Thời gian qua, các huyện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã chủ động xây dựng kế hoạch, nỗ lực, tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm tham gia Chương trình OCOP bằng những giải pháp cụ thể như: Định hướng tư vấn nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng; hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm… Trên cơ sở đó, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất khu vực miền núi đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, các quy định trong an toàn thực phẩm và môi trường. Trong đó, một số sản phẩm của HTX, làng nghề, nghề truyền thống như: Nếp Gà Gáy Mỹ Lung, thịt chua Thanh Sơn, chè Cẩm Mỹ, chè Long Cốc, bưởi Đoan Hùng... đều đã đạt tiêu chuẩn chứng nhận OCOP hạng 3 sao, 4 sao.
Đối với huyện Thanh Sơn, tính đến năm 2022 huyện có ít nhất 23 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Để đạt được mục tiêu đó, huyện Thanh Sơn đã tập trung nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình, phát huy sức mạnh của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội với thực hiện chương trình theo từng nội dung cụ thể.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huyện tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, các tổ chức kinh tế tham gia; khuyến khích các chủ thể OCOP tham gia hoạt động liên kết, xúc tiến thương mại tại các diễn đàn kết nối cung cầu, thực hiện kết nối trên nền tảng công nghệ số, hội chợ quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP và nông sản; tổ chức đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP đảm bảo chặt chẽ, khách quan, đúng quy định; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về đánh giá, phân hạng sản phẩm và duy trì điều kiện, chất lượng sản phẩm của các chủ thể, sản phẩm OCOP.
Bước phát triển vượt bậc từ ngành nông nghiệp
Nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của các tổ chức, cá nhân địa phương; công tác triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn huyện Thanh Sơn năm 2021 đã đạt được thành tích quan trọng, vượt bậc từ ngành nông nghiệp.
Ngày 27/03/2021 UBND có văn bản số 385/UBND-NN về việc đề nghị chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2021 và rà soát, đăng ký sản phẩm tham gia chương trình giai đoạn 2021- 2025. Kế hoạch số 617/KH-UBND ngày 07/5/2021 về việc triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) huyện Thanh Sơn năm 2021. UBND tỉnh triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm, UBND huyện đã triển khai ban hành các văn bản về sự phát triển chung của nghành nông nghiệp.
Sau 02 năm triển khai Chương trình OCOP cho các xã, thị trấn và các đối tượng sản xuất đăng ký tham gia Chương trình, kết quả đạt được cụ thể. Theo rà soát, tỉ lệ đăng ký chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt 23/23 các xã, thị trấn. Trong đó, có 04 xã đăng ký sản phẩm bưởi, 02 xã đăng ký sản phẩm chè, 02 xã đăng ký sản phẩm khoai tầng vàng, 02 xã đăng ký sản phẩm thanh long, các xã còn lại đăng ký sản phẩm lúa đặc sản, chất lượng cao; mật ong, táo, thịt chua… Huyện Thanh Sơn dự kiến xây dựng, quảng bá thương hiệu 05 sản phẩm chủ lực là: Chè, chuối phấn vàng, khoai tầng vàng, gà, thịt chua.
Tính đến nay trên địa bàn huyện có tổng 15 sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. Trong năm 2020, tổng 04 sản phẩm trong đó có 03 sản được xếp hạng 4 sao bao gồm: Trà OoLong - Công ty TNHH chè xuất khẩu Bảo Long; Thịt chua hương vị truyền thống - Công ty Cổ phần và Thương mại TruongFoods; Thịt chua ống nứa - Công ty Cổ phần và Thương mại TruongFoods. Xếp hạng 3 sao gồm 1 sản phẩm đó là, Thịt chua Thanh Sơn của HTX thịt chua Thanh Sơn.
Với kết quả đạt được từ việc triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn, huyện Thanh Sơn luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành thông qua việc ban hành các Kế hoạch, văn bản chỉ đạo. Nhận thức của cán bộ và người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển các sản phẩm OCOP được nâng lên.
