCOP từ chè, xếp hạng từ 3 - 4 sao; chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến ở tỉnh Thái Nguyên được nâng cao rõ rệt.
Bên cạnh đó, những nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm chè, tỉnh Thái Nguyên đặc biệt chú trọng xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tiêu thụ chè Thái Nguyên tăng cường quản lý và phát triển hiệu quả “Chè Tân Cương” thành phố Thái Nguyên và các nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý khác của các vùng chè, làng nghề chè thuộc các huyện, thành phố, thị xã như “Chè La Bằng” huyện Đại Từ, “Chè Trại Cài” huyện Đồng Hỷ, “Chè Tức Tranh” huyện Phú Lương…
Tỉnh đã tổ chức thành công nhiều Festival trà, lễ hội văn hóa trà; hội chợ triển lãm sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, hội chợ triển lãm “Mỗi xã một sản phẩm”, đồng thời tổ chức, tham gia hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế về chè; đặc biệt các doanh nghiệp chè Thái Nguyên đã tham gia nhiều cuộc thi chất lượng chè quốc tế và đã đạt được những giải rất cao. Một số sản phẩm chè Thái Nguyên đã vinh dự được chọn làm quà tặng cho Hội nghị APEC tại Việt Nam năm 2017.
Sản xuất chè tỉnh Thái Nguyên đang phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững quy mô sản xuất ổn định và tăng qua các năm, chất lượng và giá trị sản phẩm chè Thái Nguyên không ngừng được nâng cao, các sản phẩm chè Thái Nguyên được khẳng định trên thị trường trong nước và đang có triển vọng mở rộng ra thị trường thế giới. Sản xuất chè đã góp phần tích cực vào xóa đói, giảm nghèo, làm giàu và là phần thu nhập chủ yếu, quan trọng của trên 90.000 hộ làm chè tỉnh Thái Nguyên.
Thái Nguyên sản xuất chè đã có từ lâu đời, gắn với bản sắc, văn hóa các dân tộc tỉnh, nói đến Thái Nguyên là nói đến “Đệ nhất danh trà”, lịch sử cách mạng, Thủ đô gió ngàn, Thủ đô kháng chiến, ATK Việt Bắc, niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Với quy mô diện tích và sản lượng chè lớn nhất cả nước, cùng với chất lượng cao của các vùng sản xuất nguyên liệu chè búp tươi, với những chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư.
Đặc biệt, trong thời gian tới tỉnh Thái Nguyên tiếp tục khẳng định cây chè là một trong những cây trồng chủ lực, đầu tư phát triển chè là nhiệm vụ, giải pháp đột phá góp phần tái cơ cấu nông nghiệp nhanh và bền vững. Định hướng tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp phát triển chè tỉnh Thái Nguyên đã đề ra.
Mục tiêu đến năm 2030 diện tích chè toàn tỉnh đạt 24.000ha, trong đó 100% diện tích chè sản xuất tập trung được áp dụng tiêu chuẩn GAP, hữu cơ; 80% trở lên diện tích chè ứng dụng công nghệ tưới chủ động, tiết kiệm nước; cùng với duy trì, nâng cao chất lượng các sản phẩm chè xanh truyền thống.
Chung Thủy