Phú Thọ: Áp dụng công nghệ kỹ thuật trong sản xuất và chế biến chè tại huyện Thanh Sơn, Tân Sơn

Từ những tiềm năng và lợi thế phát triển cây chè trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, trong nhiều năm qua ở huyện Thanh Sơn và Tân Sơn luôn quan tâm đầu tư cải tạo, thâm canh diện tích chè, thay thế dần các giống chè cũ, những diện tích chè cằn xấu bằng các giống chè mới. Đồng thời để nâng cao năng suất, chất lượng chè, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các hộ trồng chè đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chè theo quy chuẩn như VietGAP, IPM, ICM.

Trên địa bàn huyện Tân Sơn hiện có trên 3.800ha chè, trong đó trên 3.700ha đang cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 11,8 tấn/ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 43.000 tấn/năm. Đặc biệt, hiện nay toàn huyện Tân Sơn có khoảng 165 cơ sở sơ chế, chế biến chè trong đó có bảy cơ sở chế biến chè đen, công suất từ năm tấn chè búp tươi/ngày trở lên, 158 cơ sở chế biến chè xanh với quy mô đa dạng. Giá trị mang lại từ cây chè đạt trên 100 tỉ đồng mỗi năm. Cây chè đang là cây giảm nghèo của địa phương, vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa giải quyết việc làm cho bà con nông dân.

Để nâng cao chất lượng chè chế biến, giai đoạn 2021-2025, huyện Tân Sơn đặt mục tiêu xây dựng năm chuỗi chế biến chè xanh tại các xã Long Cốc, Văn Luông, Minh Đài, Mỹ Thuận, Thu Cúc; hình thành vùng chè nguyên liệu; xây dựng các mô hình liên kết giữa cơ sở chế biến và hộ trồng chè. Với hai làng nghề chè và bảy HTX chuyên sản xuất chè xanh, huyện khuyến khích sản xuất, chế biến theo hướng an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, xây dựng thương hiệu để từng bước mở rộng quy mô sản xuất.

Điển hình về việc đi đầu trong ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất chè xanh ở xã Văn Luông, huyện Tân Sơn phải nói đến Hợp tác xã (HTX) chè Hoàng Văn hiện đang tập trung phát triển theo hướng sản xuất, chế biến chè xanh chất lượng cao, trước hết là phục vụ thị trường nội địa và hướng tới liên kết với một số doanh nghiệp để xuất khẩu.

Hợp tác xã chè Hoàng Văn tại xã Văn Luông, huyện Tân Sơn là đơn vị đi đầu trên địa bàn huyện về ứng dụng công nghệ kỹ thuật trong sản xuất và chế biến chè đã đặt kết quả tốt.
Hợp tác xã chè Hoàng Văn tại xã Văn Luông, huyện Tân Sơn là đơn vị đi đầu trên địa bàn huyện về ứng dụng công nghệ kỹ thuật trong sản xuất và chế biến chè đã đặt kết quả tốt.

Hiện nay, các sản phẩm chè xanh của HTX đã tạo được chỗ đứng ổn định trên thị trường và được người tiêu dùng ưa chuộng. Chè Bát Tiên hiện có giá 600.000 đồng/kg; chè Mộc có giá 400.000 đồng/kg và chè LDP 1 có giá 300.000 đồng/kg. Có được giá thành sản phẩm như vậy là nhờ HTX đã mạnh dạn áp dụng một số tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm chè. Đặc biệt, từ cuối năm 2020 đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã triển khai mô hình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) gắn với dịch vụ BVTV trên cây chè tại đây và bước đầu cho thấy những hiệu quả rõ rệt.

Theo đó, đối với diện tích chè trong mô hình sẽ hạn chế đến mức tối đa các loại phân bón hóa học, thay vào đó là tăng cường lượng phân hữu cơ và phân vi sinh; loại bỏ hoàn toàn thuốc BVTV hóa học thay thế bằng các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, nằm trong danh mục được phép sử dụng của Bộ NN&PTNT, đồng thời bón phân theo đợt thay cho việc bón theo lứa, theo tập quán trước kia. Đối với các loại sâu bệnh, cán bộ kỹ thuật sẽ tìm hiểu đó là loại sâu bệnh gì, sử dụng loại thuốc BVTV nào là phù hợp nhất, toàn bộ HTX sử dụng chung một loại thuốc do HTX chủ động làm đầu mối cung cấp để đảm bảo chất lượng chè được đồng nhất.

