Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Cảng hàng không Cà Mau thời kỳ 2021-2030

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký Quyết định số 146/QĐ – BGTVT phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Cảng hàng không Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cảng hàng không Cà Mau hiện là sân bay cấp 4C, nhà ga hành khách 2 cao trình có công suất 200.000 hành khách/năm, 1 đường cất hạ cánh kích thước 1.500mx30m, đảm bảo khai thác tàu bay ATR72 hoặc tương đương.

Cùng với việc nghiên cứu phương án quy hoạch phát triển Cảng hàng không Cà Mau theo từng giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đơn vị được giao nhiệm vụ còn phải đề xuất lộ trình đầu tư phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải; đề xuất giải pháp chủ yếu để thực hiện quy hoạch.

Theo Quyết định số 146, thời hạn lập quy hoạch Cảng hàng không Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là năm 2024.

Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Cảng hàng không Cà Mau thời kỳ 2021-2030.  
Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Cảng hàng không Cà Mau thời kỳ 2021-2030.  

Bộ GTVT giao UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lựa chọn tư vấn lập quy hoạch Cảng hàng không Cà Mau theo quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm về kết quả lựa chọn; bảo đảm tư vấn được lựa chọn đáp ứng điều kiện về năng lực chuyên môn theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 05/2021/NĐ-CP ngày 25/1/2021 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay.

Cục Hàng không Việt Nam có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Cà Mau và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, hướng dẫn xây dựng và hoàn thiện sản phẩm tài trợ; chịu trách nhiệm tiếp nhận sản phẩm tài trợ là hồ sơ quy hoạch; có trách nhiệm triển khai thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan lập quy hoạch sau khi tiếp nhận sản phẩm, trình Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt theo quy định.

Theo Quy hoạch tổng thể số 648 về phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc, trong giai đoạn đến năm 2030, Cảng hàng không Cà Mau là sân bay cấp 4C, công suất 1 triệu hành khách/năm; giai đoạn đến năm 2050, Cảng hàng không Cà Mau là sân bay cấp 4C, công suất 3 triệu hành khách/năm. Cảng hàng không Cà Mau hiện là sân bay cấp 4C, nhà ga hành khách 2 cao trình có công suất 200.000 hành khách/năm, 1 đường cất hạ cánh kích thước 1.500mx30m, đảm bảo khai thác tàu bay ATR72 hoặc tương đương. Hiện Cảng hàng không Cà Mau đang được VASCO khai thác 1 đường bay duy nhất, chặng Cà Mau – TP.HCM và ngược lại, tần suất 4 chuyến/tuần bằng tàu bay ATR72.

Theo đó, về quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, hệ thống cảng hàng không được quy hoạch theo mô hình trục nan với 2 đầu mối chính tại khu vực Thủ đô Hà Nội và khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, hình thành 30 cảng hàng không. Trong đó, gồm 14 cảng hàng không quốc tế: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc và 16 cảng hàng không quốc nội gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn và Biên Hòa (sân bay Thành Sơn và sân bay Biên Hòa được quy hoạch thành cảng hàng không để khai thác lưỡng dụng); tiếp tục duy trì vị trí quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 640/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2011 tại huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.

Ngoài ra, hình thành 33 cảng hàng không. Trong đó, gồm 14 cảng hàng không quốc tế: Vân Đồn, Hải Phòng, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc; 19 cảng hàng không quốc nội: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Cao Bằng, Nà Sản, Cát Bi, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Biên Hoà, Thành Sơn và Cảng hàng không thứ 2 phía Đông Nam, Nam Thủ đô Hà Nội.

Được biết, Cảng hàng không Cà Mau giữ vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh Cà Mau và khu vực, góp phần đưa thành phố Cà Mau vươn lên đô thị loại 2, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh lân cận.

Tỉnh Cà Mau vốn nổi tiếng với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, mang lại tiềm năng du lịch đa dạng, nhiều tuyến, nhiều địa điểm du lịch tại địa phương sẽ hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế bằng hình thức du lịch sinh thái. Cà Mau còn có nhiều khu di tích lịch sử, bản sắc văn hoá phong phú, đa dạng với những lễ hội truyền thống chung và riêng của các dân tộc sống trên địa bàn tỉnh, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và văn hóa vùng đồng bằng Nam Bộ. Bên cạnh đó, Cà Mau còn có nguồn thủy, hải sản dồi dào thu hút các nhà đầu tư, kinh doanh trong và ngoài nước tìm đến đầu tư và phát triển về ngành thủy sản- ngành nổi trội của tỉnh.

Tiến Hoàng