Phú Thọ: Quản lý và phát triển sản xuất vùng chè an toàn

Cây chè là cây công nghiệp mũi nhọn, thuộc chương trình nông nghiệp trọng điểm của tỉnh Phú Thọ. Mỗi vùng đất với điều kiện thổ nhưỡng khác nhau đã đem lại cho sản phẩm chè Phú Thọ nhiều hương vị đặc trưng riêng. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tập trung phát triển cây chè bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa với các sản phẩm đa dạng có chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao giá trị thu nhập cho người sản xuất và kinh doanh chè.

Diện tích trồng chè ở Phú Thọ đứng thứ 4 cả nước sau Hà Giang, Thái Nguyên, Lâm Đồng. Ảnh: Phi Long.
Diện tích trồng chè ở Phú Thọ đứng thứ 4 cả nước sau Hà Giang, Thái Nguyên, Lâm Đồng. Ảnh: Phi Long.

Phú Thọ hiện đứng thứ 4 về diện tích, thứ 3 về sản lượng chè trong số các tỉnh sản xuất chè của cả nước. Năm 2016, diện tích trồng chè của tỉnh là 16,7 nghìn ha, trong đó có 15,6 nghìn ha diện tích chè cho sản phẩm. Năng suất chè búp tươi bình quân trên diện tích cho sản phẩm đạt 103,7 tạ/ha. Sản lượng chè búp tươi ước đạt 162,4 nghìn tấn. Diện tích chè giống mới, chè chất lượng cao khoảng 12,2 nghìn ha, cơ cấu giống khá đa dạng. Bên cạnh vùng nguyên liệu chế biến chè đen bước đầu đã hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến chè xanh (trồng bằng các giống LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên...) tại các huyện: Tân Sơn, Thanh Sơn, Đoan Hùng, Thanh Ba, Phù Ninh, Hạ Hòa.

Hiện nay, toàn tỉnh hiện có 59 cơ sở chế biến chè có công suất trên 1 tấn búp tươi/ngày; có 1.281 cơ sở chế biến chè thủ công, nhỏ lẻ; 15 làng nghề và 08 hợp tác xã sản xuất, chế biến chè. Cơ cấu sản phẩm chè xanh chiếm khoảng 30%, chè đen chiếm 70%; đang từng bước xây dựng thương hiệu chè xanh Phú Thọ: Chè Bảo Long, chè Hà Trang, Phú Hộ trà; hình thành 15 làng nghề sản xuất, chế biến chè xanh (Làng nghề chè chùa Tà, làng nghề chế biến chè Ngọc Đồng, Hoàng Văn, làng nghề sản xuất chè Phú Thịnh,...). Sản phẩm chè của Phú Thọ đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới và được đông đảo người tiêu dùng trong nước biết tới.

Đến năm 2020, tỉnh Phú Thọ tái cơ cấu ngành chè theo hướng nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững các mối quan hệ giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Sắp xếp các cơ sở chế biến; đổi mới thiết bị, công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh và xây dựng thương hiệu chè Phú Thọ.

Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho chè Phú Thọ

Phú Thọ được biết đến là xứ sở của “rừng cọ, đồi chè”, là cái nôi của cây chè Việt. Năm 2018, diện tích trồng chè của tỉnh là 16,2 nghìn ha, trong đó có 15,6 nghìn ha diện tích chè cho sản phẩm. Năng suất chè búp tươi bình quân trên diện tích cho sản phẩm đạt hơn 111 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi ước đạt gần 173 nghìn tấn, đưa Phú Thọ trở thành tỉnh đứng thứ 4 cả nước về diện tích trồng chè, sau các tỉnh Hà Giang, Thái Nguyên, Lâm Đồng và đứng thứ 3 về sản lượng chè.

