Phương pháp linh hoạt, sáng tạo giúp trẻ tự tin vào lớp 1

Để trẻ thích ứng tốt nhất với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều trường mầm non đã chủ động tham khảo các môn học trong sách giáo khoa mới, lồng ghép vào nội dung chương trình dạy trẻ 5 tuổi.

Khuyến khích trẻ học – chơi theo nhóm. Ảnh: TG  
Khuyến khích trẻ học – chơi theo nhóm. Ảnh: TG  

Cô Lưu Thị Dung – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hải Tân, huyện Hải Hậu, Nam Định chia sẻ: Tạo tâm thế tốt nhất để các con vào lớp 1 là nhiệm vụ và cũng là trách nhiệm của GV được giao dạy lớp mẫu giáo lớn. Để làm được điều đó, từ đầu năm học, các cô đã lồng ghép, nói chuyện về việc các con sẽ đến học ở môi trường mới. Cũng là lớp học nhưng các con không còn lăn lê, bò toài mà phải ngồi học đĩnh đạc như người lớn. Các cô giáo cũng nói về quy định, điều khác biệt ở trường tiểu học mỗi học sinh phải thực hiện; niềm vui có được khi đến trường, cùng các bạn khám phá ra nhiều điều mới lạ trong thế giới rộng lớn hơn.

Tại  thực hành Hoa Thủy Tiên (Trường CĐSP Trung ương), GV dạy trẻ lớp mẫu giáo hướng dẫn các con ngồi học đúng tư thế. Tiếp đến, hướng dẫn các em khả năng tập trung để quen dần việc chuyển từ hoạt động chủ đạo là vui chơi sang học tập.

Khích lệ sự sáng tạo trong các giờ học mà chơi của trẻ 5 tuổi. Ảnh: TG
Khích lệ sự sáng tạo trong các giờ học mà chơi của trẻ 5 tuổi. Ảnh: TG

Nhà giáo Hoàng Vân – Hiệu trưởng Trường MN Hà Lầm, Tp Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu GV giúp trẻ làm quen cách làm việc nhóm. Cô giáo chia học sinh theo nhóm, mỗi nhóm sẽ được giao một nhiệm vụ và cùng hoàn thành công việc cô giáo giao. Cô Vân cho biết: Qua học tập, sinh hoạt nhóm cho thấy nhiều trẻ rất thông minh, tinh thần hợp tác tốt. Sinh hoạt nhóm ở lớp mẫu giáo lớn giúp trẻ có tinh thần đồng đội và sẵn sàng chia sẻ với nhau trong hoạt động chung.

NGƯT Đặng Lộc Thọ - thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, tiểu ban GD mầm non, cho rằng: Để vững vàng vào lớp 1, cần giúp trẻ làm quen với số và chữ. Điều này được thực hiện tốt ở nhiều trường, trẻ được chơi trò chơi, nhận biết các chữ cái ở ba kiểu viết thường, viết in hoa, viết nghiêng. Cho dù chỉ là kỹ năng đơn giản như việc phân biệt hướng của các con chữ (phải, trái, trên, dưới), chơi trò chơi đánh vần… giúp trẻ thích thú và mong muốn được vào lớp 1.

Theo cô Nguyễn Thị Thạnh – Hiệu trưởng Trường MN Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái), ở vùng khó, cô giáo là mẹ nhưng cũng là cô. Việc lo lắng cho các con vào lớp 1 với tâm thế tốt nhất là điều trăn trở của nhà trường. Ở lớp mẫu giáo lớn, cô giáo sẽ lồng ghép nhiều hơn các hoạt động dạy học và sinh hoạt theo nhóm. Đăc biệt chúng tôi đẩy mạnh hoạt động dạy học lấy trẻ làm trung tâm, phương pháp này đã đem lại hiệu quả tích cực. Trẻ tự tin và chững chạc hơn khi vào lớp 1.

Hà An

Theo Giáo dục & Thời đại