Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: "Hồ Kẻ Gỗ đã nằm ngưỡng an toàn"

Sau khi đi kiểm tra công tác vận hành xã lũ của hồ Kẻ Gỗ, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định mức xả lũ ở hồ cơ bản an toàn, người dân có thể yên tâm.

Sáng 20/10, đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm trưởng đoàn đã vào khu vực hồ Kẻ Gỗ (tỉnh Hà Tĩnh) để kiểm tra công tác vận hành xả lũ. Trước đó, người dân lo ngại khi tỉnh Hà Tĩnh tính đến phương án phá tràn sự cố để xả lũ với lưu lượng 4.100 m3/s. Đây được cho là tình huống khẩn cấp cần phải tính đến.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định hồ Kẻ Gỗ đã nằm ngưỡng an toàn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định hồ Kẻ Gỗ đã nằm ngưỡng an toàn.

Theo số liệu từ Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh, mực nước hồ lúc 7h30 sáng 20/10 đạt 32,83 m/32,5 m (mực nước dâng bình thường), tương ứng với dung tích 355 triệu m3/345 triệu m3 (dung tích thiết kế). Sau 12h trưa 20/10, hồ Kẻ Gỗ điều tiết lũ qua tràn từ 790 m3/s giảm còn dưới 500 m3/s do lượng mưa, lượng nước đến giảm.

Phân tích về các yếu tố an toàn, Phó Thủ tướng cho rằng, hồ đã được thiết kế kỹ lưỡng, đúng tiêu chuẩn. Cộng thêm quy trình quản lý vận hành hồ rất chặt chẽ, khi mưa giảm, lượng xả được điều tiết về mức an toàn. Trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng các cơ quan chuyên môn đã thực hiện tốt việc theo dõi, vận hành.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ghi nhận, đánh giá cao Hà Tĩnh là địa phương có kinh nghiệm, chủ động cao trong công tác ứng phó với bão lụt, song việc ưu tiên hàng đầu lúc này của tỉnh vẫn đảm bảo an toàn tối đa về tính mạng, tài sản của nhân dân.

Trước đó, trong 2 ngày 18 và 19/10, Hà Tĩnh xuất hiện mưa to, lượng mưa có nơi hơn 700 mm. Nhiều xã ở các huyện Cẩm Xuyên, Hương Khê, Vũ Quang, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh... bị ngập sâu và cô lập. Vì mực nước lên nhanh nên nhiều hộ dân không kịp di chuyển đồ đạc, công tác cứu hộ được các cơ quan chức năng hoạt động hết công suất để đảm bảo người dân đến nơi tránh lũ an toàn.

Do số lượng các hộ dân bị ngập rất lớn, nước lũ đang cao nên chưa thể đánh giá hết thiệt hại; nhiều công trình, cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, trường học, trụ sở, trạm y tế, điện lực… bị sạt lở và hư hỏng nặng. Đặc biệt, có 2 người chết và 2 người mất tích.

Để giúp nhân dân Hà Tĩnh ứng phó với mưa lũ, trước mắt, Hà Tĩnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương quan tâm giúp đỡ tỉnh về giống cây trồng, rau màu các loại; một số loại hóa chất để tiêu độc khử trùng và vệ sinh môi trường sau lũ; phương tiện, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn…

Trước tình hình diễn biến mưa lũ còn phức tạp, Phó Thủ tướng đề nghị Hà Tĩnh tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ứng phó mưa lũ.

Các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân: Rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết. Tổ chức giám sát, vận hành an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ đập đã đầy nước.

Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện kịp thời triển khai cứu hộ, cứu nạn và khắc phục sự cố đê điều, hồ đập, sạt lở... Tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ năng bảo đảm an toàn, hạn chế rủi ro trong mưa lũ.

Kết thúc buổi làm việc, kiểm tra ở hồ Kẻ Gỗ,Phó Thủ tướng Chính phủ đã đi thăm hỏi và trao quà cho người dân ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, nơi đang chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ những ngày qua.

Diễm Phước - Sao La