Ths. Vũ Xuân Khiêm, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Phú Thọ cho biết, từ lâu cây chè đã được tỉnh Phú Thọ xác định là một trong những cây trồng chủ lực, mũi nhọn trong quá trình phát triển kinh tế của địa phương. Chè được trồng tập trung tại các huyện: Đoan Hùng, Thanh Ba, Hạ Hòa, Phù Ninh, Yên Lập, Thanh Sơn, Tân Sơn, Thanh Thủy, Cẩm Khê và thị xã Phú Thọ. Hiện toàn tỉnh đã có 3,98 nghìn ha chè được chứng nhận sản xuất theo quy trình an toàn, chiếm 24,1% diện tích chè cho sản phẩm. Trong đó, 1,95 nghìn ha đạt tiêu chuẩn RFA, UTZ…

Theo Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ, cây chè có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh Phú Thọ, diện tích chè toàn tỉnh có hơn 16.000 ha, được quy hoạch vùng chè tập trung ở 9/13 huyện thị thành trong tỉnh là Thanh Sơn, Tân Sơn, Cẩm Khê, Yên Lập, Thanh Ba, Hạ Hoà, Đoan Hùng, Phù Ninh, thị xã Phú Thọ. Ảnh: Phi Long.
Theo Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ, cây chè có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh Phú Thọ, diện tích chè toàn tỉnh có hơn 16.000 ha, được quy hoạch vùng chè tập trung ở 9/13 huyện thị thành trong tỉnh là Thanh Sơn, Tân Sơn, Cẩm Khê, Yên Lập, Thanh Ba, Hạ Hoà, Đoan Hùng, Phù Ninh, thị xã Phú Thọ. Ảnh: Phi Long.

Về sản phẩm, theo ông Khiêm, Phú Thọ có 2 sản phẩm chủ yếu là chè xanh và chè, Cơ cấu sản phẩm chè xanh chiếm khoảng 30%, chè đen chiếm 70%. Toàn tỉnh hiện có 59 cơ sở chế biến chè có công suất trên 1 tấn búp tươi/ngày; 1.281 cơ sở chế biến chè thủ công, nhỏ lẻ; 15 làng nghề và 08 hợp tác xã sản xuất, chế biến chè. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang từng bước xây dựng thương hiệu chè riêng cho mình như: Chè Bảo Long, chè Hà Trang, Phú Hộ Trà...

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cũng đã hình thành 15 làng nghề sản xuất, chế biến chè xanh, như: Làng nghề chè chùa Tà, làng nghề chế biến chè Ngọc Đồng, Hoàng Văn, làng nghề sản xuất chè Phú Thịnh.... Đến nay, mới có 01 nhãn hiệu tập thể "Chè xanh Chùa Tà" cho sản phẩm chè xanh của làng Chùa Tà, xã Tiên Phú, huyện Phù Ninh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận số 258995 theo Quyết định số: 12181/QĐ-SHTT ngày 03/03/2016.

Từ thực tế tình hình quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh chè tên địa bàn tỉnh, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Phú Thọ đã đề xuất xây dựng và triển khai dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phú Thọ” cho sản phẩm chè của tỉnh Phú Thọ” trong khuôn khổ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ.

Theo ông Khiêm, hình thức bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận được đánh giá là phù hợp nhất để xây dựng, quản lý, khai thác và phát triển ngành chè Phú Thọ trong thời điểm hiện nay. Nhãn hiệu chứng nhận cung cấp cơ sở hợp tác có lợi giữa người sản xuất và kinh doanh chè trên toàn địa bàn tỉnh Phú Thọ. Thông qua hoạt động kiểm soát của chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận - người tiêu dùng được đảm bảo rằng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng, đảm bảo các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường….

Chè Phú Thọ được xây dựng và phát triển thương hiệu là một bước phát triển mới cả về chất và lượng. Phú Thọ sẽ có thêm một thương hiệu ngày càng lớn mạnh, một sản phẩm mang giá trị kinh tế nằm trong chuỗi các sản phẩm chủ lực, mũi nhọn tạo nên giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp…

“Việc xây dựng thành công Nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phú Thọ” cho sản phẩm Chè của tỉnh Phú Thọ sẽ góp phần mở rộng sản xuất, nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của sản phẩm chè Phú Thọ trên thị trường, làm tăng giá trị và uy tín của sản phẩm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống của nhân dân, tăng nguồn thu ngân sách, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh” – ông Khiêm nhấn mạnh.

