Phong Hải Lào Cai - Cùng ngành chè vượt qua đại dịch 

Công ty Cổ phần Phong Hải Lào Cai cũng căng mình chống chọi lại những khó khăn của dịch bệnh Covid-19 như những doanh nghiệp khác trên cả nước. Trải qua giai đoạn “trường kỳ kháng chiến” Ban lãnh đạo công ty đặt ra mục tiêu mới cho năm 2022 rực rỡ hơn.

Công ty Cổ phần Phong Hải Lào Cai có 245 ha chè nguyên liệu, với gần 100 công nhân, người lao động gắn bó với cây chè và chè là nguồn thu nhập ổn định cho người dân nơi đây. 

Công ty Cổ phần Phong Hải Lào Cai với thương hiệu Phong Hải Danh trà nổi tiếng 
Công ty Cổ phần Phong Hải Lào Cai với thương hiệu Phong Hải Danh trà nổi tiếng 

Các sản phẩm chè chế biến của Công ty đa dạng, được xuất khẩu sang nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ với số lượng hàng ngàn tấn sản phẩm/năm. Tuy vậy, ba năm đối mặt với dịch bệnh Covid-19, có những thời điểm cơ sở chế biến sản xuất chè của Phong Hải lượng chè khô tồn ứ tại kho với khoảng trên dưới 1 nghìn tấn chè khô. Không xuất khẩu được sang các nước do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như chiến sự của các nước Trung Đông và khó khăn khi tiêu thụ ở thị trường nội địa, thời điểm đó có thể nói là khó khăn chồng chất khó khăn. 

Tuy khó là vậy nhưng công ty vẫn tiếp tục thu mua chè búp tươi cho người dân, đảm bảo đầu ra cho chè tươi, tránh việc người dân ngừng chăm sóc và bỏ bê cây chè

“Do tình hình dịch bệnh khá phức tạp, công thêm chiến sự Trung Đông căng thẳng, thời điểm đó những thị trường nước ngoài trước đây là thị trường lớn giờ cũng không còn được như trước. Trước khó khăn chung, công ty vẫn quyết định thu mua chè búp tươi của bà con với giá rẻ hơn. Mặc dù thu mua của bà con nhưng chè thành phẩm không xuất đi được. Chè tồn ứ tại kho mấy tháng liền, Ban lãnh đạo công ty vẫn phải cố gắng xoay sở”, Lãnh đạo công ty Phong Hải Lào Cai chia sẻ. 

Những đồi chè được quan tâm và chăm sóc kỹ lưỡng
Những đồi chè được quan tâm và chăm sóc kỹ lưỡng

Mặc dù công ty còn gặp rất nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch nhưng Ban lãnh đạo công ty vẫn đảm bảo sản xuất kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh, vững vàng trên thương trường, tạo công ăn, việc làm, thu nhập ổn định cho gần cán bộ, công nhân.

Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến công ty phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm vài lao động, thậm chí có thời gian phải tạm dừng hoạt động. Do vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động, phục hồi sản xuất, kinh doanh, công ty buộc phải đầu tư cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cùng với việc phát huy, sử dụng hiệu quả dây chuyền sản xuất, hệ thống nhà xưởng và các trang thiết bị sẵn có, thời gian qua Công ty CP Phong Hải Lào Cai triển khai thực hiện tự động hóa trong sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty. Mới đây, công ty đã đầu tư xây dựng lại toàn bộ hệ thống nhà xưởng, đầu tư dây chuyền sản xuất máy móc thiết bị hiện đại, tự động hoá khoảng 80%.

Bên cạnh đó, để bù lỗ hỏng do dịch bệnh vừa qua cùng như định hướng vươn xa ra thế giới trong thời gian tới, Công ty tiến hành đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm máy móc mới, đổi mới công nghệ chế biến chè chất lượng cao; cải tạo lại toàn bộ nhà xưởng, kho bãi. Vận động người dân tiến hành trồng thay thế và trồng cải tạo lại vườn chè già cỗi để tạo vùng nguyên liệu ổn định cho sản xuất. Đổi mới cách chăm bón, canh tác chè theo phương pháp hoàn toàn hữu cơ không tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật; thực hiện, đa dạng hóa sản phẩm để cạnh tranh.

Ban lãnh đạo công ty gặp mặt đồng nghiệp hội cơ khí Nông trường Phong Hải
Ban lãnh đạo công ty gặp mặt đồng nghiệp hội cơ khí Nông trường Phong Hải

Hiện tại ngoài việc đối mặt với những khó khăn của thời kỳ hậu Covid-19, năm nay các doanh nghiệp chè nói chung và công ty Phong Hải nói riêng còn phải đối mặt với giá vật tư phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để phục vụ cho cây chè cũng tăng cao. Giá vật tư năm nay cao gấp gần 2 lần so với năm 2021. 

Chia sẻ về khó khăn này, Giám đốc công ty Phong Hải Lào Cai cho biết: Ở thời điểm hiện tại, những khó khăn của dịch bệnh mới chỉ giải quyết được khoảng 50% nhưng lại phát sinh vấn đề về giá vật tư tăng cao. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo công ty cũng đã tạo điều kiện hết sức cho bà con, triển khai cho bà con vay phân bón theo cơ chế trả chậm, sau này có sản phẩm chè bán cho nhà máy thì sẽ trừ dần vào sản lượng chè tươi. Hiện nay, các hộ đã đăng ký và phía công ty cũng đã cấp cho các hộ hơn 200 tấn phân bón để phục vụ cho chè sản xuất kinh doanh.”

Để tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, phía công ty Phong Hải  cũng đã đứng ra ký hợp đồng bảo lãnh để các hộ vay lại. Cụ thể, công ty đã ký hợp đồng với đơn vị cung cấp phân bón 6 tháng mới phải thanh toán. Và tất nhiên, phía đơn vị cung cấp phân bón cũng đã tính lãi suất ngân hàng vào trong đơn giá phân bón.

Trong năm 2022, Công ty Phong Hải xác định tập trung phát triển mở rộng thêm một số thị trường khác. Trong thời điểm mùa vụ mới, phía công ty dự kiến mời các khách hàng tham dự, đánh giá yêu cầu về chất lượng sản phẩm. Nếu đạt được thỏa thuận hợp tác thì công ty sẽ phát triển thêm mặt hàng và mở thêm thị trường nữa để tránh rủi ro.

Mục tiêu lớn nhất mà công ty đặt ra ở năm nay là phát triển thị trường chè nội tiêu. Phía công ty dự kiến sẽ thiết kế lại các sản phẩm chè nội tiêu từ bao bì đến sản phẩm, để các sản phẩm chè nội tiêu đa dạng từ bình dân đến cao cấp.

Công ty CP Phong Hải đang dần thích ứng với trạng thái “bình thường mới” để phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch với hi vọng có một năm 2022 khởi sắc hơn cho cả công ty và ngành chè.

Hoài An