Những khó khăn, tồn tại trong việc phát triển sản phẩm OCOP
Chương trình OCOP được triển khai trong tình hình đại dịch Covid-19 đã có tác động sâu rộng đến nền kinh tế trong và ngoài nước, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, giá cả các loại vật tư đầu vào tăng gây khó khăn cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất tham gia Chương trình. Vai trò của chính quyền cấp xã còn mờ nhạt, tư tưởng nhận thức các chủ thể chưa thấy được sự cần thiết của chương trình, chưa hiểu đúng về quan điểm, mục tiêu, nội dung của chương trình vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước.
Các tổ chức kinh tế, cơ sở sản xuất chưa xác định được lợi ích trong việc tham gia chương trình nên chưa thực sự quan tâm nhiều đến việc tiêu chuẩn hóa chất lượng sản phẩm nên chất lượng nhiều loại sản phẩm chưa cao, không đồng đều; mẫu mã bao bì, kiểu dáng còn sơ sài, thiếu tính thương mại; số lượng sản phẩm đăng ký tham gia nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, bảo hộ nhãn hiệu còn ít.
Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho chương trình OCOP còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ, phát triển và tiểu chuẩn hóa các sản phẩm theo quy định; các sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương có quy mô sản xuất chủ yếu theo quy mô hộ gia đình, manh mún, nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất. Thị trường tiêu thụ sản phẩm còn hạn hẹp, chưa gắn kết được sản phẩm với các tua tuyến du lịch trên địa bàn huyện.
Huyện Thanh Sơn đã đưa ra những giải pháp thứ nhất về công tác tuyên truyền. Thứ nhất, tập trung thực hiện tốt việc tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng bằng nhiều hình thức để người dân, các tổ chức kinh tế xã hội thấy được lợi ích, giá trị kinh tế, giá trị nhân văn và tích cực khi thực hiện Chương trình OCOP.
Thứ hai, kiện toàn bộ máy quản lý, điều hành Chương trình OCOP. Tiếp tục thực hiện kiện toàn BCĐ, Hội đồng và tổ giúp việc phân hạng, đánh giá sản phẩm cho phù hợp với điều kiện địa phương.
Thứ ba là đào tạo nhân lực: Đào tạo, tập huấn chuyên môn cho cán bộ quản lý chương trình các cấp. Đào tạo kỹ năng quản trị, kinh doanh, chiến lược phát triển, phân phối sản phẩm và xúc tiến thương mại cho đội ngũ lãnh đạo các tổ chức kinh tế tham gia OCOP.
Thứ tư là công tác xúc tiến thương mại: Thường xuyên khuyến khích tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động quảng cáo, tiếp thị sản phẩm; hoạt động thương mại điện tử; tổ chức sự kiện quảng bá sản phẩm OCOP gắn liền với phát triển du lịch, hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP cấp tỉnh…; xây dựng hệ thống điểm giới thiệu và bán sản phẩm tại các khu du lịch, khu dân cư, tại các siêu thị, chợ truyền thống…
Thứ năm là huy động nguồn lực phát huy tối đa nội lực của nhân dân địa phương và các thành phần kinh tế; đa dạng hoá các hình thức huy động vốn như: Vốn nhàn rỗi trong dân, vốn tín dụng, vốn hỗ trợ của doanh nghiệp và các nguồn vốn khác... Khuyến khích, vận động các cơ sở sản xuất tăng vốn đầu tư nhằm mở rộng sản xuất, đầu tư máy móc hiện đại để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh; đề nghị hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đẩy mạnh cho vay đầu tư phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, triển khai thực hiện có kết quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn.
Tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh trong thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút các nguồn lực về tài chính và cơ sở vật chất từ các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính quốc tế, các nguồn tài chính hợp pháp khác, đặc biệt là từ nguồn lực đầu tư của các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Hoàng Anh