Phiên họp toàn thể lần thứ 35 Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Tại phiên họp, Ủy ban Pháp luật thẩm tra đề án của Chính phủ về điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)  
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp. (Ảnh: Tường Vi/TTXVN)  

Ngày 23/4, tại thành phố Huế, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 35, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Tại phiên họp, Ủy ban Pháp luật thẩm tra đề án của Chính phủ về điều chỉnh địa giớihành chính để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế.

Theo Tờ trình và Đề án của Chính phủ, thành phố Huế là đô thị di sản, cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, có tốc độ phát triển đô thị cao nhưng diện tích tự nhiên nhỏ, với 70,67km2. Hạ tầng xã hội khu vực trung tâm thành phố đang quá tải, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị.

Việc điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế là cần thiết nhằm cụ thể hóa Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên-Huế và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 649/QĐ-TTg ngày 6/5/2014.

Phạm vi mở rộng đô thị Huế bao gồm thành phố Huế hiện hữu (70,67km2) và khu vực định hướng phát triển, mở rộng đô thị thuộc phạm vi các thị xã: Hương Thủy, Hương Trà và một phần huyện Phú Vang.

Sau khi sắp xếp, điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập các phường, thành phố Huế có 265,99km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 652.572 người; có 36 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 29 phường và 7 xã.

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá về: tiêu chuẩn quy mô dân số, diện tích tự nhiên, đơn vị hành chính trực thuộc, loại đô thị, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế-xã hội sau khi mở rộng địa giới hành chính và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế.

Các thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Huế như đã nêu ở tờ trình; cơ bản tán thành với phương án kiện toàn tổ chức bộ máy và bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo Đề án.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết việc điều chỉnh địa giới mở rộng thành phố Huế là phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng của tỉnh Thừa Thiên-Huế và quy hoạch chung của thành phố Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Xuất phát từ các cơ sở pháp lý và thực tiễn, Ủy ban Pháp luật tán thành với đề xuất của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định mở rộng thành phố Huế; đồng thời đề nghị Chính phủ và Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế xác định rõ lộ trình, thời hạn hoàn thành các quy hoạch đối với thành phố Huế để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch, có cơ sở theo dõi, giám sát và đánh giá kết quả quá trình thực hiện.

Cũng tại phiên họp, Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Theo đề nghị của Chính phủ, Chương trình năm 2022 gồm 9 dự án. Cụ thể, tại phiên họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV, thông qua 7 dự án gồm Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Cảnh sát cơ động; Luật Dầu khí (sửa đổi). Đây là các dự án luật được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV.

Tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV, Chính phủ đề nghị Quốc hội thông qua 2 dự án gồm Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Đây là các dự án được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3./.

Tường Vi

Theo TTXVN/Vietnam+