Phát triển sản xuất chè an toàn

Các giống chè chủ lực được trồng thâm canh như PH1, LDP1, LDP2,... trồng ở vùng nguyên liệu phục vụ chế biến chè đen xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như Ấn Ðộ, Trung Quốc, Ðức, Anh... Đến nay, nhiều giống chè mới chất lượng đã được trồng thay thế, trồng bổ sung ở các vùng quy hoạch của tỉnh để phục vụ cho phát triển chế biến chè xanh.

Tỉnh Phú Thọ hiện có 59 cơ sở chế biến chè có công suất trên 1 tấn búp tươi/ngày, hơn 1.280 cơ sở chế biến chè thủ công, nhỏ lẻ; 15 làng nghề và 08 hợp tác xã (HTX) sản xuất, chế biến chè. Cơ cấu sản phẩm chè xanh chiếm khoảng 30%, chè đen chiếm 70%.

Thực hiện tái cơ cấu ngành chè, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh tiến hành rà soát, sắp xếp cơ sở chế biến và tổ chức sản suất. Đã có nhiều chính sách của tỉnh hỗ trợ cho sản xuất và chế biến để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm chè Phú Thọ: hỗ trợ 15 doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới công nghệ sao, sấy, phân loại trong chế biến chè xanh và chè đen đồng bộ, hiện đại; 14 HTX, 18 làng nghề, một trang trại sản xuất, chế biến chè và 897 cơ sở chế biến thủ công nhỏ lẻ. Ngoài ra, một số nhà máy chế biến đã liên kết sản xuất với các HTX, nhóm hộ trồng chè bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định, kiểm soát được chất lượng chè thành phẩm. Nhiều doanh nghiệp, làng nghề, HTX sản xuất, chế biến chè xanh xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Vùng nguyên liệu chè của Công ty TNHH Maika Food tại khu 7, xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Phi Long.
Vùng nguyên liệu chè của Công ty TNHH Maika Food tại khu 7, xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Phi Long.

Tại các vùng thổ nhưỡng thích hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây chè, tỉnh đã khảo sát và xây dựng mô hình sản xuất, chế biến chè an toàn tại các huyện Thanh Sơn, Hạ Hòa, Đoan Hùng, Thanh Ba, Tân Sơn, Phù Ninh với tổng diện tích 153,3 ha sản xuất chè búp tươi an toàn theo quy trình VietGAP. Ngoài ra, tỉnh cũng đã xây dựng mô hình chuỗi kiểm soát chè an toàn tại Thanh Sơn, Yên Lập với quy mô gần 57 ha. Tỷ lệ diện tích chè giống mới có năng suất, chất lượng cao như LDP1, LDP2, chè Ấn Độ, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên... đạt cao phù hợp cho phát triển chế biến chè xanh chất lượng, mở rộng diện tích sản xuất chè theo quy trình an toàn đạt 2,1 nghìn ha. Sản phẩm tại các mô hình chè sẽ được kiểm soát an toàn thực phẩm trong toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh, được chứng nhận gắn tem, nhãn để người tiêu dùng nhận diện được sản phẩm an toàn và có thể truy xuất được nguồn gốc, từng bước xây dựng thương hiệu chè Phú Thọ.

Ngoài việc quy hoạch các vùng chè an toàn, tỉnh đã xây dựng các mô hình sản xuất chè theo Dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp” (QSEAP) tập trung chủ yếu ở các huyện trọng điểm. Ðây là cơ sở cho việc thu hút đầu tư sản xuất chè hàng hóa chất lượng, giá trị cao. Trong đó, chú trọng xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu chè an toàn theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, hóa chất trừ sâu; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), từ khâu sản xuất đến chế biến thành phẩm cuối cùng. Việc đẩy mạnh đầu tư và phát triển cây chè là chủ trương của tỉnh cho loại cây trồng trọng điểm có giá trị kinh tế cao cho xuất khẩu và thu nhập ổn định cho người dân ở các các vùng chè trong tỉnh.

PHI LONG