Ông Đặng Đức Nam - Giám đốc HTX chè Hoàng Văn chia sẻ: “Nhờ áp dụng các tiến bộ KHKT, chất lượng và năng suất chè của HTX đã có những thay đổi rõ rệt. Năng suất chè tăng trung bình khoảng 1,4 tấn/ha/năm. Lá chè dày hơn, nước có độ xanh và vị chè ngọt đọng lại lâu hơn so với trước đây. Vì thế, được người tiêu dùng ưa chuộng, thuận lợi hơn trong tiêu thụ. Năm 2019, chỉ tính riêng chè xanh, HTX đã tiêu thụ được hơn 16 tấn, cho doanh thu hơn 7 tỉ đồng…”.

Cùng với đó, toàn huyện Thanh Sơn có gần 2.600ha chè, trong đó có 2.470ha đang cho thu hoạch. Năm 2020, tổng sản lượng chè búp tươi của toàn huyện đạt trên 30.000 tấn, tăng hơn 20% so với năm 2015. Để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế từ cây chè, huyện đã tập trung phát triển vùng chè xanh chất lượng cao, rà soát diện tích trồng mới, trồng lại thay thế diện tích chè cằn xấu, giống cũ bằng giống chè mới. Hiện, diện tích chè chất lượng cao chiếm gần 30% tổng diện tích chè toàn huyện.

Gia đình bà Trần Thị Mão ở khu Ngọc Sơn 1, xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn hái chè bằng tay, đảm bảo tiêu chí “một tôm, hai lá” để chế biến chè xanh đạt chất lượng cao.
Gia đình bà Trần Thị Mão ở khu Ngọc Sơn 1, xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn hái chè bằng tay, đảm bảo tiêu chí “một tôm, hai lá” để chế biến chè xanh đạt chất lượng cao.

Song song với đó, huyện khuyến khích đa dạng các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, chế biến chè, mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn các hộ dân áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất, chế biến chè an toàn, tiến tới xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa cho các cơ sở chế biến thủ công truyền thống, các làng nghề có sản phẩm chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường và xuất khẩu.

Ở các làng nghề, hộ gia đình đã đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại chế biến chè xanh như: Máy hút chân không, thay lò quay thép bằng inox, máy tách màu... Đến nay, toàn huyện có 329 cơ sở chế biến chè, trong đó có 12 doanh nghiệp, 6 hợp tác xã, 6 làng nghề, 305 cơ sở chế biến, hộ cá thể.

Thu hoạch chè tại Hợp tác xã chè Văn Miếu, huyện Thanh Sơn.
Thu hoạch chè tại Hợp tác xã chè Văn Miếu, huyện Thanh Sơn.

Bên cạnh đó, các HTX và làng nghề chế biến chè được thành lập đã quy tụ người trồng chè vào các tổ chức, từ đó thuận lợi cho việc áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật từ khâu chăm sóc, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Giá trị sản phẩm chè của Thanh Sơn ngày càng được nâng cao. Một số sản phẩm chè xanh như chè Bát Tiên, Mộc, Kim Tuyên… có giá bán từ 400.000 - 600.000 đồng/kg, giúp người trồng chè phấn khởi, yên tâm đầu tư sản xuất.

Trao đổi với ông Phan Văn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết: “Việc áp dụng hình thức quản lý ICM và dịch vụ BVTV sẽ giúp cho chất lượng chè thành phẩm của HTX có chất lượng đồng đều, giữ vững được thương hiệu và giá thành sản phẩm. Quan trọng nhất là tạo cho người trồng chè nâng cao ý thức về sản xuất bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo vệ môi trường sinh thái; thực hiện nghiêm túc việc ghi sổ nhật ký sản xuất theo mẫu VietGAP, đáp ứng đúng quy định để hướng tới nâng cao giá trị khi xuất khẩu. Từ mô hình này, Chi cục sẽ tiếp tục nhân rộng ra nhiều địa phương khác trong tỉnh để góp phần nâng cao vị thế và thương hiệu chè Phú Thọ trên thị trường trong nước và quốc tế”.

Sơn Thủy